Xe cấp cứu tình nguyện - Kỳ 2: Dân góp lúa 'nuôi' xe cấp cứu

25/04/2014 10:15 GMT+7

(TNO) Để có đủ tiền 'nuôi' 3 chiếc xe cấp cứu tình nguyện liên tục chạy miễn phí 365 ngày mỗi năm, cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú đã dựa vào điều thần kỳ nào?

B?u ch?n
Ý kiến của bạn về tấm lòng của những nhân vật có lòng hảo tâm được đề cập trong bài

(TNO) Để có đủ tiền "nuôi" 3 chiếc xe cấp cứu tình nguyện liên tục chạy miễn phí 365 ngày mỗi năm, cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú (An Giang) đã dựa vào điều thần kỳ nào? Bí quyết của họ bắt nguồn từ lòng nhân ái hào sảng của chính những nông dân chân lấm tay bùn.

>> Xe cấp cứu tình nguyện - Kỳ 1: Chạy đua cùng bóng tử thần

Góp lúa đổ xăng cho xe cấp cứu

6 giờ sáng, cạnh bờ sông gần Kênh 7 (xã Vịnh Tre, Châu Phú, An Giang), ba người đàn ông mặc đồng phục của cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú, lên ghe, chuẩn bị một ngày đi... quyên lúa.

Xe cấp cứu miễn phí
Bà Phạm Thị Gốc (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) gửi liền 2 bao lúa vừa thu hoạch tặng cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú. Bà Gốc thường tặng lúa giúp "chạy" đội xe cấp cứu tình nguyện và lo cơm cháo cho bệnh nhân nghèo

Đi chừng 20 phút, ghe tấp vào một bờ đê cao. Bên kia cánh đồng vàng ươm đã gặt gần xong, cả đội bốc vác hơn chục người liên tục vác lúa xuống thuyền ở bờ bên này.

Anh Phan Hòa Long, trưởng nhóm “đi xin”, lại gần bà chủ đồng trình bày: “Tụi tôi đi xin lúa lo cơm cháo cho bệnh nhân, lo tiền đổ xăng xe cấp cứu, xin bà con hỗ trợ chúng tôi chút gạo thóc gì cũng được”.

Bà chủ vựa Phạm Thị Gốc (xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) nhìn từ đầu tới chân ba ông "xin lúa", rồi gọi: “Tụi bây, lấy cho anh đây bao lúa”.

Xe cấp cứu miễn phí
Sau khi nhận được sự hỗ trợ, anh Phan Hòa Long (bên phải), đội trưởng đội vận động, đều viết biên lai cho người từ tâm. Đây cũng là căn cứ minh bạch để cơ sở biết ai đã đóng góp công sức và đảm bảo lòng từ thiện của họ được sử dụng đúng mục đích

Hai người công nhân thảy hai bao lúa xuống, trút nhanh tay sang bao cho hai người đi cùng anh Long. Vừa lúc đó, con gái bà Gốc (chủ đồng kế bên) gọi anh Long lại: “Năm nay nhà tui được mùa, mà rớt giá quá, mấy anh lấy đỡ một bao lúa nha”.

Chỉ 5 phút sau khi ngỏ lời, chiếc ghe của cơ sở từ thiện đã chất thêm ba bao lúa nếp mới tinh. Bà Gốc tiếp lời: “Cũng tại năm nay rớt giá, chứ mọi năm tui điện thoại mấy chú vào đây lấy luôn chứ không phải mất công vầy”.

Cách đó chừng trăm mét, một chủ đồng khác cũng đang xôn xao cân lúa xuống ghe. Một anh công nhân chạy qua nhìn anh Long ghi biên lai tri ân cho bà Gốc, rồi chạy về, lát sau đi lại đề nghị: “Anh em công đoàn (tức là một đội bốc vác - PV) tụi tôi góp một bao. Hổng có lúa, chung tiền. Ông anh khỏi ghi biên lai. Ai hổng biết xe trên bệnh viện huyện, tụi tôi phụ thôi”. Những người thợ đang vác lúa nghe vậy cười ầm lên, họ lần lượt chung vào tay anh trưởng nhóm những tờ tiền lẻ 10 ngàn, 20 ngàn... được một xấp thì đưa cho anh Long.

Xe cấp cứu miễn phí
Hình ảnh nhà nông trút lúa cho những bộ đồng phục áo xám này đã quen thuộc trên những cánh đồng khắp huyện Châu Phú mỗi khi mở đồng. Một ngày, trung bình đội có thể xin được 12 - 15 bao lúa, đi xin cật lực hết mùa mới mong đắp đổi đủ tiền xăng dầu cho 3 chiếc xe chạy liên tục, không nghỉ kể cả lễ tết

Đó chỉ là 20 phút buổi sáng trong một ngày đưa ghe đi xin lúa “đổ xăng” cho xe cấp cứu chạy. Vụ đông xuân, hè thu miền Tây cũng là mùa những người trong đơn vị từ thiện của bệnh viện huyện Châu Phú phải chạy đua với thời gian, theo những ngày mở đồng (bắt đầu gặt - PV) của các đồng lớn và các chủ thu mua đã quen với mình suốt 10 năm qua.

Đang giúp vợ cân nếp bán cho người thu mua, anh Nguyễn Văn Năng lẹ tay chỉ một bao nếp cho nhóm đi quyên lúa sang bao. Anh kể lại: “Năm rồi, con tôi bị sốt thương hàn nằm trên Bệnh viện Châu Phú một tuần nên tôi biết mấy anh này rồi. Tôi có qua bên cơ sở từ thiện, lúc nào cũng có nước nóng, nước lạnh, cơm cháo miễn phí cho bệnh nhân, có cả xe chuyển bệnh”.

Xe cấp cứu miễn phí
Những người điều hành, trực xe, lo điện thoại đường dây nóng hầu hết là người đã nghỉ hưu, già yếu, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng đón tất cả bệnh nhân cần mình. Đây cũng là nơi các bệnh nhân nghèo từ các vùng lân cận có thể đến xin hỗ trợ viện phí, hỗ trợ tiền khi sinh con hoặc cơm cháo lúc nằm viện

Sức dân trăm triệu mỗi tháng là thường!

Trên tấm bảng tính tiền xăng dầu xe cấp cứu miễn phí chạy tháng 2.2014 ở cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú, số tiền lên đến hơn 97 triệu cho 349 lượt xe đi về như con thoi, nhằm giành giật từng phút sự sống cho người nghèo bệnh nặng.

Mỗi tháng, ông Nguyễn Văn Vinh, thành viên của nhóm sáng lập đội xe cấp cứu tình nguyện ở đây, đều phải ra trạm xăng và gom tiền trả cho một tháng xe đến đổ dầu mỗi lần chuẩn bị đi viện cấp cứu. Ông Tư Chưa, người điều hành trạm xe, nói: “Tháng nào ít tiền cũng đổ dầu hết hơn 90 triệu, có tháng nhiều bệnh nhân nặng, tụi tôi trả hết hơn 120 triệu tiền dầu. Mua xe cấp cứu thì được, nhưng để duy trì xe cấp cứu chạy tận nơi mà không nhận tiền của bà con là rất khó”.

Bà Huỳnh Thị Trà, một trong những người đầu tiên trong những người tình nguyện ở trạm xe cấp cứu đã nghĩ ra sáng kiến: “Hay để tui đi xin lúa bà con”. 8 năm trước, bà Trà một thân một mình đạp xe tới nhà từng đứa con, người bạn thân, họ hàng, xin từng bao lúa khi vụ thu hoạch đến. Mắt bà Trà long lanh khi nhớ lại: “Người ta tốt lắm cô ơi. Tôi tới xin con cháu tôi, mà họ nghe nói lúa để chạy xe giúp người nghèo, họ bảo cho họ ké mấy bao. Ngày đầu tiên đi xin, xe đạp tôi không chở nổi, phải gọi cháu đưa ghe tới đưa về. Mấy ngày đầu mà xin được 16 - 17 triệu tiền lúa”.

Xe cấp cứu miễn phí
Một bảng kê khai số chuyến chạy trong tháng 2.2014. Giá tiền được ghi trên bảng là giá thị trường, để cơ sở có thể đo đếm được mình đã hỗ trợ người nghèo khoảng bao nhiêu bằng lòng hảo tâm của người đến cho tiền giúp

Mừng rỡ như tìm được lối thoát cho cơn khát xăng dầu của xe cấp cứu, lại được bà con nhiệt tình cho, ông Tư Chưa và bà Trà bàn bạc lập hẳn một đội đi "xin lúa" của bà con: “Anh em cho mình nhiều lắm, mà mình dốt, sợ người ta cho số lượng ghi lại không đủ lại mất mát nghĩa tình. Cơ sở mới làm giấy ghi ơn, xin được ai phải ghi vào như cái biên lai, cơ sở thống kê số lượng rồi công khai chi tiêu lên bảng cho ai đến cũng biết rõ lúa để làm gì”.

Từ đó, cứ một năm 3 vụ, những chiếc ghe xin lúa bươn bả đi hết trong đồng, xin bà con từng bao lúa, bà con dòm thấy cái áo xám quen thuộc cũng vẫy vào cho. Với số tiền xăng dầu đó, quy ra lúa, mỗi tháng cơ sở “đốt” hết hơn 500 bao lúa để cứu được những người bệnh nghèo. Sau này, đến những chiếc ghe máy đi xin lúa cơ sở cũng được những người biết tiếng cơ sở đến đề nghị góp ngày chạy ghe, góp ghe hỗ trợ lúc vào mùa “đi xin”.

Gạt mồ hôi giữa đồng, ông Lê Minh Quang chỉ một bao lúa, hỏi: “Tụi tôi chỉ có nếp, mấy anh lấy không? Tui gởi 1 bao. Năm nay trúng nếp mà xuống giá quá, mấy anh thông cảm giùm không cho được nhiều”. Bao nếp được xóc lên, sang bao cho ghe xin lúa, khi anh Phan Hòa Long trao tờ biên lai, ông Quang còn cười cười: “Trời ơi, thôi ghi biên lai chi cho tốn giấy. Tui cho là cho người nghèo”.

Từng bao lúa "đi xin được" đang “mua” lại những phút giây cuộc sống cho những người nông dân nghèo bị tai biến mạch máu não, bị viêm phổi cấp hay những em bé bị tay-chân-miệng từ tít trong đồng xa...

Chỉ có một công thức: Sức ông già nghỉ hưu + 2 ngày công tài xế miễn phí + 1 ngày công đưa bệnh nhân + lúa của nông dân, những con người nơi này đã tạo ra một hệ thống cấp cứu tình nguyện hiệu quả, để việc cứu người trở thành một thiên chức chuyên nghiệp và... miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Viên (thường gọi là Ba Xuyên), trưởng ban vận động từ thiện của cơ sở xe cấp cứu miễn phí, kể: “Có năm tôi đi xin đúng một cánh đồng của chủ lò gạch đang gặt, họ gọi lại, nói cho luôn một công lúa, tự gặt đi. Lúc đó, mấy anh em công đoàn lại bảo ông chủ góp lúa, tụi tôi góp công, gặt miễn phí. Hôm đó gặt tới tối mới về. Xe cấp cứu miễn phí mà chạy được cũng nhờ lúa gạo bà con góp vào, tụi tôi phơi lại, bán lúa đi, dùng tiền để mua xăng dầu chạy xe”.

Năm 2012, 6 chiếc ghe của cơ sở đi tới đâu cũng được bà con gọi vào, cho đến hơn 3.000 bao lúa đủ cho hơn 5 tháng chạy xe cấp cứu miễn phí.

Hằng tuần, số bao lúa, tiền mặt hay hiện vật được người từ tâm hỗ trợ đều được cơ sở từ thiện Bệnh viện Châu Phú ghi biên lai, thống kê, chốt sổ bởi một đội ngũ làm kế toán chặt chẽ, có giám sát của Hội chữ thập đỏ huyện. Toàn bộ tiền được nộp vào tài khoản ngân hàng của cơ sở và hàng tháng rút ra trả tiền xăng dầu, sửa xe cấp cứu hoặc trực tiếp giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

 

(Còn tiếp)

Khải Đơn

>> Xe cấp cứu bỏ mặc nạn nhân
>> Vụ xe cấp cứu gặp nạn trên cao tốc Trung Lương: Hai nạn nhân qua cơn nguy kịch
>> Xã hội hóa dịch vụ xe cấp cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.