Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 2: Những cuộc trùng phùng

06/05/2014 00:30 GMT+7

(TNO) Với những cựu binh Điện Biên năm xưa, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lần này vừa là cuộc trùng phùng, hạnh ngộ anh em đồng đội, vừa là dịp trở về nguồn cội, tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng của nhân dân.

(TNO) Với những cựu binh Điện Biên năm xưa, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lần này vừa là cuộc trùng phùng, vừa là dịp trở về nguồn cội, tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng của nhân dân.

>> Kỷ vật vô giá của người lính Điện Biên
>> Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng
>> Cựu binh Cần Thơ lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Triển lãm ảnh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày hội của cựu binh Điện Biên

Với những người lính Điện Biên năm xưa, năm nào cũng thế, ngày lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đến từ rất sớm. Từ đầu tháng 3, cựu binh Điên Biên ở mọi miền Tổ quốc đã lên xe theo các đoàn về tề tựu ở trận địa xưa.

Mỗi một địa danh Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm, A1, E1… của Điện Biên hôm nay đều chạm vào ký ức, quá khứ một thời bom rơi đạn nổ. Thời gian đổi thay nhưng cảm xúc trong mỗi lần gặp lại đồng đội vẫn còn vẹn nguyên như những ngày còn chung chiến hào đánh giặc.

“Ngày hội ngộ, trông thấy nhau là đã sung sướng, hạnh phúc lắm rồi. Chưa kịp nhìn đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở, với đồng đội chiến đấu sao lại hờ hững được”, ông Đặng Văn Đảm (82 tuổi, quê gốc ở Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) chia sẻ.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Cựu binh Điện Biên ở xóm C4 hưu, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đang ngồi quây quần bên nhau ôn lại ký ức ngày xưa - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Đảm nhớ lại, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 316, trung đoàn 174, tiểu đoàn 251, đại đội 671. Tổ chiến đấu chung chiến hào với ông còn 4 đồng chí nữa là Khoan, Tiền, Quảng, Chứ… Đã mấy năm rồi, tuổi cao sức yếu nên không được gặp lại nhau.

“Tôi chỉ biết đích xác là bây giờ còn 3 người. Anh Khoan 85 tuổi rồi, già yếu không đi đâu được nữa, thằng Quán chiến đấu ở Sư đoàn pháo binh 351 cũng yếu lắm… Còn anh em đồng đội khác không biết bây giờ chúng nó ở đâu”, ông Đảm kể.

Những người lính một thời “vào sinh ra tử” đã dạn dày qua chiến trận nhưng hôm nay gặp lại đồng chí, đồng đội cũng không ngăn nổi dòng nước mắt bồi hồi xúc động. 60 năm qua đi nhưng bây giờ vẫn thế, họ sợ nhất sự mất mát ra đi của đồng đội.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Ông Đặng Văn Đảm (82 tuổi, quê gốc ở Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) trong chiến dịch Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 316, trung đoàn 174, tiểu đoàn 251, đại đội 671 đang xem lại bức hình chụp đồng đội trong lần hội ngộ 10 năm về trước - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Vừa nói chuyện, ông Đảm vừa chỉ tay vào tấm hình kỷ niệm chụp anh em đồng đội ở Sư đoàn 316 trong lần hội ngộ cách đây tròn 10 năm về trước. Ông vẫn nhớ như in gương mặt của từng người trong ảnh, gọi tên đồng đội đầy thân mặt bằng “thằng”, bằng “nó”…..

“Ngày đó (kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - PV), Sư đoàn 316 có 100 anh em đồng đội ở Điện Biên còn tham dự được nhưng năm nay không biết còn ai”, nói đến đây, ông Đảm rưng rưng xúc động. Ông Đảm kể, ngày 1.5, các anh em trong ban liên lạc của Sư đoàn 316 được gặp mặt nhau lần nữa.

Như anh em ruột thịt

Cùng chung tâm niệm, với cựu binh Nguyễn Hữu Chấp (83 tuổi, ở tổ 20 Him Lam, TP.Điện Biên Phủ), tình anh em đồng đội bao giờ cũng thế, luôn “trước sau như một”. Ngày 16.3 vừa qua, 28 anh em trong Sư đoàn 312 chiến đấu trong trận đánh đồi Him Lam 60 năm trước đã được hội ngộ bên nhau.

“10 năm vừa rồi mới được gặp lại. 10 năm qua, đồng đội cũng già yếu đi nhiều nhưng tình đồng đội không có gì thay đổi, vẫn gắn bó như anh em ruột thịt một nhà. Đồng đội của tôi bây giờ có nhiều người cấp tướng, cấp tá nhưng gặp nhau không phân chia đẳng cấp, vẫn mày tao chí tớ rồi cùng ôn lại kỷ niệm”, ông Chấp rành rọt kể.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Cựu binh Nguyễn Hữu Chấp (83 tuổi, ở tổ 20 Him Lam, TP.Điện Biên Phủ) nhớ lại kỷ niệm đồng đội 60 năm về trước - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ngày gặp mặt, người mang bộ ấm chén, người mang cuốn sách, quyển thơ, người mang quà quê hương… tạm gọi chung là kỷ vật dành tặng cho nhau.

Ông Chấp vẫn còn nhớ hồi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhận được món quà đặc biệt từ người đồng đội Bạch Văn Hội - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 16, trung đoàn 141. Món quà là tấm bản đồ 49 cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp trong một lần thu chiến lợi phẩm sau trận đánh đồi Him Lam.

“Lần gặp mặt đó, ông Hội không lên được mà gửi tặng tôi. Cứ mỗi lần nhìn tấm bản đồ, ký ức chiến trận năm xưa lại ùa về”, ông Chấp bày tỏ.

Trong dịp kỷ niệm đại lễ lần này, vì bệnh tật, tuổi cao sức yếu nên nhiều cựu binh Điện Biên phải lỡ hẹn với anh em, đồng đội. Ông Tao Văn Khứn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Điện Biên cho biết, trong số 358 cựu binh Điện Biên Phủ còn lại bây giờ người ít nhất 80 tuổi, nhiều nhất là 95 tuổi rồi.

Ngồi trên chiếc xe lăn, cụ Lê Văn Cao (91, tuổi, ở C4, xã Thanh Hưng, TP.Điện Biên Phủ), cựu binh C319, tiểu đoàn 88, trung đoàn 176, sư đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ cứ nhẩm tính từng ngày đến đại lễ 7.5.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Cụ Lê Văn Cao ngồi trên xe lăn đang lo lắng ngày gặp đồng đội không đi được vì khớp chân đau nhức - Ảnh: Nguyễn Tuấn

“Tôi chỉ biết đồng đội ở C319 bây giờ còn hai người, còn lại không liên lạc được nữa. Khớp chân đang đau nhức không đi được, chẳng biết lần này có cơ hội được gặp lại đồng đội nữa không”, cụ Cao bùi ngùi.

Về với cội nguồn cách mạng

Với nhiều cựu binh về với Điện Biên trong ngày đại lễ không chỉ là dịp hội ngộ đồng đội chiến đấu năm xưa mà còn là dịp để tri ân, tỏ lòng thành kính với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài những Him Lam, Hồng Cúm, đồi A1, E1…, mảnh đất Mường Phăng lịch sử luôn gây xúc cảm mạnh với những người lính Điện Biên.

60 năm về trước, Mường Phăng là đầu não của chiến dịch. Đại tướng chọn đây làm nơi đào hầm đặt Sở chỉ huy. Sau ngày Đại tướng mất, tại tầng 2 khu di tích Hầm đại tướng, có một ban thờ được lập nên cho người dân và cựu chiến binh cả nước về viếng. Ban thờ đơn sơ chỉ có di ảnh và bộ phong thờ bằng đồng sáng loáng.

Về với rừng Mường Phăng, thắp một nén hương tưởng nhớ Đại tướng, với người lính Điện Biên năm xưa là về với cội nguồn cách mạng. Năm nào cũng thế, ông Đặng Văn Đảm bảo con cháu đưa lên hầm Đại tướng rồi tự mình bước lên núi thăm lại từng lán trại, hầm hào nơi Đại tướng ăn nghỉ, làm việc.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Về với rừng Mường Phăng, nơi có điểm di tích Hầm Đại tướng. Thắp một nén hương tưởng nhớ Đại tướng, với người lính Điện Biên năm xưa là về với cội nguồn cách mạng - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Giống như ông Đảm, nhiều người lính khác không quản chặng đường xa xôi cách trở, lặn lội từ Nghệ An, Thanh Hóa lên hầm Đại tướng dâng hương tưởng nhớ. Cứ mỗi ngày cuốn sổ ghi dòng người về khu di tích lại dày thêm nhiều trang viết.

“Chắc lần này là lần cuối ra thăm hầm Đại tướng. Về sau già yếu chắc chẳng thể đi được nữa nhưng thế này tôi đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi”, ông Trần Loan (83 tuổi, cựu binh Điện Biên ở Thanh Hóa) chia sẻ.

Trong số người lính về rừng Mường Phăng hôm nay, nhiều hơn cả là những người lính ở những thế hệ sau này. Anh Lò Văn Ánh, tổ phó tổ bảo vệ Khu di tích Hầm Đại tướng cho biết, mỗi ngày Khu di tích đón 8 - 10 đoàn cựu chiến binh thời chống Mỹ ở mọi miền Tổ quốc, kể cả miền Trung cho tới miền Nam ra thăm Hầm Đại tướng.

Mường Phăng mùa này nắng hanh vàng khắp bản. Trong dòng người nối dài từ đường mòn lên cửa hầm Đại tướng còn có nhiều người trẻ chưa bao giờ nghe tiếng bom rơi đạn nổ và chưa một lần được nhìn Đại tướng bằng xương bằng thịt. Họ về đây - nơi dân bản gọi Đại tướng bằng cái tên thân mật, trìu mến, “ông già đánh giặc giữ bản Mường Phăng”, để dâng hương tưởng nhớ vị Đại tướng nhân dân và tìm về cội nguồn cách mạng.

Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.