|
Không hề hối tiếc
Đạo diễn Hoa Hạ nổi tiếng trong giới sân khấu vì cá tính mạnh mẽ. Tốt nghiệp đạo diễn trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chị về ngay đoàn kịch Cửu Long Giang, rồi về làm Phó đoàn kịch Bông Hồng, năng lực tuổi trẻ đã sớm được công nhận. Chị còn có thời gian đi hát. Rồi có lúc bỏ tiền làm video, kinh doanh bất động sản.
Nhưng bươn chải cách gì thì mỗi khi Hoa Hạ làm nghệ thuật, chị không hề tính toán so đo. Chị từng mạnh miệng: “Những vở tôi được dư luận chú ý đều do tiền túi của tôi và anh em nghệ sĩ bỏ ra chứ không xài kinh phí nhà nước”. Lôi vũ là vở đầu tiên chị “xã hội hóa”, sau đó là Ngôi nhà không có đàn ông, Cô gái ngồi trên gốc cây gãy, Ai giết nàng Kiều xôn xao ở 5B. Sau này có thêm Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga hoành tráng ở Nhà hát Trần Hữu Trang, đại cảnh như phim trường tại các nhà thi đấu, tiền đầu tư lên đến mấy tỉ. Chưa kể những vở được IDECAF đầu tư như Người đàn bà đức hạnh, Đèn lồng đỏ treo cao cũng nổi đình nổi đám một thời.
|
26 tuổi, cũng không thèm hối tiếc khi bán phăng tài sản duy nhất của mình là chiếc xe cúp cánh én để lấy tiền làm Lôi vũ. Làm trong vất vả, trở ngại, vì khi ấy có tới 4 đơn vị cùng dựng Lôi vũ là 5B, Kịch Kim Cương, đoàn cải lương 284, Nhà hát Kịch TP.HCM. Mà so với các vị tiền bối cây đa cây đề kia thì Hoa Hạ chưa xi nhê gì, cho nên anh em và lãnh đạo đều lo lắng, có người bảo thôi bỏ đi.
Nhưng Hoa Hạ nhất định làm, tin vào cái riêng của mình, tin vào những người bạn rất trẻ như mình là Minh Trang, Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu, Minh Hải, Mỹ Linh, Thanh Thủy... Cả nhóm hè nhau cúng tổ, người ta cúng thì chỉ lạy có một hướng, đằng này anh em xì xụp lạy hết bốn hướng đến ê cả đầu gối.
Tạo ra sấm chớp
Cái tên Lôi vũ có nghĩa là sấm và mưa, và quả thật nó đã tạo ra những cơn sấm chớp bão bùng tại 5B khiến khán giả nghẹn ngào rơi lệ và ấn tượng mãi cho đến bây giờ. Một vở diễn ăn khách đêm nào cũng không còn một ghế trống, đến nỗi Hoa Hạ phải tập tuồng cho 2 ê kíp để diễn thay cho nhau. Mỹ Linh lúc đó đang là đào chính, còn Hồng Vân mới ra trường không lâu nhưng cứ nằng nặc đòi xin vai Thị Bình. Xin hoài, Hoa Hạ đành cho tập thử. Nhưng Hồng Vân tập không xong, suốt mấy ngày vất vả khiến Hoa Hạ quát lên: “Không được thì nghỉ luôn đi!”. Hồng Vân khóc như mưa, chạy về nhà... méc mẹ. Mẹ Hồng Vân vốn cũng không muốn con gái làm nghệ sĩ nên nói: “Đó là thử thách để con có thể theo nghề hay không. Mẹ cho con vài ngày nữa, nếu tập không ra vai thì thôi con nhé, về với mẹ, đừng theo nghiệp diễn cho khổ!”. Hồng Vân khóc cả đêm, rồi sáng hôm sau vô tập. Và trôi chảy đến nỗi Hoa Hạ cũng bất ngờ.
Còn Phương Linh thì đóng thay cho Thanh Thủy, nhưng gương mặt và giọng nói Phương Linh quá trong trẻo, quả là đúng với nhân vật Lỗ Tứ Phượng. Một thời gian sau, ê kíp 2 hoàn toàn thay cho ê kíp 1, Hồng Vân đóng Thị Bình xuyên suốt, và Phương Linh là Lỗ Tứ Phượng. Khi vở kịch được phát sóng truyền hình thì cả miền Nam mê mẩn.
|
Còn Thành Lộc là một điểm sáng ngọt ngào không tưởng tượng được. Vai Chu Xung dường như sinh ra chỉ để cho Thành Lộc. Một gương mặt trong ngần thánh thiện, vừa bước ra sân khấu gọi hai tiếng “Phượng ơi!” là khán giả đã vỗ tay. Anh quá trẻ, và trái tim nghệ thuật cũng quá đắm say, trong trẻo, nên nhân vật của anh đủ sức rung động khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngược lại, Minh Hải cũng mới ra trường, nhưng chất bụi bặm, ngang tàng đã thấm ngay vào nhân vật Lỗ Đại Hải, hoàn toàn khác biệt với Chu Xung, làm nên một đối trọng thú vị.
Phồn Y của Minh Trang thì rực rỡ, sắc sảo như một đóa hoa, nhưng ẩn chứa một nỗi cô đơn, đau xót, mong manh lạ kỳ. Minh Trang xuất hiện với giọng Bắc đặc biệt của mình trên sân khấu phía Nam, không ngờ lại hấp dẫn như vậy. Thật sự bây giờ chưa ai đủ tố chất đóng Phồn Y như Minh Trang. Và ngay cả vai Chu Bình của Quốc Thảo, vai Lỗ Quý của Hữu Châu, vai Chu Phác Viên của Việt Anh cũng là những ấn tượng khó thể thay thế.
Đạo diễn Hoa Hạ trầm ngâm hồi tưởng: “Lúc đó thật lạ kỳ, dường như chúng tôi chỉ có mỗi một chuyện là ăn rồi đi tập tuồng chứ không làm bất cứ việc gì khác. Để hết tâm hồn, sức lực, thời gian cho vở kịch, sống ngất ngây với nhân vật, chừng như quên mất mình là ai. Thậm chí hồi đó cũng không có người nhắc tuồng, chúng tôi tự nhắc tuồng cho nhau luôn. Vở này lời thoại rất khó, phải chính xác từng chút một”.
Và Hoa Hạ cũng đã cắt ngắn kịch bản của Tào Ngu từ 4 tiếng đồng hồ chỉ còn lại gần 3 tiếng cho phù hợp với sân khấu Việt Nam. Chị cũng bồi hồi nhớ lại lúc ấy sân khấu còn nghèo lắm, cảnh trí, quần áo đều không dám sắm “hoành tráng”, chỉ vừa phải thôi, nhưng cái đẹp từ tâm hồn, từ nội lực của các nghệ sĩ trẻ đã sáng rực cả sàn diễn, chinh phục được khán giả. Bạn bè thương nhau không kể xiết, coi tác phẩm là của chung chứ không riêng gì của Hoa Hạ, nhào vô góp ý đủ thứ, riêng Thành Lộc còn tập múa cho Phương Linh, góp ý cho Hồng Vân diễn xuất, chăm chút từng cái khăn cho Vân.
Và còn chuyện vui nữa là khi Minh Trang có việc đột xuất thì Hoa Hạ phải đóng thế vai Phồn Y, không ngờ cũng đẹp lộng lẫy. Tấm hình mà nhà nhiếp ảnh Minh Châu đã chụp nay chị còn giữ được cho thấy một Phồn Y - Hoa Hạ với thân hình thon thả gợi cảm và chiếc mũi dọc dừa thanh tú, ai mà biết đó là “nàng” đạo diễn thường hò hét phía sau cánh gà đó nhỉ!
Vở diễn ra mắt cùng một lúc với 3 đơn vị kia, nhưng tiếng vang dường như rất mạnh, và tiền vé thu về phát ham. Tuy nhiên, kiểu thu lẻ mẻ từng đêm như thế thì rốt cuộc Hoa Hạ cũng không sắm lại được chiếc cúp mà vẫn phải chạy xe đạp. Nhưng vừa lấy đủ tiền đầu tư thì có một sự cố tế nhị khiến Hoa Hạ ngưng diễn Lôi vũ, mà cho thu truyền hình, coi như “sang trang mới”. Chị lại mày mò dựng vở khác. Chị nói: “Đời tôi lúc nào cũng gặp gian nan. Nhưng người ta có thể ghét tôi chứ không thể khinh tôi”.
Còn vụ chiếc xe cúp, thì Hoa Hạ cười bảo: “Chạy sô khác dành dụm tiền sắm lại chứ sao! Thời ấy có xe cúp là ngon lắm đó nha! Nhưng đã bán đi rồi thì thôi, không tiếc, sau này sắm xe khác ngon hơn. Nói vậy chứ chiếc xe đó đã gắn liền với cái tên Lôi vũ như một kỷ niệm đẹp”.
Giờ hỏi chị có làm nổi một Lôi vũ như thế, chị lắc đầu: “Nếu nghệ sĩ chịu ngồi với nhau máu lửa như vậy thì sẽ có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng cuộc sống khác rồi, có quá nhiều thứ phân tâm. Tuy nhiên, nếu chúng tôi bỏ cuộc thì thua trắng, vẫn phải làm, vẫn mơ ước. Vấn đề là kịch bản phải hay trước đã. Tự thân kịch bản Lôi vũ đã hay, nên cả 4 đơn vị dàn dựng đều hay. Phải chăm chút cho tác giả để có kịch bản tốt, và cũng nên tập cho khán giả trở lại xem kịch bản nước ngoài. Hồi ấy, 5B dựng rất nhiều kịch bản nước ngoài, khán giả thưởng thức rất nghiêm túc và thú vị. Bây giờ hình như người ta ngại xem thì phải!”.
Hoàng Kim
Ảnh: M.Châu
>> Thành Lộc cạo đầu làm... ông Kẹ
>> Thành Lộc ‘xỉa xói’ Hồ Trung Dũng
>> Thành Lộc: Kịch Bắc ngủ quên quá lâu
>> Long ruồi như vở kịch vui
>> Vở kịch kinh dị "Họa hồn
>> Hữu Châu & vở kịch thơ đầu tiên
Bình luận (0)