Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm: Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm truy tố

31/05/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua 30.5, trong phần tranh luận, cả hai đại diện của Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bác bỏ những quan điểm bào chữa của luật sư cũng như việc kêu oan của các bị cáo.

Hôm qua 30.5, trong phần tranh luận, cả hai đại diện của Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bác bỏ những quan điểm bào chữa của luật sư cũng như việc kêu oan của các bị cáo.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm: Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm truy tố
Nguyễn Đức Kiên tại tòa - Ảnh: Hà An (chụp lại từ màn hình)

Liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng bị cáo đã thành lập 5 công ty để đầu tư tài chính, góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu… mà không đăng ký kinh doanh nên đã vi phạm quy định tại điều 3 luật Đầu tư, điều 4 luật Doanh nghiệp; vi phạm Nghị định 43, Công văn 6230 của Bộ KH-ĐT… "Căn cứ vào tài liệu hồ sơ, đủ cơ sở khẳng định Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB là trung gian. Trong khi đó, Thiên Nam không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài theo quy định tại điều 2, 3, 4 Quyết định 03 ngày 8.1.2006 của Thống đốc NHNN. Việc kinh doanh vàng tại Công ty Thiên Nam là hành vi kinh doanh trái phép”, vị đại diện VKS lập luận.

Về hành vi trốn thuế của bị cáo Kiên, vị đại diện VKS nói vào ngày 25.12.2008, bà  Đặng Thị Ngọc Lan (vợ Kiên, Tổng giám đốc Công ty B&B) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên, cổ đông B&B) ký hợp đồng ủy thác cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện tất cả các giao dịch vàng với ACB. Mặc dù không thực hiện bất kỳ giao dịch nào với ACB, nhưng bà Hương lại được hưởng 99% lợi nhuận (68 tỉ đồng), trong khi B&B được 1% phí ủy thác. B&B không kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân mà chuyển 68 tỉ đồng vào tài khoản của bà Hương, Hương chuyển lại cho Kiên là trái với điều 27 luật Thuế thu nhập cá nhân, Thông tư số 84 ngày 30.9.2008 của Bộ Tài chính… Kết luận của Giám định viên Bộ Tài chính khẳng định thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hợp đồng ủy thác trên 25 tỉ đồng là đủ cơ sở để kết luận hành vi của Kiên đã phạm tội trốn thuế.

Còn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện VKS cho rằng: “Căn cứ lời khai của Kiên, Thanh, Yến, Trần Đức Long, Trần Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thép Hòa Phát - PV) tại phiên tòa và chứng cứ có trong hồ sơ, đủ cơ sở kết luận: mặc dù 20 triệu cổ phiếu chưa được giải chấp; nhưng ACBI (do Kiên là Chủ tịch HĐQT) vẫn chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỉ đồng". “Lợi nhuận của ACBI trong đó có của Kiên, Kiên là chủ tịch, quyết định sử dụng tiền này, Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự cho tổng số tiền này”, đại diện VKS khẳng định. Ngoài ra, vị này còn nhận định: “Tại hợp đồng 0105 ngày 21.5.2012 thể hiện 20 triệu cổ phiếu đó không có tranh chấp là thông tin sai sự thật, thể hiện sự gian dối của các bị cáo”.

Lợi ích nhóm

Đại diện VKS khẳng định: Qua thẩm vấn và trên cơ sở tài liệu, xác định các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn cố ý làm với mục đích, động cơ, lợi ích nhóm, cho riêng ACB mà các bị cáo là thành viên. “Lợi ích nhóm này có cả lợi ích cá nhân. Cùng biết sai, nhưng cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung”, đại diện VKS lập luận để bác bỏ quan điểm của luật sư khi cho rằng các bị cáo không phải là những người có chức vụ, không đồng phạm.

 Về số tiền 718 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt, đại diện VKS lập luận: “Các thành viên thường trực HĐQT đồng ý chủ trương ủy thác cho cá nhân đi gửi là trái pháp luật, không đúng nội dung giấy phép của ACB được cơ quan có thẩm quyền cấp. Chủ trương gửi tiền và thực hiện không đúng quy định nên bị Huyền Như chiếm đoạt. Hậu quả có mối quan hệ biện chứng, mối quan hệ nhân quả, việc truy tố là có căn cứ”.

Thứ hai (2.6) tòa tiếp tục xử án.

Cũng trong phần đối đáp, đại diện VKS phát biểu, việc tách vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tạm đình chỉ điều tra với ông Trần Xuân Giá đều đúng pháp luật. Vụ Huyền Như và vụ Nguyễn Đức Kiên có sự liên quan, nhưng những hành vi có tính độc lập nên việc tách rời là đúng pháp luật, không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. “Việc luật sư cho rằng việc tách này là không đúng, án chồng án là chưa có tiền lệ... thì chúng tôi cho rằng phiến diện, thiếu kiểm chứng thực tế, sử dụng đại ngôn không phù hợp với hoạt động bình thường”, đại diện VKS phát biểu.

Hoàng Tuấn - Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.