G7 phản đối dùng vũ lực ở biển Đông

06/06/2014 09:00 GMT+7

Hội nghị G7 ngày 5.6 đã ra tuyên bố chung khẳng định không chấp nhận việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông.

 >> Các nước G7 'quan ngại sâu sắc' về tình hình căng thẳng biển Đông, Hoa Đông
 >> G7 bàn về biển Đông

Lãnh đạo các nước G7 và EU tham dự một phiên họp  - Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước G7 và EU tham dự một phiên họp  - Ảnh: Reuters 

Sau một ngày nhóm họp ở thủ đô Brussels (Bỉ), lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tuyên bố hết sức lo ngại trước những căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông. “Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc lãnh hải thông qua đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực”, AFP dẫn tuyên bố chung của nhóm G7. Tuy không nêu rõ quốc gia cụ thể nào song tuyên bố rõ ràng nhắm vào Trung Quốc (TQ), nước thực hiện nhiều động thái gây hấn tại biển Đông trong thời gian qua mà nổi cộm là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN và liên tục sử dụng tàu đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của VN.

Tuyên bố của G7 tương tự những phát biểu được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra trong thời gian gần đây. Hãng tin Kyodo News dẫn lời Phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko cho hay, trong cuộc gặp ông Abe tại Brussels ngày 4.6, các lãnh đạo EU đã nhất trí rằng những tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo ông Seko, Thủ tướng Nhật nói với các lãnh đạo EU rằng ông lấy làm tiếc trước tình trạng leo thang căng thẳng tại biển Đông mới đây. Còn Chủ tịch Hội đồng châu u Herman Van Rompuy cảnh báo những vụ việc bạo lực xảy ra trong khu vực này đang có nguy cơ leo thang. Tại cuộc hội đàm Nhật - EU, ông Abe cũng nhấn mạnh Tokyo phản đối mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đồng thời mong muốn mọi tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ được giải quyết một cách hòa bình.

Ngoài ra, tuyên bố chung của G7 cũng lên án Nga vì “sự can thiệp không thể chấp nhận đối với các vấn đề chủ quyền của Ukraine”. Các lãnh đạo G7 cho biết họ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nặng hơn nhằm vào Nga nếu nước này gây mất ổn định tại quốc gia láng giềng, đồng thời lên tiếng ủng hộ Tổng thống đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko. “Chúng tôi kêu gọi mọi nhóm vũ trang bất hợp pháp nên giải giới. Chúng tôi mong muốn chính quyền Ukraine duy trì cách tiếp cận thận trọng khi theo đuổi các chiến dịch khôi phục luật pháp và trật tự”, theo hãng Interfax dẫn tuyên bố chung của G7. Tuy nhiên, trong phiên họp chính phủ Nga ngày 5.6, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã bác bỏ tuyên bố của nhóm G7, gọi đó là “sự nhạo báng”. “Cái gọi là nhóm G7 thậm chí còn nói về các hành động thận trọng của quân đội Ukraine khi chống lại người dân của họ. Thật là sự nhạo báng không có giới hạn”, hãng Interfax dẫn lời ông Medvedev.

Indonesia đề xuất ASEAN họp đặc biệt  về biển Đông

Hãng Kyodo News hôm qua đưa tin Indonesia đã đề xuất tổ chức phiên họp đặc biệt của ASEAN để bàn về tình hình biển Đông trước thềm hội nghị ngoại trưởng của khối vào tháng 8. Một nhà ngoại giao Philippines giấu tên tiết lộ Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã nung nấu ý tưởng này trong thời gian gần đây, giữa lúc TQ gia tăng các hành vi gây hấn ở biển Đông. “Đó là một phiên họp cấp ngoại trưởng đặc biệt tập trung chủ yếu về vấn đề biển Đông”, hãng Kyodo News dẫn lời nhà ngoại giao nói trên. Các cuộc tham vấn đang được tiến hành để quyết định thời gian và địa điểm của cuộc họp. Hiện Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này.

S.D

Philippines thẩm định thông tin TQthay đổi hiện trạng ở Trường Sa

Theo trang tin GMA News, phát biểu bên lề một hội nghị quốc tế về ứng phó thảm họa ở Manila ngày 5.6, Ngoại trưởng Albert del Rosario tuyên bố Philippines sẽ phản ứng một khi xác định rõ ràng rằng hiện trạng đang bị thay đổi tại 2 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN mà TQ đang chiếm đóng phi pháp.

Ông cho biết chính phủ Philippines đang trong quá trình thẩm định các thông tin tình báo về sự hiện diện của một số lượng không xác định tàu TQ tại hai bãi đá Ga Ven và Châu Viên, động thái mà Manila lo ngại có thể là bước khởi đầu cho hoạt động xây dựng phi pháp mới của TQ.

Bộ Ngoại giao Philippines trước đó đã công bố một loạt không ảnh cho thấy hoạt động xây dựng của TQ trên đá Gạc Ma thuộc Trường Sa. Ngoại trưởng del Rosario cho biết các động thái mới của TQ ở Ga Ven và Châu Viên là “đáng lo ngại” do sự tương đồng của nó với động thái ở Gạc Ma. Theo ông del Rosario, TQ “đang thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”, qua đó vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông mà nước này đã ký với ASEAN.

Trùng Quang

Danh Toại

 >> Việt Nam tiếp tục thông báo cho Liên hợp quốc về tình hình giàn khoan Hải Dương - 981
 >> Trung Quốc ồ ạt đóng giàn khoan
 >> Giàn khoan có rút, cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn
 >> Trung Quốc tăng máy bay chiến đấu bảo vệ giàn khoan
 >> Trung Quốc tăng cường máy bay chiến đấu bảo vệ giàn khoan
 >> Thí sinh Hàn Quốc không bất ngờ với đề thi có phần 'giàn khoan
 >> Vụ Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trên vùng biển VN vào đề thi Văn
 >> Giàn khoan trái phép Hải Dương-981 tiếp tục di chuyển?
 >> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và đàm phán
 >> Tàu kiểm ngư cách giàn khoan 2,8 hải lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.