|
Đó là GS-TS Trần Văn Khê, TS Nguyễn Nhã, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, NGƯT Phạm Thúy Hoan, NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Xuân Yên, Hoàng Cơ Thụy… Đặc biệt có bác sĩ Việt Hải (trưởng nhóm ca nhạc dân tộc Hướng Việt) và nghệ sĩ Vân Ánh (trưởng nhóm ca nhạc dân tộc VA’V Tranhsemble) từ Mỹ về. Trong khán phòng còn có nhiều gương mặt rất trẻ trong hai ban nhạc này và của CLB Tiếng hát quê hương. Một cuộc trò chuyện để tìm lối ra cho âm nhạc dân tộc giữa thời đại mới - mà không khéo thì mọi thứ dễ bị xóa nhòa trong thế giới phẳng khốc liệt.
Tìm về cội nguồn
Những nghệ sĩ xa quê như Vân Ánh, Việt Hải càng ý thức điều này mạnh mẽ hơn nữa, nên họ đã dày công phát triển những làn điệu quê hương trên đất Mỹ. Nghệ sĩ Vân Ánh nói: “Tôi biểu diễn trong dòng nhạc chính thống của Mỹ, đi diễn tại các nhà hát lớn và cả nhà hát Olympic ở Anh. Tôi nhận ra khi mình không giữ được bản sắc thì không là cái gì cả trong thời đại này. Và ở Mỹ có thông lệ trường tiểu học, trung học mỗi năm đều tổ chức festival, khi tôi bắt đầu dạy cho các em học sinh VN biểu diễn nhạc dân tộc thì thầy cô giáo và quan khách khen ngợi vô cùng. Từ đó tôi tiếp xúc với các quỹ văn hóa, người ta sẵn sàng tài trợ để các em tham gia bảo vệ văn hóa dân tộc”. 13 năm kiên trì dạy học trò vừa Việt vừa Mỹ, năm 2013 cô Vân Ánh đã thành lập được Quỹ Music Bridge-Under 25 để những tài năng trẻ có thêm điều kiện phát triển.
Còn Việt Hải là một bác sĩ trẻ nhưng anh đã có 10 năm kiên trì tìm lại cội nguồn. “Lúc ấy tôi còn là sinh viên nhưng nhất quyết thành lập một nhóm nhỏ, tập đàn những bài đơn giản, nhờ cô Thúy Hoan mua đàn chuyển qua, và cô gửi luôn những bài nhạc cho tôi tự học. Sau đó tôi đến các trường vận động các em nhỏ, vận động phụ huynh. Thậm chí chấp nhận cho các em vọc cây đàn duy nhất của mình, vọc rồi sẽ thích, mới chịu cho mình dạy”, Việt Hải nhớ lại. Chị Thúy Loan cũng trong nhóm nhạc Hướng Việt tâm sự: “Chúng tôi như tằm nhả tơ cho các em thấm vào, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có thể em đó không đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp như chúng tôi, nhưng em vẫn giữ được hồn quê trong trái tim mình”.
Để lớp trẻ tiếp cận với âm nhạc dân tộc
Khó nhất là làm sao để lớp trẻ tiếp cận với âm nhạc dân tộc. Khó không chỉ trên đất Mỹ, mà còn ngay trên đất Việt. NSƯT Hải Phượng chia sẻ: “Nhiều em vừa vô lớp là hỏi thẳng: “Cô ơi, bài Lòng mẹ, Hòn vọng phu có đàn tranh được không?”. Tôi nói được liền. Thế là chúng tôi bảo em học căn bản rồi chuyển sang dạy ngay cái bài em thích. Em về nhà đàn cho gia đình và bạn bè nghe, ai cũng khen. Vậy là phấn khởi học tiếp. Bấy giờ chúng tôi mới giới thiệu các bài bản truyền thống”.
Em Triệu Bích Lan, 19 tuổi, Việt kiều Mỹ, thành viên trong nhóm nhạc của cô Vân Ánh: “Tôi là sinh viên ngành tài chính, đã học piano, vừa chuyển sang đàn tranh 4 năm nay, thấy không khó lắm vì các ngón tay cũng quen rồi. Tôi rất thích nhạc dân tộc. Bên Mỹ cũng quý mình khi mình biết chơi nhạc mang bản sắc của mình”.
Nghệ sĩ Vân Ánh nói thêm, ở Mỹ nhiều em được học piano rồi, khi chuyển sang học đàn tranh hoặc kìm, sáo… là tiếp thu ngay và có thể tự học, đỡ công sức thầy cô. Tại sao ta không quốc tế hóa âm nhạc dân tộc của mình? Còn đàn có ra bản sắc hay không thì tùy bản lĩnh của người chơi đàn. NGƯT Thúy Hoan nhấn mạnh: “Với những em có tài năng thì chúng tôi khuyến khích học trở lại ký âm hò xự xang xê cống”.
Đàn tranh việt khác đàn tranh Trung Quốc GS Trần Văn Khê đưa ra một nghiên cứu rất thú vị mà chắc nhiều người vẫn thường nhầm lẫn, đó là sự khác nhau giữa cây đàn tranh Việt Nam (VN) với cây đàn tranh Trung Quốc (TQ), Nhật Bản, Triều Tiên. GS Khê hóm hỉnh bảo: “Bụt nhà không thiêng”, cho nên lắm kẻ cứ tưởng cây đàn tranh này giống y TQ. Thật ra từ cách đóng đàn cho đến cách lên dây, cách khảy của đàn tranh VN và đàn tranh TQ đều khác nhau. Chủ yếu đàn TQ sử dụng chánh cung điệu mang hơi Bắc rõ nét, còn VN sử dụng chữ xang là khởi điểm, mềm mại, ngọt ngào hơn. GS kể kỷ niệm khi ông sang TQ dự hội nghị về đàn tranh, ông đã đàn cho toàn thể đại biểu thế giới nghe rõ ràng bản sắc VN, khiến ai nấy khâm phục. |
Hoàng Kim
>> Hội ngộ đàn tranh
>> Chơi đàn tranh trên iPad
>> Học sinh với đàn tranh
>> Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II
>> Cây đàn tranh từ phế liệu inox
Bình luận (0)