|
Đó là chuyện của ngày xưa. Cái hồi đất hoang, hoặc đất có chủ nhưng chủ lười canh tác còn nhiều. Đất quê tôi thuộc vùng Đông Nam bộ, có đặc điểm khác nhiều nơi là luôn ửng một màu nâu đỏ. Ngày trước trên mặt đất này “thịnh” nhất là những chồi nhãn lùn - thứ cây rừng không mấy giá trị, cứ mặc sức sinh sôi nảy nở. Sau những cơn mưa rả rích đầu mùa, tới những trận mưa như trút, nấm mối mọc ra rồi nghịch ngợm “trốn” dưới những tán lá nhãn nham nhám xù xì.
Đi kiếm nấm mối là một niềm vui đặc biệt và... riêng biệt. Làng xóm không thèm rủ nhau, nhưng chuyện đụng mặt nhau lúc tờ mờ sáng xảy ra như cơm bữa. Khỏi tranh cãi đây là đất của tôi, đất của anh hay đất hoang vô chủ. Quyền sở hữu nấm mối không liên quan với quyền sở hữu nhà đất - miễn là ai tới trước, ai nhìn thấy nấm trước, và thật lẹ tay thì cả ổ nấm sẽ thuộc về mình. Hồi xưa đất đai không có ranh rào, người này nhìn ngó và qua lại nhà người kia thoải mái. Vậy nên một buổi sớm nào đó, mình vừa thức dậy bốc nhúm muối súc miệng, chợt thấy tên hàng xóm phóng vù qua trước mặt, ra phía sau đất nhà mình lom khom bươi bươi móc móc rồi hớn hở xé luôn tàu lá trên cây chuối, đùm túm nấm trắng nõn còn lấm lem đất cát, lại phóng cái vù qua mặt mình bưng cả tàu lá nấm về nhà. Chứng kiến từ đầu đến cuối nhưng mình cũng đành trơ mắt ngó chứ chẳng biết làm sao.
Làng tôi còn truyền lại nhiều mẩu chuyện vui về người xưa hái nấm. Có lần năm bảy người trong làng chạm mặt nhau ngay ổ nấm sau một đêm mưa lớn. Ai nấy tranh giành nhau nhổ. Một bà hơi lớn tuổi giành không lại tụi trẻ, tức quá bèn ngồi đại lên đám nấm chưa nhổ và chống tay lết dài. Khỏi phải nói, nấm lụi hết dưới mông bà ta. Tình hình sau đó không được kể rõ ràng, hình như bọn họ có trận gây lộn tới chiều.
Về cái chuyện hồi xưa nấm mối mọc đầy đất nhưng có người nhìn thấy có người không, cũng khá kỳ lạ, khó lý giải. Thông thường những ổ nấm hình thành vào mùa mưa năm trước, đến năm sau chắc chắn nấm sẽ mọc lại chỗ cũ, không nhiều thì ít. Có người sáng sớm nhanh chân rảo qua các vị trí quen thuộc, về nói không có, nấm chưa mọc; nhưng người khác cũng tới liền chỗ đó thì nhổ được cả rổ, thậm chí cả thúng. Người làng tôi giải thích giản dị: nếu “hạp” nấm thì không để ý nó cũng sẽ hiện ra trước mắt, còn không “hạp” thì kiếm cả ngày chỉ mất công.
Nấm mối nhổ về, cạo gọt cho bớt đất cát. Cho ít muối hột vào thau nước lớn rộng rãi rồi ngâm nấm trong năm mười phút. Sau đó dùng tay kỳ cọ nhẹ nhàng từng tai và thân nấm, rồi nhẹ nhàng rũ nước. Thay vài thau nước mới, rửa đến khi nấm sạch hẳn, vớt ra để ráo rồi xé cây nấm ra làm ba làm tư tùy ý. Vắt nấm thật ráo nước mới trút vào nồi, cho thêm ít muối. Khi đặt nồi lên bếp lửa, nấm sẽ tự tiết ra nước nên phải trộn rất lâu cho nồi nấm ráo hẳn, hơi khô lại. Vậy là đã có một món chính, dùng liền trong vài bữa cơm cho cả nhà đông đúc.
Món vừa kể trên gọi là nấm mối kho khô, là cách chế biến duy nhất được người quê tôi ưa chuộng. Thời bây giờ nấm hiếm, nghe đâu có nơi người ta rao giá bốn năm trăm ngàn đồng một ký nấm mối đầu mùa. Số lượng không còn nhiều, nhưng cách ăn lại phong phú hơn: nấm mối nấu cháo, đổ bánh xèo, nấu canh, xào với thịt, kho với nước dừa... Y học cổ truyền cho rằng nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao, bên cạnh đó còn giúp ổn định huyết áp và ngăn ngừa nhiều thứ bệnh. Có lẽ cộng hai yếu tố vừa hiếm vừa có lợi cho sức khỏe mà nấm mối luôn được người thành thị săn lùng.
Và bạn, và tôi, đều là những người quê xa xứ rất lâu năm. Một buổi sớm mùa mưa nào đó, trở về lún bàn chân trong đất đỏ quê nhà, tình cờ bắt gặp một ổ nấm mối vừa nhú lên run rẩy trong gió lạnh. Ngồi xuống rụt rè chạm từng tai nấm, cảnh tượng nửa thực nửa mơ, màu trắng xóa đẹp đẽ trong ký ức không phải khiến cho ta thèm thuồng, mà chỉ khiến nước mắt chảy ra...
Vĩnh Khánh
Bình luận (0)