|
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 1: Đám cưới chờ người về
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin
Mấy tháng nay, bà Đỗ Thị Thuận (ở xã Hoằng Vinh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), luôn phấp phỏng về cậu con trai độc nhất Nguyễn Khắc Điệp, đang công tác trên tàu KN-126 ngoài Hoàng Sa.
Bà Thuận bảo: “Vợ chồng tôi nguyên là sĩ quan Biên phòng, con gái và con rể cũng đang ở Hải quân, nên không lạ chuyện vất vả ngoài biển” và chỉ băn khoăn: “Xem báo chí, ti vi thấy tàu kiểm ngư luôn bị đâm va cản phá, xịt vòi rồng, mấy hôm lại có tàu về sửa chữa, không hiểu con cháu trên các tàu có bị thương vong gì không?”.
Hôm nhận nhiệm vụ theo tàu kiểm ngư ra Hoàng Sa, Nguyễn Khắc Điệp giấu bố mẹ sợ người già lo lắng. Ông bà Thuận mãi sau mới biết chuyện. Mãi hôm giữa tháng 6, khi con tàu phải về bờ sửa chữa, Điệp mới chịu gọi điện cho mẹ và cười xòa: “Mọi việc ổn, khi nào đẩy đuổi xong giàn khoan, con sẽ xin nghỉ phép về thăm bố mẹ”, giữa ào ào giận hờn, trách cứ, lo lắng của bố mẹ phía đầu dây bên kia.
|
Suốt câu chuyện về Điệp, bà Thuần cứ đau đáu chuyện tình cảm đôi lứa. Ngày Điệp nhận lệnh đi Hoàng Sa, cũng đúng hôm tòa án huyện gửi quyết định ly hôn của vợ chồng anh về gia đình, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 4 năm.
“Hắn quanh năm đi biển, chả có thời gian tìm hiểu bạn gái. Nhà tôi sốt ruột, nhờ người mai mối rồi điện cho hắn. Hắn nói: Con không có thời gian tìm hiểu mô, nếu cô ấy ưng con, bố mẹ ưng cô ấy thì con xin phép đơn vị về cưới”, bà Thuận nước mắt lưng tròng và nghèn nghẹn: “34 tuổi hắn mới lấy được vợ, có mụn con gái (năm nay 4 tuổi) thì trục trặc, rồi vợ chồng bỏ nhau. Con gái ở với mẹ, hắn giờ thành ra vẫn độc thân”.
Nếu không ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, dịp này anh Điệp sẽ nghỉ phép sửa chữa nhà cửa cho bố mẹ và vào Nam đưa hài cốt của người chú ruột, liệt sĩ hy sinh trước năm 1975 về quê an táng. Thế nhưng, những dự định này đều dừng, chờ người về.
Cũng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Tĩnh ở xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa là mẹ của kiểm ngư viên Lê Xuân Đạo (ở tàu KN-126) thấp thỏm: “Năm ngoái, tôi cho vợ chồng nó ra ở riêng và cuối tháng 4, mới dựng xong căn nhà tạm để ở. Chồng đi biển suốt năm, vợ chưa có công ăn việc làm, suốt ngày lủi thủi vào ra trong căn nhà nhỏ”.
Đầu tháng 5 vừa rồi bà nội mất, nên Đạo được tranh thủ nghỉ phép ít ngày. Vừa lo xong đám tang cho bà nội, chưa hết nửa phép thì anh nhận được lệnh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
“Từ hôm Đạo ra Hoàng Sa, đêm nào tôi cũng mất ngủ. Mấy hôm trước, tàu về đất liền sửa chữa, Đạo gọi điện về cho gia đình và bảo: ngoài đó vất vả, nhưng không nhằm nhò gì với bọn con. Mẹ và cả nhà không phải lo lắng gì đâu… Vẫn biết nó nói để động viên, nhưng được nghe giọng con là yên tâm rồi”, bà Tĩnh buồn buồn.
|
4 người phụ nữ, 3 thế hệ
Nhà của kiểm ngư viên Đào Huy Cận (tàu KN-634, Vùng Kiểm ngư 1) nằm giữa làng An Thái, An Lão, TP.Hải Phòng ngờm ngợp lúa vàng mùa gặt. Căn nhà nền đất cũ kỹ, thông thống cửa sổ và mảnh vườn nhỏ, lúp xúp cỏ dại chen lấn mấy luống rau đay. Mẹ Cận là bà Vũ Thị Nhàn, năm nay 70 tuổi, ốm bê bết mấy năm nay nên có cố gắng lắm, cũng chỉ lê chân lần tường ra vườn nhổ cỏ và lại loạng choạng chống gậy vào nhà ngồi thở dốc.
|
Căn nhà nhỏ che chở cho 4 người phụ nữ gồm bà Nhàn, cô giáo Lê Thị Khánh Vân (34 tuổi) vợ kiểm ngư viên Đào Huy Cận và 2 bé gái Đào Phương Trang (7 tuổi), Đào Phương Thúy (3 tuổi), cả chục năm nay thiếu bóng đàn ông do bố Đào Huy Cận đã mất, anh thì đi biển biền biệt.
Cô giáo Lê Thị Khánh Vân kể: 2 con gái chào đời, khi bố vẫn đang lênh đênh ngoài biển và thi thoảng lắm mới có điều kiện gọi điện thoại về thăm nhà, con.
Neo người vậy, đời sống chỉ đắp đổi qua ngày bởi lương của Cận gần 7 triệu đồng, trừ tiền ăn, mỗi tháng gửi 5 triệu đồng cho vợ. Cô giáo Vân, 12 năm dạy học nhưng vẫn thuộc diện hợp đồng, nhận 22.000 đồng/tiết dạy và mỗi tháng, tổng thu nhập khoảng 1 triệu.
Đầu tháng 5, trước khi tàu nhổ neo rời cảng Đà Nẵng ra Hoàng Sa đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, anh Đào Huy Cận gọi điện về báo: “Ra biển làm nhiệm vụ dài ngày”. Bằng trực giác của người mẹ, bà Vũ Thị Nhàn biết ngay con mình làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm: “Phải thế nào, nó mới gọi cho từng người, dặn dò kỹ lưỡng như vậy” và lau nước mắt: “Ruột gan nóng bừng từng ngày chú à”.
Hôm giỗ bố anh Cận, mãi tối 4 mẹ con bà cháu mới hì hục làm xong mâm cơm cúng. Cả nhà vừa bưng bát cơm thì VTV phát phóng sự đầu tiên trên bản tin thời sự thông tin việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư, cảnh sát biển.
Bà mẹ hực lên đau đớn: “Thằng Cận đang ở ngoài Hoàng Sa rồi”, bát cơm vỡ tan dưới đất, 2 đứa trẻ òa khóc theo bà khiến cô giáo Vân phải đanh giọng: “Chồng con đang ở Trường Sa, tối qua mới nhắn tin về”. Chỉ khi mâm cơm nguyên vẹn, nguội tanh được cất xuống bếp và Vân ngồi rấm rức khóc, bà cụ mới chống gậy xuống khẽ khàng đặt tay lên vai con dâu: “Linh cảm của người mẹ không sai đâu. Nhưng nó sẽ về”... Đúng lúc ấy ngoài Hoàng Sa, tàu KN-634 bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, vỡ hết kính lái và Đào Huy Cận bị thương phần mềm.
|
Những người giữ Hoàng Sa kể: Tàu KN-634 tham gia biên đội đầu tiên của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, có mặt tại vùng biển Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng), ngăn chặn, đẩy đuổi các tàu hộ tống bảo vệ và giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. Tuyến đầu tốp đầu, nên KN-634 liên tiếp bị tàu Trung Quốc vây hãm, đâm va với mục đích phủ đầu các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam, khiến đuôi trái, mạn trái, mũi tàu biến dạng, cùng các cửa kính, nhiều thiết bị liên lạc bị gãy đổ bởi vòi rồng tàu Trung Quốc phun ở cự ly gần. Anh Đào Huy Cận và 2 đồng đội khác bị thương ngay trên đài lái, khi điều khiển con tàu chống chọi với tàu Trung Quốc, nhưng các anh kiên quyết xin ở lại giữ Hoàng Sa.
Chia tay tôi, cô giáo Vân dắt 2 đứa trẻ ra tận cổng, rắn rỏi: “Khổ mấy em cũng chịu được, miễn là chồng trở về lành lặn an toàn” nhưng vẫn buồn: “Giá như được vào biên chế dạy học lâu dài, chồng đỡ lo và cũng không phải nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm từng đồng gửi về nuôi con”.
Tôi thấm thía lời của người vợ trẻ, bởi tôi đã đi trên tàu của Đào Huy Cận trong chuyến công tác cuối năm trên Vịnh Bắc bộ, chứng kiến sự kham khổ dè sẻn của người kiểm ngư viên, tiết kiệm từng đồng nuôi mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Và lại ước: Lãnh đạo TP.Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo mà biết được khao khát này của gia đình người lính biển, thì cái sự giúp đỡ sẽ chân thật, chứ không "hoa lá cành" thăm hỏi và như vậy, cả kiểm ngư viên Đào Huy Cận cùng những người đang giữ Hoàng Sa, yên tâm biết bao?
Mai Thanh Hải - Ngọc Minh
>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa>> Ngư dân đóng tàu lớn quyết bám biển Hoàng Sa
>> Tình đồng đội trên biển Hoàng Sa
>> Bám biển Hoàng Sa đến cùng
>> Tuyên dương các phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa
Bình luận (0)