Bài học tranh chấp Ấn Độ - Bangladesh: Chiến thắng của thiện chí

12/07/2014 04:00 GMT+7

Sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp là con đường mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các quốc gia tranh chấp.

 
Ngư dân đánh cá bên bờ biển vịnh Bengal - Ảnh: AFP

Sau nhiều năm tranh chấp, tháng 10.2009, Bangladesh quyết định đưa bất đồng về biên giới biển với Ấn Độ và Myanmar ra tòa án quốc tế bởi 3 nước không thể giải quyết thông qua đàm phán song phương, theo các quy định của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Có mặt trong đoàn luật sư đại diện cho Bangladesh là ông Paul Reichler - người cũng được Philippines chọn cho vụ kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi lý ở biển Đông.

Giải pháp công bằng

Để phân chia lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn, Ấn Độ và Myanmar khăng khăng đòi áp dụng nguyên tắc đường cách đều (equidistance principle). Tuy nhiên, Bangladesh lập luận rằng cách phân chia như vậy sẽ gây bất lợi và bịt kín đường ra biển của nước này do vị trí nằm kẹt giữa Ấn Độ và Myanmar tại vịnh Bengal. Dhaka đề xuất phân định theo nguyên tắc công bằng (equity principle), viện đến các hoàn cảnh đặc biệt như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vị trí bất lợi của họ.

Ấn Độ và Bangladesh còn bất đồng về cách xác định đường cơ sở, vốn được sử dụng để xác định lãnh hải 12 hải lý và EEZ 200 hải lý cùng với thềm lục địa kéo dài. New Delhi yêu cầu xác định theo đường cơ sở thông thường còn Bangladesh muốn áp dụng đường cơ sở thẳng, viện đến sự thiếu ổn định của đường bờ biển ở khu vực. Vào tháng 5.2012, Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS - Myanmar kiến nghị chuyển vụ việc giữa hai nước ra tòa này) đã ra phán quyết mà Bangladesh tuyên bố là chiến thắng, theo đó việc phân chia EEZ được thực hiện theo giải pháp công bằng, trao cho Dhaka một phần đáng kể khu vực tranh chấp ở phía đông vịnh Bengal, kể cả thềm lục địa ở trong và ngoài 200 hải lý. Mặc dù chính phủ Myanmar không ca ngợi phán quyết như Ấn Độ trong vụ kiện mới đây, họ vẫn tuyên bố tôn trọng quyết định của tòa án.

Vào tháng 12.2013, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) cũng kết thúc các phiên tranh tụng giữa Ấn Độ sau gần 5 năm xét xử. Đến ngày 7.7, PCA ra phán quyết trao cho Bangladesh gần 80% vùng biển tranh chấp rộng hơn 25.000 km2 ở phía tây vịnh Bengal. Tuy nhiên, đảo New Moore/South Talpatti, hay đúng hơn là vùng biển mà hòn đảo từng hiện hữu, một trong 3 vấn đề tranh chấp, được phán quyết thuộc về Ấn Độ. Như vậy, từ nay, Bangladesh có thể mở thầu các lô dầu khí trong khu vực thuộc về họ, thu hút các nhà đầu tư vốn e ngại vì tranh chấp trước đây.

Đôi bên cùng có lợi

Theo quy định, các bên không thể kháng cáo nhưng nếu muốn diễn dịch theo ý mình bất kỳ phần nào của phán quyết, họ có thể kiến nghị trong vòng 30 ngày sau khi nhận phán quyết và việc diễn dịch sẽ được công bố trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hai nước đều chấp nhận phán quyết. “Đó là một chiến thắng của tình hữu nghị và giải pháp đôi bên cùng có lợi cho người dân Bangladesh và Ấn Độ”, hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali trong cuộc họp báo ngày 8.7. “Chúng tôi ca ngợi Ấn Độ vì sự sẵn lòng giải quyết vấn đề thông qua các công cụ luật pháp cùng sự chấp nhận tuân thủ phán quyết của họ”, ông nói thêm. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng ra thông báo: “Việc phân định biên giới biển sẽ tăng cường thêm sự hiểu biết và thiện chí giữa Ấn Độ và Bangladesh bằng cách khép lại vấn đề tồn tại lâu đời. Nó mở đường cho phát triển kinh tế ở khu vực này của vịnh Bengal, vốn mang lại lợi ích cho cả hai nước”.

Theo nhà báo Zachary Keck của tờ The Diplomat, phán quyết vừa qua đặc biệt quan trọng bởi Ấn Độ là một nước hùng mạnh hơn nhiều so với Bangladesh song vẫn chấp nhận giải quyết tranh chấp biển thông qua luật pháp quốc tế. Điều này một phần vì New Delhi muốn cải thiện quan hệ với Dhaka, song cũng vì họ không thể tận dụng giá trị kinh tế của vùng biển nếu tranh chấp cứ tiếp tục kéo dài. Bằng cách đồng ý ra tòa, cả Bangladeh và Ấn Độ có thể mở ra một chân trời hợp tác mới và hưởng lợi ích kinh tế từ các tài nguyên ở vịnh Bengal.

Mặc dù thừa nhận những khác biệt giữa tình thế ở hai khu vực, ông Keck cho rằng các quốc gia Đông Á nên noi gương Nam Á trong việc sử dụng con đường tòa án để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. “Như vụ việc ở vịnh Bengal, tranh chấp hiện hữu ở Đông Á cản trở khả năng khai thác các tài nguyên giá trị tiềm năng ở biển Hoa Đông và biển Đông. Hơn thế nữa, chúng tạo ra các vụ đối đầu nguy hiểm có thể dẫn đến xung đột vũ trang”, ông viết. Tương tự Ấn Độ ở Nam Á, điều mấu chốt, theo ông Keck, là thuyết phục Trung Quốc tham gia tiến trình và việc các quốc gia ASEAN giải quyết tranh chấp giữa họ có thể giúp khuyến khích Bắc Kinh. Ông Keck lập luận rằng việc tham gia tiến trình pháp lý cũng là lợi ích của Trung Quốc bởi điều này sẽ giúp bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực đồng thời trấn an các quốc gia láng giềng. Ngược lại, các hành vi đơn phương gây bất ổn của Bắc Kinh sẽ càng tiếp tục củng cố vị thế của Mỹ cũng như chiến lược của Nhật trong việc đảm nhận vai trò lớn hơn trong khu vực.

Sơn Duân

>> Tăng cường xuất khẩu cao su sang Ấn Độ, Mỹ và EU
>> Bài học tranh chấp Ấn Độ - Bangladesh
>> Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự
>> Ấn Độ huấn luyện quân sự cho cư dân sống sát Trung Quốc
>> Ấn Độ nổi đóa vì bị Mỹ do thám
>> Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang 5 vệ tinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.