>> Xét xử ‘kỳ án vườn mít’: Y án tù chung thân bị cáo Lê Bá Mai
>> Vụ 'kỳ án vườn mít': Tòa tuyên Lê Bá Mai chung thân
>> Xét xử sơ thẩm lần 3 “kỳ án” vườn mít
>> Xét xử lại "Kỳ án vườn mít": Tiếp tục đề nghị tử hình Lê Bá Mai
Chiều 11.7, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vụ án Lê Bá Mai giết người, hiếp dâm trẻ em ở tỉnh Bình Phước năm 2004.
Bà Hoài Thu cho biết năm 2006 đi giám sát ở TP.HCM thì nhận được đơn kêu oan của gia đình Lê Bá Mai, bản thân bà và nhiều chuyên gia pháp luật nghiên cứu thấy băn khoăn vì nhiều mâu thuẫn trong chứng cứ, lời khai nhân chứng trong một vụ án mà bị cáo 2 lần lĩnh án tử hình, 2 lần chung thân: “Theo niềm tin nội tâm của tôi thì vụ án đã được giàn dựng một cách khéo léo”, bà Thu nói.
Buổi đối thoại về kỳ án vườn Mít - Ảnh: Thái Sơn
Tiến sĩ Vũ Đức Khiển cho biết 4 năm làm Viện phó VKSND Tối cao, mỗi năm duyệt khoảng 400 vụ án nhưng chưa thấy vụ án nào có nhiều điểm kỳ lạ như vậy. Trong đó Lê Bá Mai sau khi giết nạn nhân đã kéo đến bỏ một chỗ khác nhưng khám nghiệm hiện trường ghi nhận thi thể đang ở tư thế quỳ gối, nạn nhân bị hiếp dâm nhưng trong cơ thể không có tinh trùng.
“Các cơ quan tố tụng khi buộc tội Lê Bá Mai đã vi phạm rất nhiều, càng làm chúng tôi thấy rằng kết tội Mai giết người, giết Thị Út chưa đáng tin cậy”, ông Khiển nói.
Mặt khác: “Nếu khẳng định Lê Bá Mai hiếp dâm trẻ em, giết người thì phải tuyên án tử hình chứ, tại sao lại là chung thân” ông Khiển đặt câu hỏi.
Trao đổi lại, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện phó Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện phúc thẩm 3) tại TP.HCM cho rằng những vấn đề ông Khiển và bà Thu nêu ra đã được tranh luận công khai tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 8.20103.
Lời khai của Lê Bá Mai có khách quan hay không, có bị mớm cung nhục hình? Theo ông Sơn, giữa lời khai của Lê Bá Mai và và nhân chứng trực tiếp có nhiều điểm trùng khớp, trong đó nạn nhân lên xe bị cáo đã nhờ nhân chứng “đi trông xe” bằng tiếng dân tộc Stiêng, nạn nhân không mặc quần lót: "Những tình tiết này chỉ có người trong cuộc mới biết còn cơ quan điều tra không thể biết để mớm cung”, ông Sơn nói.
“Tại tòa bị cáo đã được giải thích quyền và nghĩa vụ, đã thừa nhận tội. Trong quá trình điều tra, luật sư bào chữa đã xác nhận không có bức cung nhục hình. Bị cáo thừa nhận khi kêu oan là để kéo dài sự sống, sau này là để được nhẹ án”, ông Sơn nói và khẳng định: “Việc kết tội Lê Bá Mai là có cơ sở”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Lê Bá Mai không bị mớm cung nhục hình - Ảnh: Thái Sơn
Ba ngành tố tụng tiếp tục xem xét
Ghi nhận tinh thần trách nhiệm của bà Hoài Thu và ông Vũ Đức Khiển, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết ông đã hứa trước Quốc hội và đã thực hiện bằng một phiên tòa tranh tụng công khai: “Trong vụ án dù có một số tình tiết mâu thuẫn nhưng không thay đổi được bản chất vụ án được thể hiện qua các chứng cứ cơ bản”, ông Bình nói và cho rằng điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm phải có vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có tình tiết mới, chung thân hay tử hình đều nằm trong một khung, đây không phải vụ duy nhất giết người hiếp dâm không tử hình.
Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng khi có đơn kêu oan và đơn đề nghị xem xét của những người am hiểu pháp luật thì VKSND Tối cao vẫn phải xem xét lại. “Lần này không phải VKSND Tối cao xem độc lập nữa, chúng tôi sẽ đề nghị có sự tham gia của liên ngành TAND Tối cao, Bộ Công an và khi đó sẽ có trả lời 2 câu hỏi: Có tội hay không có tội, có cần thiết giám đốc thẩm, đủ điều kiện để nâng lên tử hình hay không?, ông Bình nói.
Thái Sơn
Bình luận (0)