Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên

29/07/2014 08:00 GMT+7

(TNO) Cứ gần đến ngày 27.7 là đại tá Lưu Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang lại chạy xe về Quản Bạ thắp hương lên bia tưởng niệm gần 20 cán bộ chiến sĩ của đồn Nghĩa Thuận hy sinh trước họng súng của quân Trung Quốc.

>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 1: Bức điện cuối cùng của đồn Pha Long

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 5
Đồn Biên phòng Lũng Làn, Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: M.T.H

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 6
Mốc 504 (trước đây là mốc 138), nằm cạnh đường tiến quân của quân Trung Quốc tấn công sang Đồn Biên phòng Lũng Làn năm 1979 - Ảnh: M.T.H

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 7
Bia ghi tên liệt sĩ Đồn Biên phòng Lũng Làn - Ảnh: M.T.H

Đại tá Hùng thống kê chi tiết: Hà Giang có 169 cán bộ chiến sĩ BĐBP hy sinh, trong đó 159 liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và 90 thương binh... Mà đâu chỉ có Nghĩa Thuận, mà còn có Lũng Làn, Săm Bun, nơi những chiến sĩ đều chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Bất tử ở Lũng Làn
  
Sáng sớm 17.2.1979, sau khi dồn dập nã pháo, 2 tiểu đoàn bộ binh Trung Quốc theo đường mòn mốc 138 và 140 đồng loạt tấn công vào Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang).

Ngày 17.2.1979, thượng úy - đồn trưởng Lộc Viễn Tài (vốn là sĩ quan được đào tạo tại Trường Sĩ quan Biên phòng, lại có nhiều năm làm trợ lý huấn luyện) đã chỉ huy đơn vị vừa rút vừa cố thủ vừa phản công giữ đồn.

 
Lực lượng tăng viện hành quân cả ngày mới tới đồn, nhưng đến nơi thì muộn quá rồi!
Đại tá Hoàng Đình Xuất, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang
Ngày 5.3.1979, quân xâm lược huy động quân số đông, quyết chiếm đồn Lũng Làn, thượng úy Lộc Viễn Tài cùng một số anh em tử thủ cho đến khi hết đạn và tất cả đều hy sinh.

Đại tá Hoàng Đình Xuất, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang mắt đỏ hoe nhớ lại: “Lực lượng tăng viện hành quân cả ngày mới tới đồn, nhưng đến nơi thì muộn quá rồi!”. Đại tá Xuất trầm giọng: “Hồi ấy, không có quan tài, toàn lấy tôn lợp nhà, bó thi hài liệt sĩ và chôn tạm xuống chiến hào!”.

Đến giờ, gần Đồn Biên phòng Lũng Làn vẫn còn nguyên bia ghi tên 16 cán bộ chiến sĩ của đồn hy sinh trong những năm bảo vệ biên giới, từ 1979 cho đến 1987, với người đứng số 1 là thượng úy - đồn trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Lộc Viễn Tài (quê ở Bắc Quang, Hà Giang). 

Ở gần Lũng Làn là Săm Pun. Đại tá Hoàng Đình Xuất nhớ lại: sáng 17.2.1979, quả pháo đầu tiên bắn vào đồn Săm Pun khi anh em đang ăn sáng, làm hy sinh ngay tại chỗ khẩu đội trưởng cối 60 tên Tùng, chiến sĩ Nguyễn Thanh Bình bị thương nặng do mảnh đạn găm vào đầu.

“Bình bị ảnh hưởng thần kinh, giờ toàn lơ ngơ đi ngoài phố. Tội lắm!” - đại tá Xuất thở dài và kể thêm: hồi ấy Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) xây dựng Lũng Làn là đồn mẫu về doanh trại, nên anh em xuống đồn mẫu ở, không đóng quân trên đồn Pháp cũ, như các đơn vị khác.

Giọt máu Trùng Khánh - Quảng Hòa

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 1
Những bức ảnh về đoàn văn công của cô Châm in trên báo Văn nghệ quân đội được lưu giữ cẩn thận trong khung ảnh - Ảnh: V.N.K

Tháng 2.1975, Đỗ Thị Châm, người con gái đất cảng Hải Phòng mới 17 tuổi, cân nặng 40 kg nhưng vẫn khai cân tăng để được nhập ngũ.

Sau khi huấn luyện, chị Châm được biên chế về Đội Tuyên văn (tuyên truyền - văn nghệ) của Trung đoàn 567, Sư đoàn 346 đóng ở Đồi Ngô, Lục Nam, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Tháng 6.1976, chị và đồng đội chuyển lên Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng làm nhiệm vụ.

Tháng 10.1978, trong khi đồng đội được xuất ngũ trở về địa phương thì chị được giao nhiệm vụ ở lại huấn luyện một đội văn công kế cận. Theo kế hoạch, chỉ còn mấy ngày nữa là chị ra quân thì chiến sự xảy ra ở biên giới Việt - Trung.

 

7 em đó xuất sắc lắm, hát hay, múa đẹp nhưng hy sinh hết. Một em gái tên là Ngân, là người Cao Bằng vừa mới vào đội được 2 ngày thì ra mặt trận và cũng đã hy sinh!

Cựu chiến binh Đỗ Thị Châm

“Sáng sớm 17.2, khi tôi và cả đội đang tập thể dục thì nghe thấy tiếng nổ ran lên như sấm. Chúng tôi cứ bảo nhau sao mới tháng 2 mà đã có sấm. Khoảng 30 phút sau thì tôi biết tin có chiến tranh!” - chị Châm nhớ lại.

Chị Châm nhận nhiệm vụ quản lý một đơn vị tân binh nữ, 7 chị em trong Đội Tuyên văn Trung đoàn dừng việc múa hát, ra mặt trận hỗ trợ cứu thương và lần lượt hy sinh bởi đạn và lưỡi lê của quân xâm lược.

Nhớ lại những gương mặt đồng đội, chị Châm rớm nước mắt: “7 em đó xuất sắc lắm, hát hay, múa đẹp nhưng hy sinh hết. Một em gái tên là Ngân, là người Cao Bằng vừa mới vào đội được 2 ngày thì ra mặt trận và cũng đã hy sinh!”.

Nhớ lại những ngày chiến tranh, cựu chiến binh Đinh Văn Bản (57 tuổi, chồng chị Châm, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 567) kể: cuối tháng 2.1979, sau khi bị thương trong chiến đấu, anh Bản cùng 34 thương binh khác được đưa vào điều trị trong hang Canh Giềng (Quảng Hòa, Cao Bằng). Mấy ngày sau, cấp trên di chuyển thương binh sang hang khác, nhưng khi anh Bản cùng 7 người ở ngoài cửa hang vừa xuống núi thì quân Trung Quốc bắn B40 vào trong hang, làm toàn bộ 26 thương binh và y tá Đinh Thị Tuyến hy sinh.

Cắn răng, nuốt nước mắt nhìn đồng đội hy sinh, tốp thương binh lần mò tìm tới 1 hang núi ở Hạ Lang tránh trú và tìm cách liên lạc với quân ta. Đúng hôm cả tốp hết lương thực thì 1 dân quân gánh thịt lợn vào rừng cho vợ con, phát hiện thấy có người trong hang tưởng là quân Trung Quốc, định nổ súng nhưng may mắn phát hiện là... quân ta.

Người dân quân này đã cấp thịt cho cả nhóm và chỉ đường về phía sau, thoát khỏi vòng vây quân xâm lược.
 
Trở về tuyến sau, chị Châm trở về đơn vị tiếp tục công tác huấn luyện văn công, còn anh Bản được đưa đi điều trị. Ngày 27.7.1979, giữa núi rừng biên giới Cao Bằng, Trung đoàn 567 tổ chức văn nghệ kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, người thương binh Đinh Văn Bản chống nạng đi cùng người yêu trong tiếng vỗ tay của đồng đội.

Sau khi lấy nhau, sinh được 2 cô con gái, vợ chồng người cựu chiến binh đặt tên con là Khánh và Hòa, để không thể quên 2 địa danh là huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa, nơi họ đã chiến đấu, đã ghi dấu một thời trai trẻ làm nên khúc bi tráng của dân tộc. (Còn nữa)

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 2
Bức ảnh đăng trên báo Văn nghệ quân đội năm 1978 chụp cô Châm (đứng đầu hàng từ bên phải) cùng 4 nữ văn công khác biểu diễn phục vụ bộ đội ngoài mặt trận - Ảnh chụp lại tư liệu 

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 3
Cô Châm (thứ 2 từ trái sang) cùng đội văn công trong một lần biểu diễn ở Cao Bằng năm 1977 - Ảnh chụp lại tư liệu

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên 4
 Đội văn công do cô Châm huấn luyện đang biểu diễn tiết mục Hát mừng đồn biên phòng anh hùng 193 vào cuối năm 1978 - Ảnh chụp lại tư liệu

Mai Thanh Hải - Vũ Ngọc Khánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.