Lao động Việt Nam rời Libya về nước an toàn: Ám ảnh xứ người

10/08/2014 16:00 GMT+7

(TNO) Tối 9.8, tất cả 25 lao động Việt Nam bị mắc kẹt ở Libya đã được đoàn tụ cùng gia đình. Đọng lại sau một năm khổ cực là những ám ảnh khó phai về chiến tranh, bom đạn nơi xứ người.

(TNO) Tối 9.8, tất cả 25 lao động Việt Nam bị mắc kẹt ở Libya đã được đoàn tụ cùng gia đình. Đọng lại sau một năm khổ cực là những ám ảnh khó phai về chiến tranh, bom đạn nơi xứ người.


Sống ở bãi rác suốt 4 ngày liền

Nhiều lao động Việt Nam xuất thân nghèo khó đã quyết định rời bỏ quê hương để sang xứ người làm việc. Một vài người trước khi qua Libya cũng có trong tay nghề thợ hồ, thợ mộc. Nhưng thu nhập bấp bênh ở quê nhà không đủ để họ trang trải cuộc sống gia đình.

Dẫu biết xa cách, nhớ nhung, khổ sở trăm bề, nhưng những người đàn ông ấy vẫn cố bấm bụng rời xa cha mẹ, vợ con để bắt đầu hành trình bươn chải, mưu sinh nơi xứ người.

4 ngày khổ đau

Nhưng rồi chiến sự nổ ra, nạn bắt cóc, giết người ở Libya xảy ra như cơm bữa. Cùng những người tị nạn ở các quốc gia khác, lao động Việt Nam tìm đến khu vực biên giới giữa Libya và Ai Cập để mong được trở về nhà. Những khó khăn trong việc làm thủ tục nhập cảnh đã giữ họ lại ở biên giới suốt 4 ngày liền. Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, họ dùng những chiếc khăn mặt, mùng mền, bìa carton để… làm “nhà”.

Suốt nhiều ngày ngồi vật vờ trong “căn nhà” tạm bợ, đói khát, mệt mỏi, nhưng chẳng ai trong số 25 lao động Việt Nam này có ý định sẽ bỏ cuộc. Bởi họ biết rằng phía sau đường biên giới kia chính là sự sống, là con đường để được đoàn tụ cùng gia đình.

Anh Phi Mạnh Ước (42 tuổi, quê Hà Nội) nhớ lại: “Ở biên giới thì xung quanh chẳng có nhà cửa gì cả. Nóng như ở sa mạc, đêm phơi sương, ngày thì phơi nắng. Mỗi khi có xe chạy hay gió bay qua thì chỉ biết nhắm mắt lại vì bụi. Nhưng mà chúng tôi cũng ráng chịu vì nghĩ tới đó là thoát khỏi bom đạn rồi nên cũng bớt lo. Còn ai có gì thì giữ nấy vì ở đó tụi nó cướp nhanh lắm, cướp trắng trợn luôn”.


Dùng bìa carton, áo để che nắng

Khi đối mặt với đói khát, bệnh đau, họ cố tận dụng vốn ngôn ngữ ít ỏi học được trong quá trình làm việc ở Lybia để tìm nước, bánh mì hay tất cả những gì có thể ăn được, rồi chia nhau lót dạ để chờ ngày được đón về.

Cũng trải qua 4 ngày “định mệnh” ở biên giới, anh Bùi Danh Xuân (35 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết: “Trời thì nắng, che có mỗi mảnh vải trên đầu. Còn ban đêm ở đó thì phải chia người trực, lúc nào cũng có người thức để canh chừng chứ sợ cướp đồ đạc. Xin được gì thì ăn nấy chứ cơm đâu mà ăn”.

Nỗi lòng người thân

Hạnh phúc nào hơn khi được nhìn thấy chồng, con sống sót trở về trong vùng xảy ra chiến sự. Ngày anh Ước, anh Xuân và nhiều lao động khác được trở về nhà cũng là dịp đón lễ vu lan. Thế nên, những câu chuyện nơi xứ người, nỗi lo của cha mẹ, vợ con ở quê hương chẳng bao giờ dứt trong bữa cơm ngày đoàn viên.

Chị Nguyễn Thị Hằng (vợ anh Ước, 39 tuổi, quê Hà Nội) cho biết: “Cả gia đình làm nghề nông nên kinh tế khó khăn. Gia đình phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền chi phí cho anh Ước qua bên đó. Cũng vì hoàn cảnh thôi chứ chẳng ai muốn chồng đi làm xa như vậy. Khi xảy ra chiến tranh thì cả nhà lo lắm, vì không biết anh ấy bên đó thế nào”.

Còn ông Bùi Danh Sáng (cha ruột anh Bùi Danh Xuân) nói: “Khi xem thời sự thấy bên đó bắn nhau cả nhà lo lắng, sốt ruột lắm. Tìm mọi cách để liên lạc, xem tình hình thế nào để ở nhà yên tâm. Mà khi gọi điện vào số của nó thì lúc được, lúc không nên sợ có chuyện chẳng may thì khổ. Giờ về tới nhà là mừng lắm”.

May mắn được trở về gặp lại cha mẹ, vợ con nhưng theo nhẩm tính của những người lao động ở Libya thì số tiền tích góp được cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống bên đó và trả nợ, chứ không như “mong muốn ban đầu”. Thành ra vừa thoát khỏi cảnh sinh tử, nhưng ai nấy đều mong muốn, khi chiến tranh ở Libya kết thúc, sẽ quay lại tiếp tục làm việc.

Anh Xuân nói: “Nếu như mà bên đó ổn định trở lại thì chúng tôi sẽ tiếp tục qua bên đó làm việc. Chứ ở quê làm nông thì không đủ tiền trang trải cuộc sống và cho con học hành”.

Đức Tiến - Công Nguyên
Ảnh: Cắt từ clip do các lao động Việt Nam tại Libya cung cấp

>> Hơn 200 lao động từ Libya về nước
>> 25 lao động tại Libya òa khóc khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất
>> Hàng trăm lao động Việt Nam bị ‘mắc kẹt’ tại Libya
>> Lao động Việt Nam bắt đầu rời khỏi Libya

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.