(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Thanh Chấn (53 tuổi, quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết sáng 15.8, ông và người thân trong gia đình đã có buổi làm việc chính thức đầu tiên với đại diện TAND Tối cao tại Hà Nội.
|
Buổi làm việc xoay quanh vấn đề ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường số tiền lên tới 10 tỉ đồng. Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, buổi làm việc diễn ra trong nhiều giờ, từ đầu giờ sáng cho tới gần giờ nghỉ trưa.
Về phía gia đình ông Chấn, có 3 người, gồm ông Chấn, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) và ông Thân Ngọc Hoạt (56 tuổi, là anh em cọc chèo với ông Chấn). Trong khi đó, phía TAND Tối cao có bà Trần Thanh Thảo, Phó phòng nghiệp vụ, Thư ký tòa án là bà Tạ Thị Hương Lý. Ngoài ra đi cùng với gia đình ông Chấn còn có luật sư Vũ Thị Nga (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Ông Chấn cho biết trong buổi làm việc phía đại diện của TAND Tối cao không bàn gì về mức tiền bồi thường. Thay vào đó phía tòa đã giải thích cặn kẽ cho ông Chấn cũng như người nhà về các quy định bồi thường án oan sai. “Ngoài ra phía Tòa tối cao còn hướng dẫn tôi hoàn tất những thủ tục giấy tờ có liên quan, cũng như chi tiết về những khoản bồi thường còn thiếu”, ông Chấn nói.
Khi được hỏi về thời gian cho những buổi làm việc tiếp theo, ông Chấn cho hay: “Tòa không hẹn chính xác hôm nào, mà chỉ nói tôi cùng gia đình về hoàn thiện những thủ tục, giấy tờ còn thiếu và đợi giấy mời lên làm việc của tòa”.
Trao đổi với Thanh Niên Online, luật sư Nga cho biết trong buổi làm việc này, phía TAND Tối cao chưa đề cập về nội dung cũng như mức yêu cầu đòi bồi thường án oan sai, mà mới chỉ bàn về các thủ tục.
Vẫn theo luật sư Nga, số tiền đền bù 10 tỉ đồng mà ông Chấn đưa ra cho hơn 10 năm ngồi tù là hoàn toàn thích đáng. Đó là những tổn về tinh thần và vật chất không thể nào có thể lấy lại được.
“Mẹ đẻ ông Chấn là vợ liệt sĩ, chừng đó năm đi tù đã không có ông chăm sóc suốt một thời gian dài. Không những thế, những đứa con ông giờ đã có gia đình hết thì không thể quay lại đi học lớp 1 để biết chữ…”, luật sư Nga nói.
Theo ông Chấn, sau khi về, ông cùng gia đình và phía luật sư sẽ sớm hoàn thiện các loại giấy tờ liên quan trong thời gian sớm nhất có thể, để giải quyết xong việc bồi thường. “Hơn 10 năm đi tù, viêc gia đình không ai gánh vác, còn vợ thì lo chạy khắp nơi minh oan cho tôi… do vậy kinh tế gia đình túng quẫn lắm. Tôi chỉ mong được giải quyết cho nhanh”, ông Chấn chia sẻ.
Nhìn lại vụ án oan "nổi tiếng" của ông Nguyễn Thanh Chấn Vào ngày 15.8.2013, chị Nguyễn Thị Hoan (quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị giết hại nhà riêng ở thôn Me một cách dã man. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong. Ngày 30.8.2003, ông Chấn được triệu tập tới trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang để lấy lời khai. Ngày 28.9.2003, căn cứ vào những lời khai của ông Chấn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh tạm giữ đối với ông Chấn. Ngày 29.9.2003, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh “giết người”. Ngày 26.3.2004, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn phạm tội "giết người" với mức án tù chung thân. Tại phiên xét xử, bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27.7.2004, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm. Cũng trong phiên phúc thẩm, bị cáo Chấn liên tục kêu oan, không nhận tội. Chính thức bản án phúc thẩm có hiệu lực. Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan và Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét. Ngày 5.7.2013, bà Chiến vợ ông Chấn gửi đơn tới Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Trong đơn nói rõ thủ phạm gây ra vụ án giết chị Hoan là Lý Nguyễn Chung (quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngày 25.10.2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan. Ngày 29.10, Viện KSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự giết người, cướp tài sản và khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung về hai hành vi này. Không lâu sau đó, ông Lý Văn Chúc là bố của Chung bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Ngày 4.11.2013, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và Phó viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 4.11, ông Chấn được thả về địa phương. Ngày 6.11.2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm xem xét kháng nghị ngày 4.11 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh giết người. Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án. Tới sáng 25.1.2014, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đại diện của Viện KSND Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính công bố “Quyết định đình chỉ điều tra bị can” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Và ông Chấn chính thức được minh oan, không còn liên quan tới vụ án, sau hơn 10 năm ngồi tù án trung thân. |
Hà An
>> Chuyển vụ ông Chấn sang Cơ quan CSĐT - Bộ Công an
>> Điều tra viên của Cục Điều tra lấy lời khai ông Chấn
>> Ông Chấn nhờ luật sư thu thập chứng cứ yêu cầu bồi thường
>> Gia đình ông Chấn vui mừng khôn xiết khi nghe tin bản án được hủy
Bình luận (0)