(TNO) Chiều nay 17.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo, kiểm tra tập huấn các biện pháp xử lý cách ly trong trường hợp xuất hiện ca bệnh do vi rút Ebola xâm nhập Việt Nam.
|
Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), kịch bản phát hiện hành khách nghi nhiễm Ebola nhập cảnh đã được đặt ra. Theo đó, các cơ quan y tế có liên quan đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó ngay lập tức.
Hiên tại, cửa khẩu hàng không lớn nhất cả nước, Tân Sơn Nhất, đã thực hiện giám sát thân nhiệt tất cả hành khách ngay khi vừa xuống sân bay trước khi làm thủ tục nhập cảnh hải quan.
Có hai máy đo thân nhiệt từ xa hoạt động, hai máy dự phòng được đặt tại nhà ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo giám sát liên tục 24/24.
Ngoài ra, hành khách đã đi qua, lưu trú hoặc đến từ các quốc gia Tây Phi đang có dịch trong 21 ngày trước đó phải làm tờ khai báo y tế.
Qua giám sát thân nhiệt và khai báo y tế, nếu phát hiện người nghi mắc bệnh do vi rút Ebola, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cách ly, khám sàng lọc. Sau đó, làm thủ tục nhập cảnh và lập tức chuyển hành khách nhiễm bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị cách ly.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM, trong thời gian triển khai giám sát bệnh Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ ngày 11-16.8, đã có 33 hành khách đến từ Nigeria (quốc gia đang có dịch) phải khai báo y tế. Trong đó, 32 hành khách có quốc tịch Nigeria, 1 hành khách ngoài châu Phi. Đồng thời, 100% hành khách này cũng đã cung cấp địa chỉ lưu trú và số điện thoại liên lạc tại Việt Nam cho cơ quan chức năng giám sát y tế. Không ai có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Ebola.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản chỉ đạo ngành y tế TP.HCM, các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại TP.HCM, đặc biệt là giám sát bệnh xâm nhập tại các cửa khẩu hàng không và cảng quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện nay (17.8), Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh do vi rút Ebola.
|
Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm vi rút, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. Dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola: Sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán những người nhiễm vi rút Ebola cho thấy số lượng bạch cầu và số lượng tiểu cầu thấp, và men gan tăng cao. Thời gian ủ bệnh, hay thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng, là từ 2 - 21 ngày. Các biện pháp phòng lây nhiễm trong cộng đồng được Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: Không tiếp xúc với người bệnh Ebola, máu, dịch tiết của người bệnh, động vật nhiễm bệnh, vật dụng có khả năng nhiễm vi rút. Trong trường họp cần thiết tiếp xúc phải được trang bị dụng cụ phòng hộ y tế. Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… bằng chloramin B hoặc hóa chất diệt khuẩn. Nếu thấy có dấu hiện của bệnh do vi rút Ebola phải đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị cách ly. |
Viên An
Ảnh: Nguyên Mi
>> Tập huấn phòng chống dịch bệnh Ebola
>> Triệu tập thêm hai người dùng facebook tung tin Việt Nam có người nhiễm Ebola
>> WHO: Số người chết vì dịch bệnh Ebola tăng lên 1.069
>> TP.HCM khẩn trương đối phó dịch bệnh Ebola
>> TP.HCM phòng chống dịch Ebola xâm nhập từ cửa khẩu
Bình luận (0)