Đâu là bản sắc Việt khi mà sự giao thoa về văn hóa diễn ra mạnh mẽ trong thời đại này? Câu trả lời thật không dễ dàng. Vì thế, Thanh Niên muốn cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và bạn đọc nhìn nhận cho thấu đáo bản sắc của nền văn hóa Việt, thông qua chuyên đề Bản sắc Việt.
|
Câu chuyện của TS Đinh Hồng Hải (Viện Văn hóa) về các linh vật, bắt đầu từ con trâu của SEA Games năm 2003. Nhiều người không hài lòng với việc chọn “đầu trâu” làm logo trên sản phẩm đại diện quốc gia, vì trong văn hóa VN thành ngữ “đầu trâu mặt ngựa” chỉ những kẻ vô lại, đầu trộm, đuôi cướp. “Nếu một sự kiện tương tự được tổ chức thì chúng ta hoàn toàn có thể lấy con nghê làm linh vật, bên cạnh gà trống Gaulois của Pháp hay sư tử Anh. Các tiêu chí quan trọng nhất cần đặt ra như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với những giá trị đặc sắc của linh vật đều có thể thấy qua biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, chúng ta thường nghe nói tới linh vật, thậm chí “vật tổ” của người Việt là giao long, thuồng luồng, chim lạc… Chúng được coi như biểu tượng của văn minh Việt trước giai đoạn thuộc Hán. Tuy nhiên, dù vô cùng quý giá, chúng hiện là những “hiện vật chết”. “Chúng chỉ là hiện vật khảo cổ phát hiện trong không gian cư trú của người Việt, còn chúng đóng vai trò ra sao, sử dụng thế nào thì vẫn đang còn cần tìm hiểu. Hiện tại, chúng đã không còn tồn tại”, ông Hải phân tích.
Trong khi đó, theo vị TS này, con nghê là linh vật tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa Việt hàng nghìn năm qua. “Nghê hiện hữu trên các kiến trúc cung đình thời Lý - Trần, trên đình chùa thời Lê. Nghê ở ban thờ tư gia của nhiều gia đình người Việt hiện tại. Điều đó cho thấy, nghê là một hiện vật “sống” trong đời sống tinh thần của người Việt”, ông Hải nói về giá trị lịch sử của con nghê.
Mang tính dân gian rất cao
Về giá trị văn hóa, theo ông Hải, con nghê không được đề cập trong tư liệu thành văn của Đại Việt - VN. Chính sự “thiếu quan tâm” đó lại giúp cho biểu tượng con nghê của Đại Việt phát triển một cách tự do trong vô vàn sự ràng buộc khắt khe của thể chế phong kiến Khổng - Nho suốt hàng nghìn năm qua. “Biểu tượng nghê có mặt hầu khắp mọi nơi. Từ thành thị đến nông thôn. Nó đi vào đời sống của dân gian một cách hết sức tự nhiên như chính tâm hồn của người Việt và văn hóa của người Việt”, ông Hải đánh giá.
|
“Cũng chính sự thấm nhuần đặc tính dân gian của con nghê khiến nó trở nên một “con vật” gần gũi, thân thương hơn là một linh vật đáng sợ hãi, nể trọng và tôn thờ. Gần như canh rau muống với cà dầm tương vậy”, ông Hải nói. Đặc tính này giúp nghê ngấm lại vào suy nghĩ của các nghệ nhân dân gian, để rồi họ lại tái hiện nó mọi lúc mọi nơi. Cũng chính sự tự do ấy đã làm nên giá trị nghệ thuật của con nghê.
|
“Là một linh vật hư cấu, con nghê tích hợp các yếu tố từ nghệ thuật dân gian đến nghệ thuật cung đình, từ nghệ thuật bản địa đến nghệ thuật du nhập. Đó là các yếu tố văn hóa từ Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm pa, Xiêm La, Chân Lạp, Ai Lao”, ông Hải phân tích. “Nghệ nhân tích hợp chúng lại rồi dùng tưởng tượng để tạo ra nghê với dấu ấn riêng. Tự do trong nghệ thuật giúp cho biểu tượng con nghê đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo. Tính biểu tượng lại giúp nghê xác định được đặc tính riêng - tính bản địa”.
“Văn hóa của chúng ta cứ thực dụng dần lên” Các cụ nhà mình đắp con nghê để trừ tà ma, đặt ở cửa. Cũng có thể ở bậc thềm, trên đèn. Các cụ rất tế nhị, bao giờ nghê cũng cân đối với các yếu tố khác. Một thẩm mỹ hài hòa. Nghê của các cụ đơn giản, gần gũi, dọa ma nhưng thân thiện với người. Thế mới có câu “cười như nghê”. Còn ngày nay, những linh vật to khủng nằm trong sự tha hóa về văn hóa chung. Người ta muốn linh vật ngày càng to hơn, càng dữ hơn nên mới nhặt “sư tử lạ” về. Nó cho thấy gần đây văn hóa của chúng ta cứ thực dụng dần lên. Thành ra những con sư tử đó cứ to chình ình lên và trắng phớ ra, đe dọa, chả ăn nhập gì với kiến trúc cả. Nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai Tập hợp hình ảnh linh vật qua các thời kỳ Chúng tôi đang tập hợp một loạt hình ảnh của các linh vật qua các thời kỳ rồi gửi tới các Sở VH-TT-DL. Chúng tôi cũng đề nghị họ chuyển tư liệu đó xuống các đơn vị sản xuất và người dân để họ biết và có thể thì có mẫu làm theo. Ông Vi Kiến Thành, Góp phần chống “xâm lăng văn hóa” Sau khi đọc Báo Thanh Niên, tôi nghĩ đến việc cần phải góp phần nhỏ bé trong cuộc đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa”. Mình phê bình là đúng rồi nhưng phải góp mỗi người một tay, tham gia xây dựng. NXB Trẻ hy vọng được cùng các tác giả, họa sĩ làm một bộ sách tạm gọi là “linh vật Việt - truyền thuyết và ý nghĩa”. Nếu duyên phận đầy đủ thì Tết có thể ra và phục vụ cho độc giả. Ông Nguyễn Minh Nhựt, |
Trinh Nguyễn
>> Săn “linh vật” cầu may!
>> Nơi những linh vật Chăm tỏa sáng
>> Xôn xao "Bản sắc Việt Nam
>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả
>> Chuyện lạ ở Ngân hàng BIDV: Huy động tiền tỉ mua “linh vật”
Bình luận