Tự tạo cơ hội - Kỳ 49: Làm giàu bằng nghề chiếu cói

19/08/2014 03:05 GMT+7

Từ nhỏ đã làm quen với nghề chiếu cói, nên khi lớn lên chị Nguyễn Thị Kim Phương (32 tuổi, ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư, H.Tuy An, Phú Yên) quyết chí làm giàu bằng chính nghề “cha truyền con nối” ngay trên làng quê mình.

 Làm giàu bằng nghề chiếu cói
Chị Phương hướng dẫn công nhân kỹ thuật sử dụng máy đan chiếu cói - Ảnh: Đ.Huy

 >> Tự tạo cơ hội - Kỳ 48: Nuôi cấy đông trùng hạ thảo
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 47: 'Kỹ sư làng' chế hàng loạt máy

Lâu nay, nghề chiếu cói chủ yếu là làm thủ công năng suất thấp, chỉ tận dụng công lao động nhàn rỗi nên nghề này ở một vài làng quê đã mai một. Điều này khiến chị Phương càng trăn trở hơn. “Vì sao mình không làm giàu bằng chính nghề này”, chị Phương tự hỏi. Hồi mới 7 tuổi, cha mẹ chị đã giao 2 chị em chị mỗi ngày phải đan 6 chiếc chiếu. “Làm xong, chị em tui gánh đi bán. Đi nhiều, biết nhiều nên tui nghĩ nếu kinh doanh mở rộng nghề này cũng làm giàu được, vì nguồn nguyên liệu ở đây dồi dào, nhân công nhàn rỗi lớn và giải quyết lao động trong gia đình”, chị Phương chia sẻ.

 

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Thị Kim Phương ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư, H.Tuy An (Phú Yên). Số điện thoại: 0985185152.

Năm 2008, được vay nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân, cùng với số tiền tích cóp trong gia đình, chị Phương mạnh dạn đầu tư mua 2 máy đan chiếu cói. Chị Phương kể: “Hồi đó, để có 300 triệu đồng đầu tư nhà xưởng, máy móc đâu phải dễ. Thuyết phục mãi, anh em trong gia đình mới chịu góp nhau cùng làm. Đến bây giờ gia đình tui đã mở rộng quy mô sản xuất hơn 15 máy đan”.

Chị Phương cho biết hiện cơ sở của chị sử dụng hơn 30 lao động đều là người dân địa phương, với mức thu thập hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng. “Tui cũng là phụ nữ nên hiểu được cái khó của phụ nữ khi đi làm thuê phương xa. Nhiều chị em phải xa con nên không có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc tui đầu tư mở cơ sở đan chiếu cói”, chị Phương bộc bạch.

Với máy móc hỗ trợ, mỗi công nhân sản xuất hơn 15 chiếc/ngày. Trừ hết chi phí, mỗi chiếc chiếu chị Phương lãi 7.000 - 8.000 đồng. Với năng suất đó, mỗi tháng cơ sở chị Phương lãi hơn 47 triệu đồng. Hiện sản phẩm của cơ sở chị Phương tiêu thụ khắp thị trường miền Trung như: Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Chị Phương cho biết: “Tui sản xuất ra bao nhiêu thì khách hàng gom hết đến đó. Hiện thị trường tiêu thụ chiếu cói rất cao”.

Hiện chị Phương rất muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị để sản xuất chiếu cói quy mô công nghiệp. “Tui muốn vậy, nhưng hiện thiếu vốn để đầu tư mở rộng. Nếu được sự hỗ trợ vốn, tui sẽ mạnh dạn mở rộng sản xuất theo quy mô công nghiệp”, chị Phương trần tình.

Đức Huy

 >> Mai một nghề đan chiếu cói
>> Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.