Bản sắc Việt: Gia đình hóa chuyện xưng hô

28/08/2014 02:15 GMT+7

“Đại từ xưng hô của chúng ta nhiều và phức tạp, song mang tính chất gia đình”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhận xét.

“Đại từ xưng hô của chúng ta nhiều và phức tạp, song mang tính chất gia đình”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhận xét.

>> Bản sắc Việt: Chỉ có một giọng Việt
>> Bản sắc Việt - Đức Thánh Trần huyền thoại hóa lịch sử
>> Bản sắc Việt - Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Yêu cầu công sở bỏ hiện vật lạ

 Người dân VN gọi Chủ tịch nước là Bác Hồ, cách xưng hô mang nguyên lý tín ngưỡng Hùng Vương - đất nước là gia đình lớn - Ảnh: T.L
Người dân VN gọi Chủ tịch nước là Bác Hồ, cách xưng hô mang nguyên lý tín ngưỡng
Hùng Vương - đất nước là gia đình lớn - Ảnh: T.L

Đại từ xưng hô đa dạng, phức tạp

Ông Phạm Thành Vinh (Đại học Đà Nẵng) bắt đầu bài nghiên cứu Từ xưng hô trong dịch thuật của mình bằng những câu thoại của tác phẩm Jane Eyre.

Đó là đoạn dịch đối thoại giữa người đàn ông khó hiểu Rochester và cô gái trong sáng Jane. Rochester nói: “Tôi yêu em! Em, một người con gái nhỏ bé, nghèo và giản dị, tôi muốn hỏi cưới em!”. Đáp lại là lời cô giáo trẻ: “Ông muốn cưới em? Nhưng em không có bạn  bè, không có tiền bạc và cũng không có gia đình”. Những ông, em, tôi... đó trong bản gốc chỉ là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai của tiếng Anh: I và you.

 

Độc lập dân tộc là vấn đề nhiều quốc gia từng phải đối mặt. Song, chuyển hóa nó thành một biểu tượng cội nguồn như chúng ta là điều độc đáo. Các dân tộc khác có cách làm khác, chứ không như mình, gia đình hóa vấn đề quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc đã được đưa vào phạm trù gia đình, tổ tiên

GS Ngô Đức Thịnh,
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Một nhà ngôn ngữ, ông Nguyễn Văn Chiến, còn cho rằng: “Nếu coi tiếng Việt là ngôn ngữ đích để chuyển dịch các ngôn ngữ khác qua nó thì lớp từ xưng hô của tiếng Việt là một hiện tượng gây ra nhiều chuyện rắc rối”. Rõ ràng, chúng ta thấy, hệ thống xưng hô của tiếng Việt rất đa dạng. Từ một đại từ nhân xưng tiếng nước ngoài, tùy hoàn cảnh, ta có thể quy đổi ra nhiều từ khác nhau.

“Hệ thống quy tắc xưng hô, đại từ để xưng hô của chúng ta thực sự đa dạng, phức tạp. Điều này, chúng ta khá tương đồng Trung Quốc. Chúng ta cùng chịu những ảnh hưởng của Nho giáo, của khái niệm “lễ”. Lễ luôn đề cao vị trí của vai vế. Vai vế rất nhiều. Mà vế nào phải ra vế đấy. Cô, dì, chú, bác đều phải có tên gọi hết, đều phải có vai vế hết. Cái đó là do đặc tính của mối quan hệ Nho giáo”, TS Trần Trọng Dương (Viện Hán - Nôm) nói.

Nâng bậc, hạ cấp

Theo giảng viên Phan Hồng Liên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trong xưng hô, để tỏ sự tôn trọng, người VN thường hô nâng bậc. Chẳng hạn, đáng gọi là ông nhưng lại gọi là cụ. Không phải người sinh trước vẫn gọi là anh. Hoặc đang còn trẻ vẫn gọi là ông. Đấy đều là cách xưng hô nâng bậc. “Cha mẹ học sinh gọi giáo viên của con mình là cô, tức là đã đứng ở ngôi con mình mà xưng hô. Cũng như vậy, khi ta gọi một thanh niên nào đó là chú có nghĩa là ta đã đứng ở ngôi con mình mà hô. Anh ta đối với con mình là chú, còn đối với mình, anh ta có thể chỉ là em. Đây là cách hô thay ngôi để tỏ sự kính trọng”, bà Liên viết.

Cũng theo bà Liên, để tỏ thái độ coi thường, khinh bỉ, người VN dùng lối hô hạ bậc. Chẳng hạn, đáng hô là ông mà lại hạ xuống anh. “Khinh bỉ nhất là hô bằng thằng hay con, thằng cha, con mẹ, con mụ. Nhưng để tỏ tình cảm thật thân tình, để chỉ quan hệ đến mức suồng sã, người Việt lại dùng lối xưng hô tỏ thái độ khinh bỉ coi thường. Mày tao chi tớ, thằng nọ, thằng kia là cách bạn bè cùng trang lứa xưng hô với nhau”, bà Liên phân tích.

Một quy tắc xưng hô khác của người Việt là ước lệ - dựa vào hoàn cảnh mà xưng hô. Bà Liên dẫn ví dụ trong một chương trình truyền hình làm dẫn chứng. Chương trình ấy mời cùng lúc cả NSND Thanh Hoa và con gái của bà là nhà thơ Phan Huyền Thư. Tại đó, người dẫn chương trình đã gọi cả hai là chị. “Phải chăng do Thanh Hoa là NSND nhưng chưa già đến mức phải gọi bằng bà, còn Huyền Thư tuy còn trẻ nhưng đã lại có một tư cách xã hội nhất định? Theo chúng tôi, nên chuyển thành gọi bằng xưng hô chức danh như NSND, nhà thơ”, bà Liên bày tỏ.

Tạo dựng kết cấu dân tộc như một gia đình

Tuy như TS Dương nói, sự đa dạng của đại từ xưng hô khá giống TQ, nhưng chúng ta lại có cách sử dụng đại từ quan hệ khá khác nhau. “Nếu như TQ có xu hướng xã hội hóa quan hệ gia đình thì ở VN chúng ta lại gia đình hóa quan hệ xã hội, quan hệ công sở”, GS Ngô Đức Thịnh nói. Theo ông, trong khi chúng ta gọi cô, chú trong công sở thì người TQ lại gọi người trong gia đình bằng chức danh. Chẳng hạn người vợ TQ gọi chồng là tướng quân, tướng công. Đấy chính là biểu hiện của việc xã hội hóa quan hệ gia đình.

GS Thịnh cho rằng, việc chúng ta sử dụng hệ xưng hô cô, chú, bác, anh, chị, cháu, em tại công sở có nguồn gốc từ việc chúng ta luôn có ý thức tạo dựng kết cấu dân tộc như một gia đình. Khi đất nước chúng ta thoát khỏi phong kiến Trung Hoa, từ thời Lý - Trần, đặc biệt từ thời Lê về sau, tiền nhân ý thức rất rõ việc phải xây dựng kết cấu dân tộc để tạo sức mạnh. Vì thế, cha ông đã sáng tạo ra ngọc phả Hùng Vương, theo đó cả đất nước là một gia đình lớn. “Độc lập dân tộc là vấn đề nhiều quốc gia từng phải đối mặt. Song, chuyển hóa nó thành một biểu tượng cội nguồn như chúng ta là điều độc đáo. Các dân tộc khác có cách làm khác, chứ không như mình, gia đình hóa vấn đề quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc đã được đưa vào phạm trù gia đình, tổ tiên”, GS Thịnh đúc kết.

Sau này, theo GS Thịnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người áp dụng rất giỏi nguyên lý văn hóa xưng hô này vào đời sống. “Chỉ có người VN mới gọi chủ tịch nước là Bác - Bác Hồ.  Chủ tịch nước gọi nhân dân là các cháu, xưng bác. Rất gần gũi. Với cách xưng hô này, chúng ta đã và tiếp tục coi đất nước như một gia đình lớn”, GS Thịnh nhận định.

Trinh Nguyễn

>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả
>> Bản sắc Việt Nam tại triển lãm lớn nhất thế giới
>> Kiều bào kiến nghị đẩy mạnh hỗ trợ giữ gìn bản sắc Việt
>> Bản sắc Việt - Nghê: tính bản địa của tâm hồn Việt
>> Bản sắc Việt: Lý Thái Tổ và vị thần hộ quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.