Ước tính mỗi ngày lượng tiền tham gia đánh bạc theo hình thức cá độ qua mạng tại Việt Nam là hàng chục triệu USD. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị sơ kết cao điểm phòng chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng internet, do Bộ Công an tổ chức hôm 22.8 mới đây.
>> Bắt người trái phép để đòi nợ cá độ bóng đá
>> Triệt phá đường dây cá độ bóng đá quy mô lớn
>> Cá độ bóng đá thua gần 6 tỉ đồng, lãnh thêm án tù
>> Cá độ bóng đá chuyển hướng về nông thôn
>> Triệt phá đường dây cá độ bóng đá quy mô lớn
Cũng tại hội nghị trên, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho rằng, chưa bao giờ việc đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet lại dễ dàng, thuận lợi như bây giờ. Với con bạc, họ có thể cá độ vào mọi thời điểm, nhiều lần trong ngày và số tiền đánh bạc không giới hạn.
Theo số liệu trên thì mỗi năm người Việt đã đổ một khoản tiền hàng tỉ đô la (cũng có cách tính khác thì phải là 1,5 đến 2 tỉ) ra nước ngoài. Thật đau xót!
Mặc dù trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này, lực lượng công an đã rất tích cực triệt phá, không ít vụ án lớn đã được đưa ra ánh sáng và nghiêm trị. Song, cũng còn rất nhiều vụ việc khác, chúng ta vẫn bất lực.
Ở nhiều nước trên thế giới, do không thể cấm nổi, người ta chấp nhận cho cá độ hợp pháp. Có một hồi, chúng ta cũng đã tổ chức hội thảo để tính chuyện kiến nghị sửa đổi luật, cho phép tổ chức cá cược trong thể thao, đặc biệt là môn bóng đá, sau là môn đua chó, đua ngựa…
Bản thân tôi, khi còn tham gia BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khoá 4, tôi cũng đã có dịp được nghe những chuyên gia về lĩnh vực cá cược thể thao của Singapore sang thuyết trình ý tưởng này cả ngày trời (khoảng năm 2001-2002).
|
Một cán bộ của Singapore Pools (Công ty cá cược thể thao thuộc Bộ Tài chính Singapore) cho biết, nhờ tổ chức tốt loại hình này mà lợi nhuận thu được từ hoạt động cá cược bóng đá cũng như các loại hình cá cược thể thao khác của Singapore lên tới cả tỉ SGD/năm (đô la Singapore). Số tiền trên đủ để tài trợ cho các giải đấu, các CLB cũng như đầu tư một phần cho các môn thể thao đỉnh cao khác. Chả vậy mà một đất nước chỉ hơn năm triệu dân mà họ có nền bóng đá mạnh hơn cả chúng ta (tính theo bảng xếp hạn của FIFA).
Với chúng ta, do dân trí còn mức độ, sự tuân thủ luật pháp lại chưa nghiêm và dễ có khả năng thao túng cầu thủ trong nước nên có lẽ cũng chưa nên cho cá cược bóng đá trong nước như họ. Nhất là luật pháp của chúng ta còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn chỉnh mặc dù nhiều năm qua đã có nhiều cố gắng cho nên nếu cho phép thì chỉ làm đối với bóng đá quốc tế.
Vì thế, việc luật hoá hình thức đặt cược là rất cần thiết, tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến cơ chế giám sát hoạt động này làm sao đó để có thể ngăn chặn hoạt động đặt cược mà không trở thành nạn cờ bạc và tránh xảy ra tình trạng bán độ (nếu tính cả phương án cá cược bóng đá trong nước).
Trở lại thời điểm tháng 8.2013, khi dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế được đưa ra lấy ý kiến của Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về tính khả thi.
Như vậy là từ chỗ chúng ta đưa ra bàn, tổ chức hội thảo đến đi thực tế. Từ lúc không đồng tình tới khi được Bộ Tài chính ủng hộ nhưng Thường vụ Quốc hội lại vẫn chưa "xuôi", đến nay đã 14 năm. Nếu nhân với nguồn thu bị bỏ lỡ cỡ 1 tỉ đô/năm thôi, ta cũng bị mất một khoản kha khá. Với số tiền lẽ ra có thể thu được sớm kia, có thể đã có cả chục bệnh viện đầu ngành ra đời nhờ nguồn thu đó, chí ít cũng hạn chế được cảnh 1 giường chen chúc 3 - 4 bệnh nhân mà nhiều người đã chứng kiến.
Ở câu chuyện này, tôi không phải là người cổ suý cho người cá cược. Nhưng nếu chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn: Hoặc là cả tỉ đô la mỗi năm thu được kia dùng cho phúc lợi xã hội như dùng trợ cấp cho trại dưỡng lão, người không nương tựa, trại trẻ mồ côi, trẻ nhiễm HIV, trợ cấp thiên tai... Hoặc là vẫn không thu được đồng thuế nào nhưng cũng vẫn không ngăn chặn được tệ nạn, lại phải duy trì một lực lượng hùng hậu theo dõi, ngăn chặn, phá án? Trong 2 cách xấu, tôi cho là nên chọn cách ít xấu nhất có lẽ vẫn còn hơn!
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.
Bình luận (0)