Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ trước thời điểm quyết định

18/09/2014 16:57 GMT+7

(TNO) Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ sẽ bước vào giai đoạn quyết định khi tàu thăm dò của nước này dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ trong tuần tới.

(TNO) Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ sẽ bước vào giai đoạn quyết định khi tàu thăm dò của nước này dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ trong tuần tới, một cột mốc cực kỳ quan trọng để giúp đất nước Nam Á bằng chương trình không gian chi phí thấp vẫn có thể gia nhập nhóm dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu, theo Reuters ngày 18.9.


Tàu Mars Orbiter Mission được tên lửa đẩy PSLV-C25 đưa vào không gian hôm 5.11.2013 từ Trung tâm vũ trụ Sriharikota ở vịnh Bengal (Ấn Độ) - Ảnh: AFP

Chương trình khám phá sao Hỏa trị giá chỉ 74 triệu USD của Ấn Độ thành công sẽ củng cố thêm quyết tâm của Thủ tướng Narendra Modi nhằm xây dựng các thiết bị phóng vũ trụ mới có thể đưa vào không gian những loại vệ tinh nặng hơn, giúp Ấn Độ trở nên mạnh mẽ hơn trong thị trường công nghệ không gian.

Rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Sriharikota ở vịnh Bengal vào chiều 5.11.2013, tàu Mars Orbiter Mission, hay còn gọi là Mangalyaan, bay đến sao Hỏa với sứ mệnh nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.

Nếu tàu Mars Orbiter Mission đi vào được quỹ đạo hành tinh đỏ dự kiến vào ngày 24.9 tới, thì Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa ngay lần phóng tàu đầu tiên. Trong khi châu u, Mỹ, Nga đã đưa được tàu vũ trụ bay đến quỹ đạo và cả đáp lên bề mặt hành tinh đỏ nhưng phải sau vài lần thất bại.

Ngoài ra, nếu thành công, tàu Mars Orbiter Mission cũng sẽ giúp cho ngành công nghiệp vũ trụ Ấn Độ vượt mặt Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia lần lượt thất bại trong tham vọng đưa tàu đến sao Hỏa vào năm 2011 và 2003.

Trả lời Reuters, V. Koteswara Rao, thư ký khoa học của Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết mức độ tin tưởng thành công là cao, và "tất cả các hoạt động được thực hiện cho đến nay đều thành công, cũng như tất cả các thông số đo được nằm ở mức bình thường".


Nếu tàu Mars Orbiter Mission đi vào được quỹ đạo hành tinh đỏ dự kiến vào ngày 24.9 tới, thì Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa ngay lần phóng tàu đầu tiên - Ảnh: AFP

ISRO đã thực hiện các lệnh điều khiển gửi tới tàu Mars Orbiter Mission, nặng 1.350 kg, để giúp nó thâm nhập tự động vào quỹ đạo sao Hỏa diễn ra vào sáng 24.9.

Trước đó hai ngày, vào ngày 22.9, các nhà khoa học của ISRO sẽ chạy thử nghiệm trong bốn giây một động cơ chính của tàu Mars Orbiter Mission đã được "ngủ yên" trong khoảng 300 ngày qua.

Theo các chuyên gia thì bước khó nhất của việc tàu Mars Orbiter Mission đi vào quỹ đạo sao Hỏa là điều khiển từ xa giúp nó giảm tốc độ từ mức hiện tại là 22 km một giây và điều chỉnh bay theo đường bay cong.

Nếu động cơ chính không thể tái khởi động, ISRO cũng đã một kế hoạch dự phòng là sử dụng tám động cơ đẩy loại nhỏ để đưa con tàu bay vào quỹ đạo.

Được biết, vào năm 2008, Ấn Độ đã phóng thành công tàu Chandrayaan-1 lên quỹ đạo mặt trăng và sau đó thông báo phát hiện có sự tồn tại của nước trên "chị Hằng". Sự kiện này được New Delhi xem là niềm tự hào quốc gia.

Tiến Dũng

>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ lên quỹ đạo 100.000 km
>> Tàu thăm dò của Ấn Độ bắt đầu tiến đến sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ gặp sự cố
>> Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ cất cánh
>> NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
>> Ấn Độ 'lên tinh thần' cho sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa
>> Ấn Độ dời ngày phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
>> Ấn Độ sắp phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Đất bề mặt sao Hỏa có chứa nước
>> Dần tắt hy vọng tìm thấy sự sống trên sao Hỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.