Tàu Maven của NASA bay vào quỹ đạo sao Hỏa

22/09/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Tàu vũ trụ Maven của NASA vào hôm nay 22.9 đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa, bắt đầu cho sứ mệnh nghiên cứu về sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.

(TNO) Tàu vũ trụ Maven của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào hôm nay 22.9 đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa, bắt đầu cho sứ mệnh nghiên cứu về sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.


Tàu Maven đã bay vào quỹ đạo sao Hỏa thành công - Ảnh: NASA

Theo thông tin trên trang web của NASA thì tàu Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa, đã thâm nhập vào khí quyển sao Hỏa lúc 9 giờ 24 phút sáng 22.9 (giờ Việt Nam).

Tàu cũng chỉ tập trung nghiên cứu ở thượng tầng khí quyển hành tinh đỏ, nơi chưa từng được khám phá trước đây, mà không nhắm vào bề mặt khô khan của sao Hỏa.

Trước đó, tàu Maven được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Atlas V 401 từ Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ) vào ngày 18.11.2013. Sau hơn 10 tháng chu du trong không gian, tàu đã đi hết đoạn đường 711 triệu km để có thể thâm nhập vào quỹ đạo sao Hỏa.

Theo hãng tin AFP, tàu Maven được thiết kế để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra đối với carbon dioxide trong không khí và nước trên bề mặt sao Hỏa để giải thích vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian, để trở thành một nơi khô cằn không thể phát triển sự sống.

Kết quả nghiên cứu của Maven được kỳ vọng sẽ giúp mở đường cho các chuyến viếng thăm của con người đến hành tinh đỏ trong tương lai, có thể sớm nhất là vào năm 2030.

Sau khi bay quanh sao Hỏa, tàu Maven sẽ bước vào giai đoạn kéo dài sáu tuần cho các cuộc kiểm tra trước khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khí hậu hành tinh đỏ của mình.

"Maven sẽ bắt đầu cho nhiệm vụ chính kéo dài một năm để lấy các thông số về thành phần cấu tạo, kết cấu và sự thoát khí ở thượng tầng khí quyển sao Hỏa, cũng như sự tương tác của chúng với gió mặt trời và ánh sáng mặt trời", NASA trước đó cho hay.

Trong một năm thực hiện nhiệm vụ này, tàu Maven trị giá 671 triệu USD sẽ bay quanh hành tinh đỏ ở độ cao 6.000 km và nó sẽ có năm lần hạ xuống thấp với khoảng cách chỉ 125 km so với bề mặt sao Hỏa, để có thể nghiên cứu bầu khí quyển ở những vị trí khác nhau.


Tàu Mars Orbiter Mission của Ấn Độ dự kiến sẽ bay đến sao Hỏa vào ngày 24.9 - Ảnh: AFP

Được biết, NASA là cơ quan vũ trụ thành công nhất trên thế giới trong sứ mệnh gửi tàu thăm dò và xe tự hành đến khám phá sao Hỏa, trong đó có các sứ mệnh như Viking 1 và 2 năm 1975, Mars Reconnaissance Orbiter năm 2005. Xe tự hành mới nhất của NASA là Curiosity hiện làm việc trên bề mặt hành tinh đỏ với các mũi khoan thẳng vào đá.

Trong khi đó, vào ngày 24.9, sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ với tàu Mars Orbiter Mission, hay còn gọi là Mangalyaan, dự kiến cũng đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ.

Nếu thành công, con tàu giá rẻ trị giá chỉ 74 triệu USD này sẽ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa ngay lần phóng tàu đầu tiên. Trong khi châu u, Mỹ, Nga đã đưa được tàu vũ trụ bay đến quỹ đạo và cả đáp lên bề mặt hành tinh đỏ nhưng phải sau vài lần thất bại.

Tàu Mars Orbiter Mission có sứ mệnh nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.

Tiến Dũng

>> Tàu vũ trụ của NASA sắp vào quỹ đạo sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ trước thời điểm quyết định
>> Tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa của NASA cất cánh
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của NASA sắp cất cánh
>> NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ lên quỹ đạo 100.000 km

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.