Tại hội thảo “Thị trường EU, cơ hội và thách thức mới” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức hôm qua (24.9) tại Hà Nội, bà Malis Labayle, Giám đốc Trung tâm chính sách phát triển của Phòng Công nghiệp và Thương mại châu u tại VN (EuroCham), cho biết VN và EU đang tiến tới giai đoạn đàm phán cuối cùng và dự kiến hai bên sẽ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào cuối năm nay.
“Nếu Hiệp định FTA được ký kết, từ đầu năm sau, thuế suất của 90 mặt hàng xuất khẩu vào EU sẽ được hạ xuống mức thấp nhất (0%) và chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của VN sẽ tăng tới 30 - 40% ngay trong năm 2015”, bà Malis Labayle nói.
Theo bà Malis Labayle, trên thực tế, xuất khẩu của VN sang EU đang tăng rất mạnh trong 2 năm qua, đạt mức trung bình 28%/năm. Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của VN vào EU đã đạt 21,3 tỉ euro trong khi VN nhập khẩu từ EU chỉ 5,8 tỉ euro. “Trong những năm tới, xuất khẩu của VN vào EU sẽ còn gia tăng rất mạnh và VN có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn một số nước Đông Nam Á nhờ có FTA này. Và từ thời điểm năm sau trở đi, vấn đề về giá cả, thuế không còn quan trọng nữa mà làm sao các doanh nghiệp VN phải đáp ứng các vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm của EU”, bà Malis Labayle lưu ý.
Cũng theo bà Malis Labayle, EU là một thị trường chung gồm 28 nước, có quy mô rất lớn với 500 triệu người tiêu dùng, mặc dù mỗi nước có đặc điểm, nhu cầu khác nhau nhưng đều tuân thủ rất cao bộ quy tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nguồn gốc sản phẩm... Do đó, các doanh nghiệp VN phải rất chú ý để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Theo các chuyên gia của Cục Xúc tiến thương mại, cánh cửa thị trường EU sẽ khá rộng mở sau khi FTA được ký kết nên các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. EU hiện nhập nhiều nhất các mặt hàng: dệt may, da giày, cà phê, trái cây, hạt điều, thủy hải sản…
Hà Nguyễn
>> Nỗ lực kết thúc đàm phán FTA VN - EU trước tháng 10.2014
>> Tăng cường hợp tác nhiều mặt Việt Nam - EU
>> EU tăng tài trợ ODA thêm 30% cho VN trong 5 năm tới
>> EU muốn có hiệp ước thương mại tự do với Việt Nam
Bình luận (0)