|
Vào năm 2006, KHI phòng trào trồng ca cao đang nở rộ, ông Đoàn Văn Le (ngụ xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) cũng theo mọi người mua giống về trồng xen canh dưới ba mẫu điều nằm ở H.Định Quán (Đồng Nai),
Qua năm sau, trong một lần đi khảo sát tình hình trồng ca cao của bà con Đồng Nai, Tiến sỹ Phạm Hồng Đức Phước (giảng viên trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một chuyên gia đầu ngành về cây ca cao) đã ghé thăm vườn của ông Le, khi thấy hàng tràm ở mé vườn có nhiều kiến vàng sinh sống, Tiến sỹ Phước đã gợi ý cho ông Le thử nuôi loài kiến này, vì có nó cây sẽ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. “Rồi tiến sỹ chỉ cho tôi cách dụ đàn kiến về vườn mình sống như thế nào, cho ăn cái gì và nuôi ra sao để chúng không chết và bỏ đi. Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi quyết định làm theo. Nhiều người dân khi đó biết được đã cười nhạo, bảo làm việc khác người và “khùng khùng” nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai.” Ông Le nhớ lại.
Tuy nhiên, năm đầu tiên do chưa quen cách làm mới lạ, trong khi thuốc BVTV lại không xịt nên năng suất giảm. Đến năm thứ hai khi kiến về ở nhiều thì hiệu quả bắt đầu thấy. Vườn ca cao xen cây điều của ông Le cho năng suất cao hơn các vườn xung quanh, trong khi lại hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc. Từ đây ông mới an tâm và thầm cảm ơn lời mách bảo của Tiến sỹ Phước. Thành công với mô hình nuôi kiến trên mảnh đất này, năm 2010, khi chuyển đổi cây trồng từ quýt sang ca cao trên mảnh vườn 1,2 ha ở Trảng Bom, ông Le đã mạnh dạn áp dụng phương pháp trị trị sâu bệnh này.
|
Dẫn phóng viên đi tham quan mảnh vườn ở Trảng Bom, ông Le hồ hởi khoe các cây ca cao trái nằm trĩu cảnh. Ông còn dám nói: “Chú đi khắp cả Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu không có vườn ca cao nào mà trái nhiều như của tui.”
Ông cho biết, loại kiến mà ông nuôi là kiến vàng, loại mà những người nuôi chim cảnh thường đi bắt lấy con non về làm thức ăn cho chim. Để nuôi được nó trước hết ông giăng dây ,đó vào vườn cây nhà mình để kiến theo đường dây tìm vào, và giăng dây từ cây này sang cây kia để kiến di chuyển. Lá cây trong vườn rụng xuống cứ để vậy cho mối mọt và các loại côn trùng khác sinh sôi nảy nở, vừa làm tơi xốp đất vừa tạo nguồn thức ăn cho kiến tìm đến. Ngoài ra theo ông thì còn phải bắt nhưng con động vật như ếch, nhái… rồi mua lòng heo, lòng gà về cho nó ăn. Đặc biệt không được phun bất cứ loài thuốc BVTV nào, nếu không kiến sẽ chết hoặc nghe mùi bỏ đi.
Theo tính toán, nhờ nuôi kiến mà mỗi năm ông bớt được khoảng 10 triệu đồng chi phí tiền thuốc trị sâu bệnh cho mảnh vườn này, ngoài ra sản phảm trái cây của ông đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, không có bất kỳ loại hóa chất nào. Năm ngoái, ông thu được hơn 5 tấn trái ca cao tươi, cộng với nguồn lợi từ chôm chôm trồng xen kẽ, ông thu được hơn 100 triệu đồng. Năm nay, dự kiến sản lượng ca cao của ông sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
|
Có rất nhiều người, nhiều đoàn từ các địa phương khác tới tìm hiểu, tham quan mô hình của ông Le, nhưng theo ông thì chưa có ai dám học theo vì sợ thất mùa.
Ông Nguyễn Viết Thê, Trạm trưởng Trạm khuyến nông H,Trảng Bom cho biết ông đã xuống tận vườn tìm hiểu phương pháp nuôi kiến vàng để trị sâu bệnh của ông Đoàn Văn Le và nhận thấy cách làm này rất hay và hiệu quả. “Trong các chương trình tập huấn sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu phương pháp này và khuyến khích bà con cùng làm theo”, ông Thê nói.
Theo Tiến sỹ Phạm Hồng Đức Phước, con vật gây hại số một hiện nay đối với cây ca cao tại VN là bọ xít mũi. Phòng trừ được nó thì người trồng ca cao có thể yên tâm. Có hai loại kiến diệt được bọ xít mũi là kiến vàng và kiến đen. Kiến vàng thì cắn và ăn luôn con bọ xít mũi, còn kiến đen thì cái mùi nước tiểu của nó sẽ xua đuổi bọ xít và muỗi. |
Bài, ảnh: Lê Lâm
>> Nuôi kiến, thú chơi mới của giới trẻ
>> Ký sự Organic - Kỳ 11: Nói leo qua 'lợi ích nhóm
>> Ký sự Organic - Kỳ 10: Tưởng nhớ món mì Quảng
>> Ký sự Organic - Kỳ 9: Con đỉa và cây cỏ lào
>> Ký sự Organic - Kỳ 8: Bệnh tật từ đâu tới ?
>> Ký sự Organic - Kỳ 7: Nỗi ám ảnh GMO và chất độc da cam
>> Ký sự Organic - Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ?
>> Ký sự Organic - Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…
>> Ký sự Organic - Kỳ 4: Lớp học heo gà
>> Ký sự Organic - Kỳ 3: Mặc kệ nó
>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên
Bình luận (0)