Ký sự Organic - Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ?

04/10/2014 08:30 GMT+7

(TNO) Nếu bạn không kiêu ngạo với thiên nhiên, bạn sẽ thấy cây cỏ và những con vật dạy cho bạn nhiều hơn những gì bạn học trong trường lớp hay sách vở. Đầu tiên là những con chó.

Ký sự Organic - Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ? 

>> Ký sự Organic - Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…
>> Ký sự Organic - Kỳ 4: Lớp học heo gà
>> Ký sự Organic - Kỳ 3: Mặc kệ nó
>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên

Nhà văn Nga Anton Chekhov bảo rằng các nhà văn phải như những con chó, dù chó to hay chó bé, nhưng mỗi con đều sủa tiếng riêng của mình. “Lời dạy” đó của ông Chekhov đối với nhà văn ngày nay vẫn hữu ích đối với giới trí thức nói chung, nhất là khi giới này ngày càng dễ tề tựu thành những đám đông mất bản sắc, viết, nói, hô hào, “phản biện” cùng một giọng. Nhưng bài này tôi không nói đến đạo lý đó, vì sẽ lạc đề, dù nó vẫn nằm trong bài học tổng thể mà tôi học từ những con chó của tôi. Ở đây chỉ nói về tự nhiên.

Hai con chó Phú Quốc đầu tiên của chúng tôi sống ở thành phố. Ban đầu tôi tắm cho chúng 2 ngày 1 lần, bằng xà phòng xịn dành riêng cho chó hẳn hoi, nhưng chúng hôi òm, sờ vào chúng mà không rửa tay thì cả ngày chưa hết hôi. Có lúc bận, 1 tuần tôi mới tắm cho chúng, điều lạ là mùi hôi giảm hẳn. Sau đó 15 ngày tôi mới tắm chúng 1 lần, chỉ còn hôi sơ sơ. Khi đưa chúng lên cái vườn này, tôi không tắm chúng nữa, chúng tha hồ chạy nhảy bơi lội, mùi hôi hết hẳn. Tôi không biết chó tây như thế nào, vì tôi chưa nuôi, nhưng đối với chó ta có thể thấy càng tắm càng hôi.

Có người nói chó là con vật không có tuyến mồ hôi, da của nó phủ một lớp màng nhầy rất mỏng bảo vệ, nên chó không thích tắm, khi tắm bằng xà phòng lớp bảo vệ này bị tổn thương, nên cơ thể chó tự tiết ra một chất đề kháng, chính chất đó gây hôi. Nghe rất có lý, nhưng con trâu cũng không có tuyến mồ hôi, mà trâu thì lại thích dầm mình trong nước, trời nắng nóng mà không dầm trong nước trâu sẽ lồng lộn đi tìm vũng bùn, bởi thế mà trâu chỉ cày được ruộng nước, chỉ bò mới cày ruộng khô. Xin lưu ý thêm, nhiều người bảo chó Phú Quốc thích bơi lội, theo tôi thấy thì không hẳn đúng, vì có con thích có con không, thực ra chúng xuống nước để bơi không phải thích, mà để đuổi bắt con gì đó như cá hay ếch nhái, chúng bơi giỏi là do sống trên đảo thường phải săn mồi dưới nước. Con chó làm gì cũng có mục đích, ít khi thích khơi khơi theo thời thượng như con người.

Dù vậy thỉnh thoảng tôi phải tắm cho chó, đó là lúc chúng lăn vào phân bò hoặc phân heo, nhưng không tắm bằng xà phòng. Những con chó của tôi lâu lâu lại lăn vào phân gia súc, khi lăn chúng tỏ ra thích thú như con gà tắm cát, tôi chịu không biết chúng lăn vào phân để làm gì, cũng chưa thấy sách vở tài liệu nào giải thích. Tất nhiên con chó có cái lý của nó, nó không nói ra được, nên chúng ta cần tìm hiểu để “học hỏi”. Tìm hiểu thì thấy ở Ấn Độ người ta dùng nước tiểu và phân bò để chữa bệnh, nước tiểu bò thì chữa từ bệnh cao huyết áp, đau dạ dày đến ung thư, còn phân bò thì làm lành vết thương. Dân gian ta cũng thường đem phân bò bôi vào vết thương của chính con bò. Còn phân heo thì, theo các sách thuốc cổ về Đông y, là vị thuốc có tác dụng chống độc và khử uế môi trường, ngày xưa dân gian thường lấy phân heo phơi khô treo giàn bếp, khi ngộ độc nấm đốt lên hòa nước uống là khỏi. Phân heo nói ở đây là heo nuôi tự nhiên, còn phân heo nuôi công nghiệp thì rất ô uế. Phải chăng những con chó đã sớm biết phân heo phân bò là thuốc, chúng lăn vào người để khử độc cơ thể và bảo vệ da ? Chưa biết chắc được, nhưng rất có thể là như vậy.

Điều tôi “học hỏi” nhiều nhất ở những con chó là khả năng tự chữa bệnh của chúng. Tôi vẫn biết khả năng tự chữa bệnh của chó, nhưng do không tuân thủ những “nguyên tắc” ăn uống của chó mẹ nên lứa đẻ đầu tiên được 4 con, chỉ sống có 1, khi chưa biết ăn. Sau này tôi phát hiện do em trai tôi đã sơ ý cho chó mẹ ăn thức ăn nhiều hành tiêu ớt tỏi của người, chó mẹ ăn vào thì bản thân không sao, nhưng cho con bú thì “dư lượng” của những thứ gia vị đó làm hỏng hệ thống tiêu hóa khiến chó con tiêu chảy mà chết. Đến lứa thứ hai, sinh được 5 con, rút kinh nghiệm giữ không để chó mẹ ăn gia vị nên chó con rất khỏe mạnh, đặt tên Mít, Bưởi, Đậu, Ổi, Na (thằng sống sót lứa đầu tên Chuối, bố mẹ nó trước sống ở thành thị nên có tên hơi “tây” là Bim và Tu-ti).

Được 3 tháng tuổi, không biết chúng ăn nhằm thứ gì mà lần lượt đi tiêu chảy, lần lượt bỏ ăn, nhưng không nằm trong nhà mà khi thì đi lang thang nhấm nháp cây cỏ trong vườn, khi thì nằm trong bụi cỏ, tối mới về ngủ. Một đứa là thằng Mít đi luôn không về, tối mang đèn pin đi rọi khắp vườn không thấy. Hôm sau mới tìm thấy nó nằm dưới mé ao sát dưới bầu. Bế nó về, đút cháo thịt cho ăn kèm với thuốc đông y trị tiêu chảy, tối nó lại ra đúng chỗ đó, lại bế về, được một hôm thì nó chết. Hai đứa tiếp theo tình trạng diễn ra y như vậy, cũng chết. Còn hai đứa là thằng Ổi và con Na, cũng đi tối không về, nhưng lần này tôi mặc kệ, chỉ tìm xem chúng nằm chỗ nào để theo dõi thôi, thấy chúng nằm dưới mé ao, tôi không bế về nữa, cũng chấm dứt không ép thuốc men cơm cháo. Thằng Ổi chỉ không về một đêm, hôm sau về ăn và khỏe luôn. Nhưng con Na đến 4 giờ sáng ngày thứ 3 mới mò về, rất yếu ớt, buổi chiều nó liếm được cháo, ngày tiếp theo bắt đầu ăn, rồi khỏe hẳn.

Con chó bản tính khiêm tốn và không biết nói, không sân si như con người. Nếu nó biết nói và không khiêm tốn, nó sẽ bảo nó coi khinh cái cách chữa bệnh và các thứ thuốc men của tôi. Lẽ ra nó đang tự chữa bệnh, quá trình tự chữa bệnh của nó chưa hoàn thành, tôi lại chặn ngang quá trình đó khiến cho nó phải chết oan.

Bệnh tật là gì ? Theo nguyên lý của nền y học dân tộc ta, bệnh tật là do ăn một thứ gì đó trái với tự nhiên, là do sự tác động bất thường nào đó từ môi trường đến cơ thể khiến cho cơ thể phản ứng tự vệ bằng tiêu chảy, bằng nóng sốt, bằng nổi u nổi sần… Muốn phòng trị bệnh một cách căn bản, phải sống thuận với tự nhiên, nếu nặng thì đồng thời tìm cách khắc phục những nguyên nhân gây ra bệnh và tìm những thứ sẵn có trong thiên nhiên để bù trừ vào những chỗ bị tổn hại bị méo lệch của cơ thể. Những con vật sống trong thiên nhiên tự có khả năng đó, còn con người thì phải học mới biết và phải biết cách học. Cha ông ta đã theo chân những con chó, những con heo và các loài động vật khác để tìm ra cây lá chữa bệnh, gọi là thuốc. Nhưng  cha ông ta chữa bệnh không phải chỉ bằng thuốc, mà còn bằng những nguyên tắc sống thuận với âm dương ngũ hành, đều là những tri thức học từ con chó con heo, từ cây cỏ, từ sự vận hành của đất cát, của nắng mưa mà ra cả. Những kết quả thí nghiệm trong phòng, làm sao có thể thâu tóm hết sự bao la của núi sông trời biển ? (còn tiếp)

Bài, ảnh: Hoàng Hải Vân

 

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.