Ký sự Organic - Kỳ 11: Nói leo qua 'lợi ích nhóm'

10/10/2014 17:35 GMT+7

(TNO) Với những gì chúng tôi đang trải nghiệm, tôi hoàn toàn tin nếu ai quyết tâm thì sẽ làm được những sản phẩm rau quả thịt cá tự nhiên không nhiễm hóa chất . Tuy nhiên, nỗ lực của những người có tâm huyết sẽ chẳng bõ bèn gì so với thực phẩm và đồ dùng nhiễm chất độc từ Trung Quốc tràn lan và ngày một gia tăng trong cả nước.

>> Ký sự Organic - Kỳ 10: Tưởng nhớ món mì Quảng
>> Ký sự Organic - Kỳ 9: Con đỉa và cây cỏ lào
>> Ký sự Organic - Kỳ 8: Bệnh tật từ đâu tới ?
>> Ký sự Organic - Kỳ 7: Nỗi ám ảnh GMO và chất độc da cam
>> Ký sự Organic - Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ?
>> Ký sự Organic - Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…
>> Ký sự Organic - Kỳ 4: Lớp học heo gà
>> Ký sự Organic - Kỳ 3: Mặc kệ nó
>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên


Tỉnh Lâm Đồng tiến hành tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc phát hiện chứa chất độc hại, hồi tháng 6.2013 - Ảnh: Lâm Viên

Hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam, từ thiết bị công nghệ, xe đạp xe máy, đồ chơi trẻ em cho tới mỹ phẩm, đồ ăn, trái cây, hành tỏi gừng nghệ, không có thứ gì có thể tin được. Phần lớn chúng đều mau hỏng và độc hại. Hóa chất độc hại nhiễm trong hàng của Trung Quốc, đã đành rồi. Nhưng người Việt chúng ta cũng dùng hóa chất độc hại để trộn vào cà phê, ướp vào trái cây, tạo hương vị cho thực phẩm, truy ra nguồn thì phần lớn đều xuất phát từ ông bạn láng giềng 16 chữ vàng hữu nghị.

Họ đưa hàng, đưa hóa chất vào để phá hoại kinh tế nước ta, đầu độc dân ta, làm suy yếu nòi giống Việt chúng ta chăng? Có thể có âm mưu đó. Nhưng nếu chúng ta không tự mình rước thiết bị công nghệ về, nếu chúng ta không mở cửa tự do để hứng những thứ hàng hóa rác rưởi ấy về, thì ai có thể thực hiện được âm mưu như vậy.

Hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ tiền thuế của dân và tiền vay mượn cũng phải lấy tiền thuế của dân trong tương lai để trả, đã mang đi nhập thiết bị xi-măng lò đứng, nhập thiết bị nhà máy đường cùng không biết bao nhiêu là công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, nay đã và sẽ mang đi bán phế liệu. Lẽ ra các quan chức quyết định rước các công nghệ lạc hậu đó về phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, để răn đe những người kế nhiệm, dù họ còn đương chức hay đã về hưu, nhưng lâu nay chẳng thấy ai đả động tới. “Lợi ích nhóm” là có địa chỉ, không phải là chuyện nói khơi khơi trên báo chí.

Còn một việc nữa mà từ lâu chúng tôi đã đề cập, đó là việc liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Chúng ta đề ra chiến lược này chiến lược khác để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng cái quan trọng nhất để cho ngành công nghiệp ô tô đi đúng hướng thì cố tình bỏ lơ. Đó là tiêu chuẩn kỹ thuật. Việt Nam chỉ mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro2, là tiêu chuẩn rất thấp, trong khi thế giới người ta đã áp dụng phổ biến Euro4, Euro5 để bảo vệ môi trường của họ. Với tiêu chuẩn này, xe ô tô sản xuất tại Việt Nam không thể xuất khẩu ra nước ngoài được. Vì lý do gì? Vì các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của ta chưa đủ trình độ công nghệ chăng? Hoàn toàn không phải, các nhà máy đó là của các doanh nghiệp FDI, họ thừa khả năng để sản xuất ô tô theo tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 và cao hơn nữa. Chẳng phải vì “lợi ích nhóm” thì là vì cái gì?

Tiêu chuẩn về khí thải của Việt Nam thấp, một mặt để giúp các công ty xăng dầu trong nước tiêu thụ xăng dầu bẩn “lỡ nhập” hoặc hứa nhập, nhưng điều tệ hại hơn là đã mở đường cho mọi thứ xe cộ lạc hậu rác rưởi từ nước ngoài có chỗ để tiêu thụ hợp pháp, và tệ hại nhất là mở đường để tiêu thụ các loại xe tải kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc, những loại xe đưa sang nước khác dù có cho người ta cũng không lấy. Ai được lợi? Ai đã câu kết với ai để lobby chính sách? Câu hỏi đó vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Không nên nói hàng Trung Quốc kém chất lượng. Cái xe đạp, xe máy, ô tô Trung Quốc bán ở châu Âu nó là tiêu chuẩn châu Âu. Quần áo giày dép đồ ăn thức uống Trung Quốc bán tại Mỹ nó là tiêu chuẩn Mỹ. Còn Việt Nam thì hoặc là tiêu chuẩn thấp như chiếc ô tô vừa nói, hoặc là không có tiêu chuẩn nào hết, nên mọi thứ hàng hóa cặn bã từ Trung Quốc đều bán sang Việt Nam.

Người Trung Quốc nổi tiếng là cao thủ dụng độc. Ngày xưa họ dùng độc để tranh bá võ lâm, ngày nay họ dùng độc để kiếm lợi nhuận. Các nước người ta có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn, còn Việt Nam thì không lập ra hàng rào nào nên tự biến thành một bãi rác và cái hố chứa chất độc. Hằng ngày chất độc vẫn tự do tràn qua biên giới, thấm vào cơ thể, thấm trong thức ăn đồ uống trong các hàng quán, thấm trong cơm gạo bát đĩa của mỗi gia đình, trong chăn chiếu người già, trong quần áo tay chân con trẻ.

Nhiệm vụ của chính quyền là gì? Chưa sáng Bác đã bật đèn ngồi thảo công văn/Nhắc Ban Bí thư chăn mùa đông cho cháu nhỏ, một thời chúng ta cảm động khi đọc hai câu thơ đó của Chế Lan Viên, còn bây giờ thì không cần như thế nữa. Nhà nước đâu cần phải lo cái ăn giấc ngủ cho dân, chỉ cần bỏ ngăn sông cấm chợ và xóa các rào cản để dân được tự do làm ăn, cũng chẳng cần phải bảo trồng cây này nuôi con kia, dân cũng sẽ tự mình no ấm. Nhưng chính quyền, dù là cơ chế nào đi chăng nữa, cũng nhất định không được từ chối trách nhiệm ngăn chặn các thứ độc hại đe dọa sức khỏe và mạng sống của người dân. Lẽ ra là như thế nhưng chính quyền đã không có một nỗ lực hiệu quả nào để làm như thế.


Hóa chất độc hại trong một cơ sở chế biến cà phê bẩn tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Các “cơ quan chức năng” sẽ viện dẫn không có người, không có phương tiện, rằng biên giới Việt Nam - Trung Quốc quá dài không kiểm soát nổi. So với tỷ lệ dân số, Nhà nước chúng ta “to” hơn nhiều so với các nhà nước châu Âu, Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Á, nhưng các nhà nước này vẫn thiết lập được những hàng rào hữu hiệu, khiến cho đến con cá mà thừa một chút dư lượng kháng sinh cũng bị đẩy bật ra ngoài biên giới. Vấn đề không phải là dựng hàng rào bê tông thép gai dọc biên giới mà chỉ là định ra tiêu chuẩn để những thứ không đủ tiêu chuẩn không được vào, ai tự tiện đem vào thì phạt nặng cho sạt nghiệp, thậm chí đưa ra tòa xét xử. Đó là phạm vi quốc gia.

Còn ở địa phương thì sao? Khi đoàn cán bộ của Bộ Y tế, dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vẫn phát hiện rất nhiều hóa chất độc hại dùng cho thực phẩm bày bán tràn lan ở các chợ nhưng ông chủ tịch thành phố sở tại lại không có động thái gì, khi báo chí phanh phui hàng loạt cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất cà phê, nước tương, mì bún và cùng vô số những thực phẩm khác, nhưng chẳng bao giờ thấy những người lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đó chịu trách nhiệm gì, kể cũng là chuyện lạ trên thế giới.

Ở các nước, GDP của một quốc gia chẳng liên quan gì đến ông thị trưởng. Nhiệm vụ của các ông ấy là lo cho sự bình an của người dân, không để trộm cướp hay kẻ gian quấy nhiễu, không để đường phố công viên dơ bẩn, không để môi trường và thức ăn thức uống của người dân bị ô nhiễm chất độc. Còn các vị chủ tịch nhà ta thì quá bận tâm đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp, quá bận tâm đến việc cho cái này không cho cái nọ, những việc bận tâm đó đều là những việc nếu không bận tâm thì kinh tế phát triển tốt hơn, trong khi thức ăn thức uống của người dân có nhiễm độc hay không thì chẳng liên quan gì đến các ông ấy.

Bởi thế người dân buộc phải tự mình bảo vệ mình. Nếu vậy thì, nghĩ cho cùng, người dân “đẻ” ra các ông ấy để làm gì? (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN 
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.