|
Tại buổi đối thoại, nhiều phụ huynh cho biết họ không đồng tình với chủ trương sáp nhập trường vì con em xã Hương Bình sẽ phải đi xa hơn so với trường cũ trên 5 km, đường sá đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Hai xã Hòa Hải và Phúc Đồng vốn là vùng thấp trũng, “rốn lũ” của huyện Hương Khê nên không an toàn vào mùa mưa lũ, dễ xảy ra đuối nước.
Các phụ huynh cũng cho rằng Trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các phụ huynh, ông Nguyễn Thanh Bình và đại diện chính quyền địa phương đã giải thích việc sáp nhập trường là đúng với chủ trương của Đảng, nhà nước và của tỉnh, có ý nghĩa kết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong điều kiện của xã Hương Bình hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình cho biết tỉnh đang triển khai thi công đường vượt lũ từ Hương Bình đến Hòa Hải để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách và học sinh không phải đi ngang qua đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trung ương và địa phương đã có các chính sách ưu đãi đối với các em học sinh Hương Bình như miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhà ở nội trú, hỗ trợ gạo, xe đạp…
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh vẫn không đồng tình với chủ trương sáp nhập trường. Nhiều người đã bỏ ra về trước khi buổi đối thoại kết thúc.
Trước đó như Thanh Niên Online đã thông tin, từ tháng 8 đến nay, vì không đồng tình với việc sáp nhập trên, nhiều phụ huynh ở xã Hương Bình đã nhiều ngày dựng rạp tụ tập trước cổng trường và nhất quyết không cho con em đến trường nhằm gây sức ép lên chính quyền địa phương.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê cho biết tính đến chiều 12.10, toàn xã Hương Bình vẫn còn 575/717 học sinh các bậc mầm non và THCS chưa đến lớp học.
Nguyên Dũng
Bình luận (0)