|
Bác sĩ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 14.10 thừa nhận đã có những sai sót trong quá trình điều trị bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ là ông Thomas Eric Duncan (người Liberia), theo Reuters.
Ông Duncan đã tử vong tại bệnh viện ở thành phố Dallas (bang Texas, Mỹ) và nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Pham (26 tuổi) chăm sóc cho ông Duncan đã nhiễm Ebola.
Nhưng ông Frieden, người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính công tác phòng chống Ebola ở Mỹ, cho biết Pham đang trong tình trạng sức khỏe ổn định và có dấu hiệu hồi phục, trong khi 76 người ở Dallas từng tiếp xúc với ông Duncan vẫn đang được giám sát.
Nói về nhóm phản ứng nhanh do CDC thiết lập, ông Frieden cho biết: “Chúng tôi sẽ có mặt hỗ trợ các bệnh viện trong vòng vài giờ nếu có một ca nhiễm Ebola mới”.
“Tôi ước gì chúng ta đã thiết lập nhóm phản ứng nhanh này vào ngày mà bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ”, theo ông Frieden.
Giám đốc Cơ quan quản lý và ngân sách của Nhà Trắng, ông Shaun Donovan, cho hay các nhà làm luật Mỹ đang nỗ lực hết mình để sớm giải ngân ngân sách chi tiêu cho công tác phòng chống Ebola. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đề nghị mức ngân sách 250 triệu USD phòng chống Ebola và đang được Quốc hội nước này xem xét, theo Reuters.
“Sự lây lan nhanh của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi cho thấy thời gian là điều cốt lõi”, ông Donovan nói.
Trong buổi họp tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Đặc phái viên LHQ về Ebola, ông Anthony Banbury, cho biết thời gian “là kẻ thù lớn nhất” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola.
Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì kêu gọi cộng đồng thế giới chung tay góp sức, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Ebola trong bài phát biểu trước khoảng 20 bộ trưởng quốc phòng các nước vào ngày 14.10.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14.10 cảnh báo số ca nhiễm Ebola ở Tây Phi sẽ vượt trên 9.000 người trong tuần này và dịch bệnh Ebola tiếp tục lây lan rộng khắp ở các quốc gia Guinea, Sierra Leone và Liberia. WHO cảnh báo, ước tính từ nay đến tuần đầu tiên của tháng 12.2014, mỗi tuần sẽ có thêm 5.000 - 10.000 ca mới nhiễm Ebola, theo Reuters.
Dịch bệnh Ebola bùng phát và lan rộng các nước Tây Phi kể từ tháng 3.2014, khi đó ca đầu tiên nhiễm Ebola được phát hiện tại Guinea. Hiện chỉ có vắc xin và thuốc thử nghiệm điều trị Ebola, theo Reuters.
Nữ y tá Nina Pham mắc Ebola là ca nhiễm Ebola thứ hai xảy ra ở bên ngoài Tây Phi. Trước đó, nữ y tá Teresa Romero ở Tây Ban Nha cũng bị nhiễm Ebola sau khi điều trị cho một nhà truyền giáo nhiễm vi rút được đưa về nước từ Sierra Leone và đã tử vong. Tình hình sức khỏe bà Romero đến ngày 14.10 đã có dấu hiệu hồi phục, theo Reuters.
Phúc Duy
>> Y tá gốc Việt nhiễm Ebola có cơ may phục hồi
>> Bí ẩn nữ y tá gốc Việt bị nhiễm Ebola ở Mỹ
>> Rà soát quy trình ngăn ngừa Ebola xâm nhập vào VN
>> Một nhân viên LHQ nhiễm Ebola tử vong ở Đức
>> Tổng thư ký LHQ, tổng thống Mỹ kêu gọi tăng thêm nỗ lực chống Ebola
Bình luận (0)