|
Reuters hôm qua dẫn lời giới chức Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ chuyển cho phía Bangladesh hồ sơ chi tiết về âm mưu của tổ chức cực đoan Jamaat-ul-Mujahideen (JMB). Đây là tổ chức từng tiến hành hàng loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong ở nước láng giềng phía đông của Ấn Độ.
Âm mưu của JMB được phát hiện sau khi 2 thành viên của tổ chức này thiệt mạng trong một vụ nổ lúc đang chế tạo bom tại một ngôi nhà ở bang Tây Bengal, thuộc miền đông Ấn Độ, đầu tháng 10. Cảnh sát Ấn Độ cho biết các tay súng trên là người Bangladesh và đang sử dụng Ấn Độ làm nơi trú ẩn để lên kế hoạch các vụ tấn công. “Kế sách của chúng là tấn công các lãnh đạo chính trị và phá hủy cơ sở hạ tầng dân chủ của Bangladesh”, một quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ Ấn Độ nói với Reuters.
Về phần mình, chính phủ Bangladesh xác nhận đã nhận được thông tin “không chính thức” từ Ấn Độ về âm mưu của các chiến binh JMB. “Chúng tôi luôn nghiêm túc trong việc kìm hãm hoạt động của các chiến binh. Sau khi có tin từ Ấn Độ, chúng tôi đã tăng cường an ninh lên nhiều lần”, Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan tuyên bố.
Trước đó, vào ngày 27.10, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đến ngôi nhà nơi xảy ra vụ nổ và gặp Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee để thảo luận tình hình. Theo Cơ quan điều tra Ấn Độ (NIA), nước này đã bắt giữ ít nhất 6 người liên quan đến âm mưu đảo chính. Cảnh sát đã phát hiện hơn 50 quả bom tự tạo, đồng thời bắt giữ 2 phụ nữ đang cố gắng tiêu hủy các tài liệu chế tạo bom sau khi xảy ra vụ nổ nói trên.
Ở một ngôi nhà kế cận, giới hữu trách cũng đã tìm thấy 35 quả bom chưa phát nổ. Giới chức an ninh Ấn Độ cho biết ngoài Thủ tướng Hasinia, JMB cũng dự tính ám sát bà Khaleda Zia, thủ lĩnh đối lập chính ở Bangladesh. Hai “kỳ phùng địch thủ” này đã thống lĩnh vũ đài chính trị Bangladesh trong hơn một thập niên qua. Kể từ khi tách khỏi Pakistan sau cuộc chiến tranh đẫm máu vào năm 1971, Bangladesh từng trải qua 3 cuộc đảo chính quân sự cùng hơn 20 cuộc dấy loạn.
JMB được thành lập vào năm 1998 với mục tiêu thay thế chính phủ Bangladesh bằng một nhà nước Hồi giáo dựa trên luật Sharia hà khắc. Vào tháng 8.2005, JMB đã kích nổ 500 quả bom trong cùng một ngày trên khắp nước, bao gồm thủ đô Dhaka.
Tờ International Business Times dẫn lời chuyên gia Ajay Sahini thuộc Viện Nghiên cứu xử lý xung đột ở New Delhi, chuyên theo dõi các nhóm chiến binh ở Nam Á, nhận định JMB từng là mối đe dọa đáng kể trong thời gian từ năm 2005 - 2008. Tuy nhiên, lực lượng và vai trò của JMB hiện đã suy giảm nhiều nên khả năng tổ chức và thực hiện các vụ tấn công sẽ rất hạn chế.
Trùng Quang
>> Mới can dự, chưa đảo chính
>> Bài học tranh chấp Ấn Độ - Bangladesh: Chiến thắng của thiện chí
>> Bài học tranh chấp Ấn Độ - Bangladesh
>> Ấn Độ, Bangladesh xử lý tranh chấp bằng luật pháp quốc tế
Bình luận (0)