Nhà nghiên cứu Felix Chang, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), cho biết Trung Quốc đã xây dựng 4 cầu cảng ở Hải Nam có khả năng tiếp nhận 8 tàu ngầm và đường hầm dưới nước, theo tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 1.11.
Đường hầm dưới nước này, rộng khoảng 16 m ở vịnh Yalong (Hải Nam), dẫn đến một hang nằm dưới một ngọn đồi, vốn là một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, theo ông Chang.
Hang ngầm cho tàu ngầm Trung Quốc ra vào, ở đảo Hải Nam - Ảnh: Indiandefense |
Từ những đường hầm dưới nước ở Hải Nam, các tàu ngầm của Trung Quốc có thể bí mật di chuyển đến những khu vực có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, ẩn mình trước những máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ, The Washington Post dẫn lời các nhà phân tích quân sự cho biết.
Ông Chang cho rằng đường hầm dưới nước ở vịnh Yalong gợi nhớ một cảnh trong phim hành động James Bond (Điệp viên 007) và xem việc xây dựng đường hầm, hang này là cực kỳ đắt đỏ “trong đời thực”.
Không chỉ dừng ở đó, Trung Quốc cũng đã triển khai hệ thống giám sát âm thanh dưới biển ở đảo Hải Nam nhằm theo dõi hoạt động tàu ngầm nước ngoài ở biển Đông, theo một bài viết của chuyên gia quốc phòng Mỹ Harry Kazianis trên tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản).
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện sở hữu 56 tàu ngầm, trong đó có 51 tàu ngầm chạy bằng điện-diesel và 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhận, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng 4.2014.
Trung Quốc có 3 tàu ngầm hạt nhân có thể bắn tên lửa đạn đạo triển khai ở Hải Nam và có khả năng triển khai thêm các tàu ngầm hạt nhân, cũng theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Lầu Năm Góc cho hay những tàu ngầm này có thể mang theo tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn ước tính 7.400 km.
Với tầm bắn này, nếu được bắn từ giữa Thái Bình Dương, tên lửa đạn đạo JL-2 có thể đánh trúng các mục tiêu ở bang Hawaii và California của Mỹ, theo nhận định của ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu về an ninh và chính trị Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ).
|
Đội tàu ngầm ở đảo Hải Nam phản ánh nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường sức mạnh hải quân, để củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này, chiếm trọn gần cả biển Đông. Điều này khiến các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh phải quan ngại, theo The Washington Post.
Ông Bill Hayton, tác giả quyển sách "Biển Đông: Cuộc tranh đấu giành quyền lực châu Á" (xuất bản năm 2014), nhận định những quốc gia châu Á, do quan ngại việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân, đã chi tổng cộng hàng chục tỉ USD để nâng cấp, mua sắm các tàu ngầm, máy bay trinh sát và tên lửa đối hạm.
Theo trang tin chuyên về Trung Quốc China Topix của Mỹ, Ấn Độ muốn mua thêm 15 chiếc tầu ngầm và đã nhận được chiếc máy bay trinh sát P-8I thứ 5 từ Mỹ hồi tháng rồi. Việt Nam đã nhận được 2 tàu ngầm lớp Kilo trong tổng số 6 chiếc đặt mua từ Nga, và đầu tuần này đã ký kết thỏa thuận mua 4 tàu tuần tra hải quân của Ấn Độ.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 2.2014, Học viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh) cho biết việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến các quốc gia châu Á tăng cường ngân sách quốc phòng trong năm 2013. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á đạt 321,8 tỉ USD trong năm 2013, tăng 23% so với năm 2010 là 261,7 tỉ USD, trong khi đó châu Âu giảm 2,5% trong cùng giai đoạn, theo IISS.
Phúc Duy
>> Trung Quốc khiến châu Á tăng ngân sách quốc phòng
>> Nhật Bản: Thế giới ‘quan ngại’ vì Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng
>> Trung Quốc cài hệ thống phát hiện tàu ngầm sát Việt Nam
>> Tàu ngầm Trung Quốc suýt gặp thảm họa
>> Máy bay Nhật sẽ tiêu diệt tàu ngầm Trung Quốc nếu cần
>> Mỹ báo động về tàu ngầm Trung Quốc
Bình luận (0)