|
Tập trung toàn lực phòng Ebola
Theo điều tra ban đầu của ngành y tế TP.Đà Nẵng, bệnh nhân C.V. Chung nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ, sau đó chuyển sang cách ly tại khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng sốt rất cao (40,5 độ), lại vừa về VN từ Guinea-là quốc gia đang có dịch Ebola. Vì vậy, nguy cơ nhiễm vi rút Ebola là rất cao. Ngay từ khi nhận thông tin về bệnh nhân C.V. Chung, dù là ngày cuối tuần, nhưng ngành y tế TP.Đà Nẵng đã nhanh chóng tổ chức tất cả công tác phòng, chống, khoanh vùng dịch theo đúng những kịch bản phòng dịch Ebola trước đó.
|
Ngành hàng không cũng phối hợp trong việc cung cấp danh sách những hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân C.V. Chung để khoanh vùng giám sát; những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cũng được theo dõi sát sao. Tại khu vực cách ly của Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng, công tác cách ly cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tình trạng bệnh nhân được cập nhật hàng giờ. Cán bộ ngành y tế dự phòng TP.Đà Nẵng ngay khi lấy mẫu, đã được cử mang trực tiếp ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm xem có nhiễm Ebola hay không. Công tác vệ sinh phòng dịch những khu vực bệnh nhân C.V. Chung đã lưu lại như khách sạn, khu vực Bệnh viện Hoàn Mỹ... được tiến hành ngay trong ngày. Và ngay tối ngày 1.11, dù đã có kết quả bệnh nhân C.V. Chung dương tính 5+ với ký sinh trùng sốt rét, nhưng công tác cách ly vẫn được thực hiện đến tận khi có kết quả 100% bệnh nhân âm tính với vi rút Ebola. “Chúng tôi đã thắt chặt mọi mặt, rất may bệnh nhân không nhiễm vi rút Ebola, nhưng chúng tôi xem đây là một cuộc diễn tập rất thực tế, để xem lại những khó khăn nếu thực sự có dịch, nhanh chóng khắc phục”, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết.
Kiểm soát chặt người về từ vùng dịch
Dù xác định bệnh nhân không nhiễm Ebola, nhưng theo đúng quy trình, bệnh nhân này sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng 21 ngày do có triệu chứng sốt lại về từ vùng có dịch Ebola. Ngày 3.11, tiếp xúc với bệnh nhân C.V. Chung, Chung cho biết có triệu chứng mệt mỏi khi đi máy bay từ Guinea, quá cảnh qua Ma Rốc và Qatar, về sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng do nghĩ di chuyển nhiều nên sức khỏe không ổn, và đến ngày hôm sau mới phát sốt. Dù đã qua kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) nhưng C.V. Chung vẫn không bị giữ lại. Và từ sân bay Tân Sơn Nhất về Đà Nẵng, C.V. Chung di chuyển bằng máy bay quốc nội nên việc kiểm soát y tế cũng không được tiến hành. Chỉ đến khi sốt cao thì mới cách ly. “Hiện nay chỉ có thể kiểm tra thân nhiệt, tình trạng sức khỏe của những khách ở ga quốc tế, còn trong nước thì không thể kiểm tra xuể được bởi lượng khách rất lớn”, bà Ngô Thị Kim Yến nói. “Qua lần này, có thể nói công tác kiểm tra tại khu vực cửa khẩu, sân bay, cảng... đặc biệt đối với những người về từ vùng dịch cần được thắt chặt, nghiêm ngặt hơn. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ trong công tác kiểm tra, để “lọt” bệnh nhân nhiễm bệnh vào VN, thì ngành y tế sẽ vô cùng khó khăn, vất vả để ngăn chặn và phòng dịch. Đơn cử, như bệnh nhân C.V. Chung được phát hiện sốt khi đã về VN nhiều ngày, số người mà bệnh nhân này tiếp xúc cũng không nhỏ”, bà Yến nói thêm về kinh nghiệm sau 2 ngày tham gia công tác kiểm soát bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng.
Diệu Hiền
>> Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đã hoàn toàn khỏi sốt
>> Phát hiện nhanh Ebola chỉ trong 30 phút
>> Bệnh nhân ở Đà Nẵng hoàn toàn không nhiễm vi rút Ebola
>> Đà Nẵng: Một bệnh nhân về từ vùng dịch, nghi bị nhiễm Ebola
Bình luận (0)