Cử nhân… nông dân

07/11/2014 06:23 GMT+7

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, nhưng Trương Thị Kim Phụng (26 tuổi, tổ Thái Phước, P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) không đi làm theo ngành đào tạo mà về làm nông với bố mẹ và đã có bước khởi nghiệp khá vững vàng.

Trương Thị Kim Phụng
Trương Thị Kim Phụng trong vườn hoa cúc chuẩn bị thu hoạch - Ảnh: Gia Bình

Được sự giới thiệu của anh Trương Ngọc Anh, Bí thư Đoàn phường 12 (TP.Đà Lạt), chúng tôi tìm đến khu vườn của Kim Phụng ở vùng rừng núi Bãi Sậy (H.Lạc Dương) để mục sở thị chuyện làm nông của cô gái trẻ này. Chúng tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy cô gái “chân yếu tay mềm” Kim Phụng đang tất bật kéo dây tưới nước rồi pha thuốc, bón phân cho hoa lily, hoa cúc trong khu vườn nhà kính giữa trời trưa nắng nóng. Thấy chúng tôi đến, cô gái nở nụ cười tươi, nghỉ tay và niềm nở trò chuyện.

Trương Thị Kim Phụng là chị cả trong một gia đình nông dân có 5 chị em gái. Bố mẹ Phụng không muốn con cái vất vả với nghề nông như mình nên cố gắng cho ăn học những mong sau này tìm cái nghề nào đó hợp lý để được trắng da dài tóc. “Nhưng nghề nông này đã gắn với em từ nhỏ và đã ở trong “máu” của em rồi anh ạ. Khi học đại học (tại trường đại học Đà Lạt) em có suy nghĩ: học ra trường chưa chắc tìm được việc làm phù hợp, còn làm nông tuy vất vả nhưng có thu nhập, vả lại làm nông mà có tri thức vẫn tốt hơn, nên ngoài việc học, em thường xuyên phụ giúp bố mẹ làm vườn, trồng rau, hoa và sau khi ra trường 1 năm thì em “dính” luôn với nghề này”, Kim Phụng cho hay. Theo Phụng kể, năm 2010, cô tốt nghiệp đại học và đi làm kế toán cho một số doanh nghiệp trong vòng 1 năm, nhưng do không phải là sở thích và thu nhập không cao nên đã quay về gia đình để làm nông. Lúc này gia đình chỉ có 0,5ha đất ở khu vực hồ Than Thở (Đà Lạt) không đủ để sản xuất, bố mẹ Phụng vào vùng Lạc Dương mua thêm 2ha đất, đầu tư nhà kính trồng hoa. Từ đó, Phụng trở thành lao động chính trong gia đình, ngoài phụ trách 3 sào đất trồng hoa của riêng mình (được bố mẹ cho), Phụng còn giúp bố mẹ sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho hoa. Trên diện tích đất của mình cùng gia đình, Phụng luân canh trồng hoa cúc, hoa lily và mỗi năm đã mang lại doanh thu khoảng 1 tỉ đồng.

Cũng theo Kim Phụng, trồng hoa này ngoài kiến thức thì phải xác định tư tưởng từ trước và phải có đam mê, nhiệt huyết mới thành công. “Riêng em, ngoài những việc trên, trong kỹ thuật sản xuất em vừa duy trì cái cũ của mình nhưng cũng thường xuyên giao lưu, học hỏi với người khác để tiếp thu cái mới trong chọn giống, xử lý đất, bón phân, phun thuốc… mới phát triển được. Ngoài ra, em còn mở sổ nhật ký, ghi chép chi tiết từ việc xử lý đất, chọn giống, ngày nào trồng cây, bón phân, phun thuốc, tưới nước cho đến ngày thu hoạch… để tiện theo dõi và rút kinh nghiệm”, Phụng chia sẻ.

Không chỉ làm nông, Kim Phụng còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, hoạt bát tại địa phương. Bí thư Đoàn phường 12 - anh Trương Ngọc Anh, nhìn nhận: “Tuy việc lao động sản xuất chiếm nhiều thời gian, nhưng chị Kim Phụng vẫn thu xếp tham gia tích cực hoạt động Đoàn ở địa phương. Từ năm 2007 đến nay, chị đảm nhận chức vụ: phó Bí thư chi đoàn, rồi Bí thư chi đoàn tổ Thái Phước và là Ủy viên BCH đoàn phường. Chị cùng tập thể BCH đề ra nhiều hoạt động thu hút được các bạn thanh niên trên địa bàn đến với tổ chức Đoàn. Trong dịp Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển vừa qua, chị được Thành đoàn Đà Lạt bình chọn để tuyên dương là 1 trong 120 gương thanh niên điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất của thành phố…”.

Gia Bình

 >> Trộm lộng hành, người trồng hoa bất an
>> Trồng hoa xứ lạnh trên đất nóng
>> Người trồng hoa Đà Lạt thiếu hạt giống để sản xuất
>> Nông dân công nghệ cao - Kỳ 5: Trồng hoa trong nhà kính

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.