Tác động của thực phẩm đối với căng thẳng

11/12/2014 08:58 GMT+7

(TNO) Dinh dưỡng tốt là nền tảng của sức khỏe tốt. Dinh dưỡng tốt càng đặc biệt quan trọng trong thời gian bị stress. Khi căng thẳng xảy ra, dinh dưỡng củng cố khả năng đề kháng của cơ thể chống lại các tác động của stress.


Uống nhiều cà phê làm tăng thêm cảm giác căng thẳng - Ảnh: Shutterstock

Theo About, những chất nên tránh khi bị căng thẳng gồm (caffeine, rượu, nicotine, đường), bởi chúng kích thích nhịp tim, làm ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi, các hóa chất trong não, và có thể dẫn đến hiện tượng bị lệ thuộc.

Caffeine. Caffeine là một chất kích thích. Uống cà phê làm tăng thêm cảm giác căng thẳng. Vì vậy, để giảm bớt căng thẳng cần chuyển sang các loại đồ uống không chứa caffeine.

Rượu. Một lượng nhỏ rượu có thể giúp thư giãn, nhưng uống quá nhiều có thể làm tăng căng thẳng vì rượu được biết đến như một tác nhân làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, uống nhiều rượu một cách thường xuyên cũng gây tổn hại cơ thể và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.

Nicotine. Nicotine được biết đến là chất góp phần làm tăng nhịp tim và làm cơ thể căng thẳng. Nếu bạn hút thuốc, hãy thử cảm nhận sự khác biệt của nhịp tim trước và sau khi rít một điếu thuốc.

Đường. Các loại thực phẩm chứa đường có thể tạm thời thúc đẩy năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề là cơ thể sẽ phản ứng với nồng độ đường bằng cách tiết ra insulin, có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Insulin có thể tồn tại và tiếp tục hoành hành sau khi nó đã bình thường hóa mức độ đường trong máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “hôn mê đường”. Bạn có thể cảm thấy tốt hơn sau khi ăn 1 viên kẹo, nhưng cuối cùng sẽ rơi vào cảm giác mệt mỏi và tồi tệ hơn so với trước khi ăn nó.

Dinh dưỡng tốt hỗ trợ tuyến thượng thận, và điều này vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại stress. Căng thẳng làm tuyến thượng thận co lại, và một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp duy trì chức năng tuyến thượng thận tốt. Để giúp chống lại các tác động tiêu cực của stress nên tăng cường bổ sung những chất dinh dưỡng sau:

Vitamin B. Các vitamin nhóm B hỗ trợ toàn bộ hệ thống thần kinh và các tuyến thượng thận. Chúng cũng rất cần thiết trong việc sản xuất năng lượng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, vitamin nhóm B cũng giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định (nồng độ đường trong máu bất thường có thể dẫn đến stress). 

Thực phẩm chứa vitamin B bao gồm gan, đậu nành, bông cải xanh, các loại đậu, các loại thịt, ngũ cốc chưa qua chế biến, đậu lăng, cá hồi, ngô, các loại hạt, hạt hướng dương, trứng và trái cây họ cam, quýt.


Cam quýt chứa nhiều vitamin C giúp giảm các triệu chứng của stress - Ảnh: Shutterstock

Vitamin C. Vitamin C là một chất chống oxy hóa. Hầu hết mọi người đều biết vitamin C giúp cải thiện khả năng miễn dịch, nhưng nó cũng được tìm thấy có tác dụng làm giảm huyết áp cũng như giảm các triệu chứng của stress. Sở dĩ vitamin C có chức năng này vì nó có khả năng làm giảm nồng độ cortisol (hóc môn stress).

Thực phẩm chứa vitamin C bao gồm các loại trái cây họ cam quýt, các loại rau lá xanh, cà chua, bông cải xanh, xoài, ớt chuông đỏ và xanh lá cây.

Axit amin. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy axit amin có công dụng hỗ trợ chức năng não, đặc biệt là trong việc dẫn truyền thần kinh, có thể ảnh hưởng đáng kể tâm trạng và hành vi. Vì lý do này, các axit amin có thể giúp giảm các triệu chứng của stress.

Thực phẩm chứa axit amin bao gồm trứng, thịt, cá, và các loại đậu, cơm.

Magiê. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, magiê giúp thư giãn cơ bắp và điều chỉnh nhịp tim. Nó cũng được chứng minh giúp chữa bệnh mất ngủ và lo lắng, hai vấn đề thường gặp ở những người bị stress mãn tính.

Thực phẩm chứa magiê bao gồm sữa, thịt, trứng, cá, hải sản, các loại rau lá xanh, các loại hạt, đậu phụ, và ngũ cốc.

Trúc Lam

>> Những dấu hiệu cảnh báo căng thẳng quá mức
>> Tình dục giải tỏa căng thẳng
>> Căng thẳng làm suy giảm trí nhớ
>> Giảm căng thẳng để giảm cân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.