Không được yêu mến cuồng nhiệt như Cảng Sài Gòn hay Hải quan, nhưng Sở Công nghiệp TP.HCM lại là đội bóng có những cá nhân tài hoa mà phong cách và lối chơi đã đi vào lòng người.
>> Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan
>> Những tượng đài đã mất: 'Voi vàng miền biển' Cảng Hải Phòng
>> Những tượng đài đã mất: Đường sắt Việt Nam đi vào lịch sử
|
Nói đến Sở Công nghiệp TP.HCM (Sở CN), không thể không nhắc đến tên tuổi lẫy lừng Võ Thành Sơn. Ông là người có mặt từ khi thành lập đội sau ngày đất nước thống nhất, qua nhiều cái tên: Tổng cục Vật tư, Xi măng Hà Tiên, Xây lắp Công nghiệp và rồi Sở CN. Trong gần 15 năm tồn tại (Sở CN xuống hạng năm 1989 và sau đó biến mất khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao), với tài năng của Võ Thành Sơn và các đồng đội như Quang Đức Vĩnh, Nguyễn Thành Công, Lê Văn Tâm (Tâm Huế, thân phụ Lê Huỳnh Đức), Võ Văn Biển, Lê Khánh Hùng, Trần Lương, Bùi Thái Châu, Phan Trọng Linh, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Vinh Quang, Lê Minh Thời, thủ môn Minh Lý, Trần Văn Hiệp..., Sở CN nổi tiếng là đội bóng tài hoa vì khi giành chiến thắng thì đó đều là những chiến thắng đẹp.
Chẳng hạn, họ là đội duy nhất ở vòng ngoài mùa giải 1981 - 1982 thắng được Thể Công 2-1 (đội sau này lên ngôi vô địch) một cách oanh liệt. Thậm chí, khi thất bại thì đó cũng là những trận thua để lại nhiều tiếc nuối. Như trận chung kết giải A1 TP.HCM năm 1981, dù thua Hải quan 1-2 nhưng Sở CN đã chơi rất hay, có nhiều thời cơ để quyết định kết quả trận đấu hơn.
Dấu ấn mà Sở CN để lại phần lớn gắn liền với tài nghệ của Võ Thành Sơn. Nhà báo Chánh Trinh từng dùng nhiều mỹ từ khen ngợi trung phong số 1 của bóng đá miền Nam bấy giờ là “kỹ thuật xử lý bóng nhanh gọn khó ai sánh bằng”. Đó là cú ngả bàn đèn có một không hai như tia chớp. Động tác quăng người trên không và ra chân cực chuẩn này đã trở thành thương hiệu riêng của ông Sơn khi trăm cú đá là trăm cú trúng đích, đến nỗi nhiều người hâm mộ đi xem Sở CN thi đấu chỉ để xem những cú đá ngả bàn đèn của Sơn. Đó còn là cú bật một hai với Quang Đức Vĩnh và đảo người vượt qua đối thủ cực nhạy, hoặc những cú sút như búa bổ làm sững sờ hàng thủ và thủ môn đối phương. Mùa giải 1981-1982, dù Cao Cường, Thế Anh đang nổi như cồn giúp Thể Công đăng quang, nhưng người đoạt giải vua phá lưới lại là Võ Thành Sơn với 15 bàn ở tuổi 34.
Ngoài ông Sơn, người có dấu ấn đậm nét khác chính là Khánh Hùng. Cầu thủ này đầu tiên đá cánh trái cho Hải quan, nhưng về Sở CN lại tỏa sáng ở cánh phải. Nhiều trận Khánh Hùng đã đem lại chiến thắng cho Sở CN bằng lối chơi thông minh, quả cảm. Những pha đi bóng lắt léo ở biên rồi xuyên thẳng vào trung lộ của mũi nhọn một thời này đã giúp Sở CN làm rung động lòng người.
Xuống hạng và “biến mất”
Sở CN đã có những năm tháng vang danh lịch sử như hạng ba giải VĐQG năm 1984 (sau Thể Công và Công an Hà Nội), á quân QG năm 1985 (thua Công nghiệp Hà Nam Ninh ở trận chung kết), hạng 4 năm 1986. Thời kỳ này, đội hình của Sở CN nổi lên bộ ba “xe - pháo - mã” Phan Trung Việt, Nguyễn Trung Hải và Vũ Trọng Thành, tấn công hết sức hấp dẫn làm điên đảo nhiều hàng phòng ngự. Cả 3 đã có nhiều bàn thắng đẹp để đời và giúp Sở CN càng đá càng hay. Ngoài ra, đội còn có các tiền vệ kiến tạo bóng tài tình như Lê Thành Minh (Minh quắn), Trần Phong Bảo hay Lương Vĩnh Lễ.
Mọi chuyện bắt đầu “xấu” đi với Sở CN vào năm 1987 khi họ để thua trận tứ kết 2-3 trước Quảng Nam - Đà Nẵng, cùng lúc Hải quan thua Phú Khánh và CSG thua An Giang. Thất bại đồng loạt của 3 đội TP.HCM đã dẫn đến việc Sở CN được Sở TDTT TP.HCM củng cố bằng cách lấy lực lượng của Hải quan bổ sung vào. Từ đó, sức mạnh của Sở CN giảm sút, tâm lý từ HLV đến cầu thủ không còn ổn định. Nhiều người cảm thấy nản vì sự can thiệp quá sâu của lãnh đạo ngành vào nội tình đội nên thi đấu uể oải, mất khí thế. Thêm vào đó, do sự thiếu đầu tư nên tại giải A1 toàn quốc 1989, Sở CN lao dốc không phanh, đứng thứ 10/10 đội ở bảng B và chính thức xuống hạng. Cái tên Sở CN biến mất từ đó...
Quang Tuyến
Bình luận (0)