Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 25.12, Tổng thống đắc cử Trump của Mỹ đã cáo buộc binh lính Trung Quốc khai thác kênh đào trái phép.
Panama đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 2017, sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Theo Tổng thống Panama Jose Raul Mulino, hiện mối quan hệ với Panama-Trung Quốc là "tôn trọng, được quản lý tốt [...] xét về lợi ích của cả hai nước".
"Tôi luôn đề cập rằng tôi rất quan tâm đến mối quan hệ với Trung Quốc vì tác động của hàng xuất khẩu Panama sang một thị trường cần mọi thứ", ông Mulino tuyên bố.
Hôm 22.12, ông Trump đe dọa sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào mà Mỹ đã chuyển giao cho Panama. Ông cho rằng chính quyền Panama đang "cướp bóc" các tàu Mỹ đi qua kênh đào bằng mức phí cao.
Tuy nhiên, Tổng thống Mulino cũng bác bỏ cáo buộc này. Ông tuyên bố loại trừ khả năng đàm phán với ông Trump về quyền kiểm soát kênh đào Panama, và cũng bác bỏ khả năng giảm phí cho tàu thuyền Mỹ.
"Tôi sẽ đợi đến ngày 20.1 để làm những gì tương ứng, mà tôi vẫn chưa xác định, với chính phủ Mỹ. Tại thời điểm này, ông Trump không phải là tổng thống mà cũng không có chính phủ nào. Vì vậy bất cứ điều gì ông ấy nói, tôi sẽ làm rõ và về phía mình, tôi sẽ đợi đến ngày 20.1 để có một chính phủ (chính thức) của Mỹ trước mặt tôi để nói về vấn đề này và nhiều vấn đề khác".
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, do Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914. Mỹ sau đó đã chuyển giao cho Panama vào ngày 31.12.1999, theo các hiệp ước được ký kết khoảng 2 thập niên trước đó.
Theo ước tính, 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama, cho phép các tàu thuyền di chuyển giữa châu Á và Bờ Đông Mỹ tránh được tuyến đường dài và nguy hiểm quanh mũi phía nam của Nam Mỹ.
Mỹ là bên sử dụng chính đối với con kênh, chiếm 74% lượng hàng hóa, tiếp theo là Trung Quốc với 21%.
Bình luận (0)