Chiều đó, mình vào thư viện Alliance Française đọc sách như mọi khi. Đang thò đầu ra khỏi hành lang thì thấy anh Nguyễn Đình Thành “vồ lấy” hỏi: “Gay rồi Phương ơi, người phiên dịch cho buổi tối nay giữa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và bà Pascale Roze có việc đột xuất. Giờ không biết tìm ai? Em đi thay được không?. – Vâng, em đi cũng được!”.
Chẳng sợ, chẳng hồi hộp vì đơn giản là “điếc không sợ súng”, chưa bao giờ đi dịch, mà lại dịch “tại trận”, chứ đừng nói là dịch cho nhà văn! Vui sướng nhận lời vì háo hức được gặp hai người nổi tiếng! 8 giờ tối, mọi người có mặt ở một nhà hàng sang trọng, bên Hồ Gươm, Hà Nội với tông màu mận chín của rèm vải, của bộ ghế phủ nhung và ánh đèn vàng vàng đỏ đỏ. Xuất hiện người nổi tiếng thứ ba, Nguyễn Việt Hà, mà lúc đó mình không biết là ai, chưa đọc sách của anh bao giờ! Ăn, uống, chuyện trò, có lẽ là rôm rả, vì hai tiếng sau mọi người mới chia tay. Chỉ còn nhớ mỗi chú Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Khổ thân Phương tối nay ăn không liền miếng”. Tuyệt nhiên, mình không thể nhớ ba nhà văn đã nói gì. Tuyệt nhiên, chẳng có tấm ảnh kỷ niệm nào của buổi tối đó.
|
Trước khi chia tay, chú Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Phương nói luôn với chị Pascale là chú mời chị ý đến nhà, cô Trang sẽ làm món Việt mời Pascale. Chỉ cần chị ý sắp xếp được thời gian, cô chú đợi ở nhà”. Mình dịch xong, mắt cô Pascale sáng choang: “Thế này thì vinh dự cho tôi quá!”.
Hình như chỉ hai hôm sau, buổi sáng, mình hẹn đón Pascale ở Yết Kiêu. Trên chiếc xe Honda Cup 92, mình chở cô đến nhà chú. Cả đoạn đường đi trên phố, Pascale sung sướng bảo thích cảm giác lần đầu tiên ngồi xe máy nhìn người và phố lướt đi mà không quá nhanh. Khi bắt đầu rẽ vào ngõ nhà chú, một ngõ phố dài, trải bê tông, ngõ hẹp, người đông, xe lách, chợ cóc ven đường, Pascale bắt đầu hoảng, tóm chặt vào mạng sườn mình. “Ôi Phương ơi, cô sợ, Phương lách thế này thì có lúc xe nghiêng và đổ mất!”. Mình càng cười vì khả năng “tổ lái” trong ngõ Hà Nội bao nhiêu thì Pascale càng hãi bấy nhiêu. Cả con ngõ chắc gần 2 cây số đó mà cô “niệm chú” đến chục lần : “Tu es responsable de ma vie, tu sais!” (tạm dịch: Con chịu trách nhiệm đời cô đó nhe, con biết mà!”.
Đến nơi, cánh cổng sắt mở, tượng Phật lấp ló sau tán cây, chó vẫy đuôi theo chủ và khách: “Oh, c’est un autre univers, Phuong, traduis ça à Thiep!” (tạm dịch : Ồ, đó là một thế giới khác, Phương, con dịch cho chú Thiệp nhé). Chú mời hai cô cháu ngồi luôn ở cái chõng tre ngoài sân, ở góc bên kia đối diện bức tượng Phật. Không nhớ hôm đó là tháng mấy, chỉ nhớ, trời trong, gió nhẹ, tiết ấm, nắng không gắt, các tán cây xanh đung đưa theo gió vừa man mát vừa đủ che nắng. Cô Trang bước ra với khay trà chào hỏi khách và cáo lui. “Cô vào chuẩn bị bữa trưa cho khách và hai chú cháu nhé!”, cô Trang nói. Và câu chuyện diễn ra chừng hơn tiếng. Chuyện trò gì? Chịu, không nhớ! Chỉ còn ấn tượng: Pascale ngồi đối diện với chú Nguyễn Huy Thiệp. Chú quay lưng vào bức tượng xa nhất ở góc kia của sân. Pascale vừa nhìn chú vừa nhìn tượng. Chú gần hơn, tượng xa hơn.
|
Đến trưa, chủ nhà mời khách vào phòng khách, xung quanh bày nhiều đồ gốm nung, dùng bữa. Món phở gà, cô Trang thịt con gà nhà. Giờ nhắm mắt vào, chẳng có màu sắc, hình ảnh gì hiện về nhưng còn nguyên dư vị của miếng thịt gà, lá chanh, nước phở. “Phương dịch cho cô là đây là lần đầu tiên cô được ăn phở do một người phụ nữ miền Bắc nấu”. Cô Trang nhất định không ngồi ăn cùng, “để cho chú cháu nói chuyện với khách tự nhiên”, khiến cô Pascale ngại ngùng vô cùng.
Bữa trưa xong, chú Nguyễn Huy Thiệp mời hai cô cháu quay lại chõng tre dùng tráng miệng, chắc chắn có nước trà và một bánh quê gì đó, có đường và bột trắng. Câu chuyện lại tiếp tục giữa hai nhà văn, mình tiếp tục dịch.
Họ chia tay nhau cỡ tầm 4 giờ chiều, chú bảo: “Phương đưa cô Pascale về trước giờ tan tầm ở Ngã Tư Sở cho an tâm”. Lời tạm biệt của nhà văn Pháp: “Được mời đến không gian, nơi anh và gia đình ở là một vinh hạnh của tôi, với người phương Tây. Được mời đến nhà người khác, đặc biệt là người làm công việc sáng tạo, là được chạm vào phần riêng tư (intimité) của con người đó. Tôi rất hi vọng được mời anh đến nhà tôi trong tương lai”.
Thế rồi, hai nhà văn gặp lại nhau năm 2005, trong căn hộ của hai nhà văn – vợ chồng, Pascale Roze và Claude Delarue.
Chú ơi, chính nhờ buổi tối đi phiên dịch năm 2000 đó, chính nhờ chú mà Pascale đã trở thành “la maman française” (người mẹ Pháp) của cháu, người chứng kiến hành trình đời cháu với những bước ngoặt trên đất Pháp… Phải chờ đến ngày chú ra đi thì cháu mới ý thức được điều này! Để nhớ tròn 1 ngày chú ra đi!
"… mảnh đất nhà quê của tôi cũng mất một nửa rồi, chỉ còn cái vườn rau. Ngày xưa còn có cái cây to, giờ không còn nữa…"
Nguyễn Huy Thiệp
|
Bình luận (0)