Mảnh đất thể nghiệm cách đọc
Trên trang web riêng chuyên về nghiên cứu của nhà phê bình - TS Mai Anh Tuấn, các bài viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tập hợp thành hẳn một mục riêng. Đọc Nguyễn Huy Thiệp qua con mắt của Mai Anh Tuấn vẫn còn nguyên sự trập trùng của núi rừng, mùi hoang dại của những ngọn gió thổi tràn qua thung lũng. Vẫn còn nguyên sự chông chênh của từng đó hình ảnh đập vào mắt. Nhưng độc giả được thu nhận thêm nhiều kiến giải mới về lớp nghĩa ẩn sâu dưới câu văn.
Trong bài Hua Tát và Nguyễn Huy Thiệp về Hua Tát (tỉnh Sơn La), nơi Nguyễn Huy Thiệp từng sống gần 10 năm với nghề gõ đầu trẻ, TS Tuấn cho biết: “Từ lòng chảo, bảng nhiệt từ khô nóng của gió mùa tây nam chuyển sang mát mẻ á nhiệt đới khi lên cao. Chẳng thế mà ở đây, bất chấp dáng vẻ địa hình hùng vĩ, hiểm trở, du khách vẫn muốn dừng chân và lưu trú thật lâu để thả lỏng thân tâm trong không gian yên tĩnh, thanh khiết, tươi tắn. Thời đại của du lịch sinh thái, theo nhiều cách khác nhau, đã khiến con người trở nên ưa chuộng và quý trọng hơn những nơi thâm sơn cùng cốc”.
Ở phần chú thích về những cái tên, ông Tuấn viết: “Khá nhiều địa danh vùng Tây Bắc trong truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp là địa danh xác thực. Đây là một dấu chứng cho thấy yếu tố dân tộc chí, không chỉ về cảnh quan rừng núi mà còn về tập tục và tập tính tộc người, trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Chiềng Cọ nhắc đến ở đây là một xã thuộc TP.Sơn La, gồm 8 bản. Còn Mường Hum là một xã thuộc H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai”.
Như vậy, chỉ trong một bài viết, TS Mai Anh Tuấn cho thấy nhiều góc nhìn về văn chương Nguyễn Huy Thiệp: sinh thái có, dân tộc học có. Trong bài còn có cả những góc nhìn văn học, sử học, tâm lý. Đây chỉ là một trong nhiều cách đọc khác nhau từ những độc giả, nhà nghiên cứu khác nhau về Nguyễn Huy Thiệp. Các tác phẩm của ông luôn là mảnh đất màu mỡ cho quá trình đọc và đọc lại, diễn giải và tái diễn giải văn chương. “Từ khi ông Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện cho đến tận bây giờ, sáng tác của ông vẫn là mảnh đất cho sự thể nghiệm các cách đọc”, TS Trần Ngọc Hiếu khẳng định.
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, nếu không có sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thì người nghiên cứu văn học Việt Nam khó ứng dụng được các lý thuyết hiện đại. Chẳng hạn, tác phẩm của ông giúp người ta làm rõ thêm về tính phức điệu, tính đa thanh trong sáng tác, đồng thời là đối tượng thực hành các lý thuyết phê bình như phân tích về diễn ngôn hay phê bình sinh thái. “Chẳng hạn như có người nghiên cứu diễn ngôn về thực phẩm trong văn ông Thiệp, về thực phẩm ông luôn có cái biểu đạt thú vị. Đọc văn của ông thấy có một số khía cạnh của tâm thức con người mà nếu như ta chỉ đọc báo chí hay đọc ghi chép về sử học thì không cảm nhận được. Sự gợi mở về cách đọc Nguyễn Huy Thiệp cứ mở ra mãi”, ông Hiếu nhận định.
Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu này, trong một cách nào đó, Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn hạnh phúc. Tác phẩm của ông liên tục được đọc. Ông cũng có những nhà nghiên cứu đồng hành với những chuyên luận sâu sắc về mình, mà ông Mai Anh Tuấn là một ví dụ.
Hệ quy chiếu Nguyễn Huy Thiệp
TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng nếu nói gọn nhất về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, phải nhắc tới câu nhận định của nhà văn Nguyễn Khải: “Sau Nguyễn Huy Thiệp, người ta không đọc như cũ được nữa”. Sự đa nghĩa, vẻ đẹp văn chương và tư tưởng của ông Thiệp mang tới điều đó.
“Người ta nhận ra văn chương còn là cách kể chứ không chỉ là câu chuyện được kể. Sau bao nhiêu năm đọc lại Tướng về hưu, có lẽ mọi người đã hết ngỡ ngàng vì chuyện xay nhau thai, nhưng người ta vẫn luôn bị ám ảnh vì lối văn cực kỳ tiết chế trong đó. Thực ra nó lạnh. Những sáng tác đầu tiên của ông Thiệp như Tướng về hưu chẳng hạn, nó lạnh về trần thuật lắm. Văn học Việt Nam miền Bắc mình ít có cái giọng lạnh đó”, ông Hiếu nói.
“Cũng có người nói những người thương tiếc Nguyễn Huy Thiệp đều là thế hệ già rồi nhưng tôi nghĩ người trẻ nên đọc ông. Như tôi, tôi thích Con gái thủy thần. Tuổi trẻ cần nhận ra, cần biết buồn vì những trống rỗng ý nghĩa của đời sống, biết buồn vì đời sống thiếu một cái gì đó cao cả, đẹp đẽ. Và tuổi trẻ phải biết băn khoăn vì sao những thứ tàn nhẫn của cuộc đời này lại được chấp nhận như một cái gì đó rất bình thường”, nhà nghiên cứu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, một số truyện ngắn của ông Nguyễn Huy Thiệp đã đạt đến độ kinh điển: “Năm 2018, có bộ phim Burning (Đốt cháy) chuyển thể từ truyện ngắn Đốt nhà kho của Haruki Murakami. Tôi nghĩ ông Thiệp khi viết Con gái thủy thần chẳng biết gì về Murakami đâu nhưng truyện đó biểu đạt chủ đề về sự đói khát ý nghĩa của đời sống một cách mãnh liệt và day dứt có lẽ còn hơn cả Đốt nhà kho của Murakami”.
Vì thế, sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời hôm 20.3, đã xuất hiện những băn khoăn về việc làm sao đưa tác phẩm của ông vào sách giáo khoa, nhưng ngược lại cũng có những ngại ngần vì truyện của ông “tục quá, nghiệt ngã quá”. Về vấn đề này, một nhà nghiên cứu chia sẻ: “Học về văn học Việt Nam đương đại mà ta luôn cho rằng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp quá ngưỡng với bọn trẻ thì ở mức độ nào đó là một thất bại trong việc dạy văn”.
Về giá trị tác phẩm của ông Thiệp, ông Hiếu nói: “Có một thời kỳ khi Phan Thị Vàng Anh xuất hiện, người ta nhận xét đấy là “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy”. Tất nhiên, nhận xét này cũng mang định kiến về giới tính nhưng qua đó có thể thấy người ta coi ông Thiệp như dấu mốc để nhận ra có ai xuất hiện. Ông ấy là quy chiếu để xem một nhà văn có đủ thẳng thắn, đủ khốc liệt và đủ gây hấn trong cách viết, cách nghĩ hay không”.
Bình luận (0)