Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời khi vừa được đề nghị tặng giải thưởng nhà nước
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời chiều 20.3, thọ 71 tuổi. Ông sinh ngày 29.4.1950, tại H.Thanh Trì, Hà Nội, là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng cả với kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo. Ông tốt nghiệp Khoa sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn, bằng những truyện ngắn trên Báo Văn nghệ. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, ông đã làm làng văn xôn xao tranh luận về tác phẩm của mình.
Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là các truyện ngắn, với đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.
Mới đây, tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhân ông 70 tuổi vừa ra mắt với minh họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Lê Thiết Cương, Lý Trần Quỳnh Giang, Quách Đông Phương.... Ông cũng viết nhiều kịch bản, trong đó có Gia đình (hay Quỷ ở với người, dựa theo truyện ngắn Không có vua), Nhà tiên tri, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4...
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008). Tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học Nhà nước.
|
Hơn 200 tỉ đồng đầu tư dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ Hội An
HĐND tỉnh Quảng Nam vừa thông qua Nghị quyết đầu tư dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam), với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng.
Ngày 18.3, một lãnh đạo TP.Hội An cho biết, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 9 vừa thông qua Nghị quyết đầu tư dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ Hội An tại kỳ họp thứ 22 (hôm 16.3). Dự án do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 2021 - 2024). Phạm vi đầu tư dự án gồm khu vực 1, 2 phố cổ Hội An có diện tích gần 290.000 m2 với 1.107 di tích các loại cần bảo vệ. Theo đó, sẽ đầu tư xây lắp hệ thống báo cháy tự động tại 1.107 di tích khu phố cổ, xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy, bể chứa nước ngầm 1.000 m3 nước, hệ thống điện thông minh, hệ thống cảm biến khác nhau để thu thập dữ liệu, camera giám sát chữa cháy…
Việc triển khai dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ Hội An được đánh giá vừa có tính cấp thiết trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An, đồng thời có ý nghĩa chiến lược góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Trong một diễn biên khác, sau vụ cô gái ‘thả rông’ vòng 1 chụp ảnh ở di tích Chùa Cầu, TP.Hội An sẽ tăng cường nhân viên nhắc nhở du khách không ăn mặc phản cảm khi tham quan phố cổ, đặc biệt là các di tích lịch sử. Ngày 16.3, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết TP. Hội An sẽ đặt may các trang phục trang nghiêm, đặt tại các di tích tín ngưỡng để phát cho du khách ăn mặc không đúng quy định. Ngoài ra, tại mỗi khu di tích sẽ bố trí nhân viên trực nhắc nhở nếu du khách mặc trang phục quá hở hang, phản cảm.
Theo ông Hưng, quy định trang phục du khách phải đúng thuần phong mỹ tục đã có nhiều năm trước. Tuy nhiên thời gian gần đây, địa phương chưa triển khai quyết liệt do ảnh hưởng dịch Covid-19,
Trước đó, vào giữa tháng 2.2021, mạng xã hội lan truyền hình ảnh cô gái “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh rất phản cảm ở di tích Chùa Cầu. Ngay khi đăng tải, những hình ảnh trên lập tức khiến dư luận phản ứng dữ dội. Bên dưới bài viết, nhiều người để lại bình luận nhằm bày tỏ sự phản đối gay gắt hành vi ăn mặc lố lăng của cô gái ở chốn tôn nghiêm, đặc biệt là ở di tích lịch sử - văn hóa Chùa Cầu. Ngoài ra, không ít người lên án việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1 khi chụp ảnh với một đứa trẻ.
Ngay sau đó, Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An đã nhanh chóng kiểm tra vụ việc, gửi thông tin đến cơ quan công an để xác minh, yêu cầu cô gái này gỡ các hình ảnh phản cảm chụp tại di tích Chùa Cầu trên trang Facebook cá nhân.
Theo ông Hưng, khi xác định cô gái này là người ở TP.HCM, TP. Hội An đã có văn bản đề nghị Sở TT-TT Quảng Nam làm việc với Sở TT-TT TP.HCM để có biện pháp răn đe, nhắc nhở hành vi vi phạm này chứ chưa có chế tài để xử phạt.
|
Công bố đề án xây dựng Tủ sách Huế
Ngày 17.3, tại Tàng Thư lâu (thư viện Hoàng gia triều Nguyễn vừa được trùng tu), UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố đề án xây dựng Tủ sách Huế và ra mắt bộ Địa chí văn hóa Huế, ấn phẩm đầu tiên của đề án.
Việc hình thành Tủ sách Huế nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất cố đô. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên-Huế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ cho xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc T.Ư theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tủ sách Huế còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện con người; tôn vinh các tác giả, người đọc và những người tham gia sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.
Địa chí văn hóa Huế là công trình khoa học đồ sộ, quy mô về địa danh, văn hóa, lịch sử của Thừa Thiên-Huế do nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa biên soạn. Công trình gồm 2 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm, có 14 chương và phần phụ lục với các nội dung chính: ẩm thực; trang phục; y dược cổ truyền; phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự; trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian; tín ngưỡng, tôn giáo; ngôn ngữ; giáo dục; văn học, báo chí - xuất bản; nghệ thuật diễn xướng, tạo hình và nhiếp ảnh, điện ảnh; di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, nhân vật văn hóa…
|
Tà áo xanh đã về với mây trời...
NSƯT Lê Hằng - một trong những ca sĩ nổi tiếng của giới mộ điệu âm nhạc Hà Thành trước năm 1954, bóng hồng trong những tình khúc Đoàn Chuẩn... qua đời ngày 18.3.
Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Lê Hằng (sinh năm 1935 tại Hà Nội) qua đời tối 18.3 do bệnh nặng. NSƯT Lê Hằng được xem là nàng thơ huyền thoại của tân nhạc Hà thành trước năm 1954, diva nhạc đỏ thập niên 1960 với ca khúc nổi tiếng Trước ngày hội bắn (song ca cùng Trịnh Quý). Bà còn được nhắc và nhớ đến khi là bóng hồng trong những tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng... cùng câu chuyện về một mối tình câm lặng đã trở thành một huyền thoại văn nghệ.
Trong chương trình Chân dung cuộc tình (do Jet Entertainment thực hiện năm 2019), NSƯT Lê Hằng chia sẻ: “Tôi biết bài ấy ông làm cho tôi vì tôi hay rất hay mặc áo xanh… Tôi nhớ lắm, tôi đến nhà ông ấy, tôi ra ban công đứng rồi bảo sao mùa xuân lá vẫn rơi…Thế là thế nào nhỉ…Ông viết về tôi thì tôi rất cảm ơn, nhưng bảo tôi hát thì tôi không hát. Người ta đã viết về mình, mà mình lại ca ngợi mình thì không được…”
Nhiều năm trước, trong chương trình Giai điệu tự hào của Đài Truyền hình Việt Nam có phát lại ca khúc nổi tiếng một thời Trước ngày hội bắn. Ca khúc này được nhạc sĩ, liệt sĩ Trịnh Quý sáng tác năm 1961 khi Lê Hằng và Trịnh Quý cùng công tác trong đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc. Bài hát là lời hẹn ước của đôi trai gái yêu nhau trước khi bước vào ngày hội của các quân dân miền núi phía Bắc, ngay từ khi ra đời đã được yêu thích bởi sự hòa quyện giữa tiếng hát trong trẻo, cao vút của NSƯT Lê Hằng và giọng ca mộc mạc, chân phương của nhạc sĩ Trịnh Quý. Đến nay, dù nhiều ca sĩ đã thể hiện lại bài hát này nhưng như nhìn nhận của người mộ điệu nói chung lẫn giới chuyên môn, chưa ai có thể vượt qua được vẻ đẹp bản thu âm của NSƯT Lê Hằng - Trịnh Quý.
Lễ viếng NSƯT Lê Hằng diễn ra từ 9 giờ 30 - 10 giờ 45 ngày 22.3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
|
Thay đổi góc nhìn lịch sử với ả đào
Một dự án phim tài liệu lịch sử về nghệ thuật ả đào (ca trù) đang được tiến hành sản xuất dưới sự đỡ đầu, bảo trợ của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Dự án phim Ả đào do Công ty truyền thông BIBI media thực hiện theo thủ pháp phim truyện hồi cố, khắc họa cả cuộc đời, số phận của những đào kép thuở xưa.
“Tôi viết kịch bản phim Ả đào trong đúng 1 tháng vào năm 2017”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho hay. Kịch bản được đúc rút từ tư liệu lịch sử, tản văn, hồi ký, từ những câu chuyện ông được nghe từ chính những nghệ nhân ả đào trong các chuyến điền dã… Ông Hiền nghiên cứu sâu về ả đào từ năm 2014. “Anh Loan (nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - PV) đưa cho tôi nghe băng ả đào lưu giữ ở Viện Âm nhạc, có băng thu từ năm 1959 - 1979. Khi ấy, tôi đã rất sửng sốt”, ông Hiền nói, và kể thêm: “Hơn 6 năm, mỗi ngày lại có những điều khiến tôi vỡ ra, có khi thấy sốc. Ả đào không chỉ có vài bài mình nghe suốt trong mấy chục năm qua, mà có rất nhiều bài bản biểu hiện những sắc thái khác nhau, có điều không còn ai hát nữa. Ả đào là một thể tài rộng lớn mà mỗi đào nương có khi chỉ biết một góc, không ai biết hết tất cả”. “Cùng với kịch bản, tôi đã đặt sẵn sơ đồ nhạc cho phim. Tôi muốn dùng thứ âm nhạc có sức biểu cảm này làm nhạc nền để nối cảm xúc với người xem”, ông Hiền cho biết.
Lấy bối cảnh những năm 40 của thế kỷ 20, bộ phim được chia thành 3 chương theo diễn tiến lịch sử của nghệ thuật ả đào: Cửa đình, Nhà hát cô đầu và Lưu lạc. “Tất cả nhân vật trong phim được dựa theo những nhân vật, câu chuyện có thật trong lịch sử (nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ…), gồm cả những đào kép vô danh đã ngã xuống bên chiến lũy, hy sinh vì Hà Nội. Chúng tôi cố gắng dựng lại, mô phỏng một cách trung thực nhất”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói. Sự trung thực còn nằm ở việc nhìn nhận những đóng góp của đào kép với lịch sử đất nước, lịch sử của nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam.
Kịch bản hoàn thành từ năm 2017, nhưng “suốt mấy năm chưa có tiền để làm”, ông Hiền cho hay. Ông quyết định tặng lại bản quyền kịch bản phim Ả đào cho đạo diễn Nguyễn Trung Thành (Giám đốc Công ty truyền thông BIBI). “Mới đầu, tôi tham gia sản xuất một số chương trình truyền hình về đào kép theo kiểu chân dung nhỏ, sau anh Hiền đi tập huấn, hay biểu diễn ở đâu, tôi cũng đi theo để quay tư liệu. Từ công việc rồi tôi mê luôn ả đào. Kịch bản này anh em ấp ủ từ lâu nhưng chưa biết làm thế nào… Tôi nói câu chuyện này với nhiều người, không ngờ mọi người thích muốn được chung tay vào”, đạo diễn Nguyễn Trung Thành kể.
Vị đạo diễn cho hay một đơn vị làm kỹ xảo hứa tài trợ phần trailer, còn các diễn viên tham gia thì nhiều người không nhận cát sê. “Anh em làm bối cảnh nói cần tiền mua vật liệu, còn tiền công họ không lấy. Cùng tham gia bộ phim này là cái duyên của chúng tôi mà vẫn hay trêu nhau là cùng có “căn” hay “lên đồng” với ả đào”, ông Thành kể. Trailer phim dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 5, để tiếp đó tìm tài trợ kinh phí làm phim dài. Niềm vui được nhân lên khi PGS-TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng) chính thức đồng ý để Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đứng ra đỡ đầu, bảo trợ cho phim.
Nhạc sĩ Nhất Lý tình nguyện tham gia với vai trò đạo diễn âm thanh. Cùng với một số bản ghi âm của các danh ca, danh cầm ngày trước, phim sẽ được nhạc sĩ thu âm trực tiếp với dàn diễn viên chính là những ca nương, kép đàn thực thụ. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, ca nương Vũ Thùy Linh và Phạm Thị Liên vào vai chính là những ca nương được rèn giũa tốt nhất. Vào vai tái hiện hình ảnh chính người thầy của mình - nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ca nương Vũ Thùy Linh được ông Hiền đánh giá là người gõ phách “giống các cụ số 1”. Phim còn có những nhân vật là văn sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng từng lui tới, quan hệ thân thiết với giới cô đầu Hà Nội, như Nguyễn Tuân, Tchya Đái Đức Tuấn, Văn Cao… Có nhiều cái duyên đến với đoàn phim khi tìm diễn viên vào những vai này, chẳng hạn vào vai nhà văn Trần Tiêu dự kiến sẽ là chắt của ông - anh Trần Hoàng, con trai đạo diễn Trần Lực; hay nhà văn Trương Quý vào vai Văn Cao khi anh được chính người thân gia đình nhạc sĩ xác nhận là “rất giống”…
“Sách sử thời Lý đã ghi nhận giáo phường ả đào và nói rõ triều đình cai quản việc làm ăn của giáo phường thông qua quản giáp. Theo tài liệu của Nguyễn Đôn Phục, trước thế kỷ 20, các tỉnh miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi huyện có 1 - 2 làng ả đào. Cho đến những năm 1940, người Pháp thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 cô đầu hoạt động trong hàng trăm nhà hát cô đầu. Số lượng những diễn viên tuồng, chèo, cải lương khi đó cộng lại cũng không thể bằng ả đào”, ông Hiền cho hay và nhìn nhận nhà hát cô đầu là mô hình nhà hát thính phòng đầu tiên trong lịch sử, cho thấy sức sống tự thân của một loại nhạc chuyên nghiệp, nghĩa là loại nhạc đã thành phương tiện nghệ thuật để kiếm sống.
|
Bố già vượt Avengers: Endgame chạm mốc doanh thu 290 tỉ đồng
Sau gần 14 ngày ra rạp, Bố già chính thức trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất tại Việt Nam khi thu về 290 tỉ đồng, cao hơn cả 'bom tấn' Avengers: Endgame .
Tính đến 14 giờ ngày 19.3, phim điện ảnh Bố già đã chạm mốc doanh thu 290 tỉ đồng. Tác phẩm do Trấn Thành đồng làm đạo diễn và đóng chính cũng thiết lập thành tích chưa từng có tiền lệ trước đây khi một bộ phim Việt Nam lại có doanh thu cao hơn cả bom tấn nước ngoài từng gây sốt một thời là Avengers: Endgame, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt Nam.
Ra mắt năm 2019, Avengers: Endgame nhanh chóng chiếm vị trí ngôi vương phòng vé Việt Nam với doanh thu 112 tỉ đồng ngay trong 4 ngày đầu ra mắt. Sau 2 tháng trụ rạp, bộ phim thứ 22 của Marvel đạt thành tích 285 tỉ đồng và giữ vị trí phim ăn khách nhất lịch sử màn ảnh Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, sức nóng của Bố già vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các suất chiếu của phim hầu hết đều trong tình trạng kín rạp. Vì vậy, không chỉ dừng con số doanh thu 290 tỉ đồng, tác phẩm dự kiến sẽ sớm đạt mốc doanh thu 300 tỉ đồng, tiếp tục tạo nên cột mốc đáng nhớ cho nền điện ảnh Việt Nam. Toàn bộ các thành viên trong ê-kíp rất phấn khởi và cảm động trước sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả dành cho bộ phim.
Bố già do Trấn Thành đầu tư sản xuất, biên kịch, đóng chính và đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng. Phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Ba Sang trong một khu phố lao động giữa lòng Sài Gòn. Ngoài Trấn Thành, phim còn có sự tham gia của NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Tuấn Trần, Lan Phương, Minh Tú, Hoàng Mèo, La Thành...
|
Taylor Swift và Billie Eilish thắng lớn tại Grammy 2021
Lễ trao giải Grammy lần thứ 63 diễn ra sáng 15.3 (giờ Việt Nam) tại Los Angeles (Mỹ) với chiến thắng của Taylor Swift và Billie Eilish ở hai hạng mục chính.
Hạng mục Ghi âm của năm – giải thưởng được công bố sau cùng tại lễ trao giải Grammy 2021 – xướng tên Billie Eilish với ca khúc Everything I Wanted. Cô gửi lời cảm ơn đặc biệt đến anh trai - Finneas O'Connell, người đồng sáng tác bài hát. Các nhà phê bình khen ngợi chất nhạc pop kết hợp âm nhạc điện tử của Everything I Wanted. Ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng ở Ireland và Na Uy, thứ ba ở Anh và vào top 10 Billboard Hot 100 ở Mỹ.
Ngôi sao Taylor Swift thắng giải Album của năm với album Folklore. Trong lời cám ơn khán giả và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm Mỹ cô nói mình hãnh diện khi là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Giải thưởng này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn.
Hạng mục Bài hát của năm thuộc về H.E.R với ca khúc I Can’t Breath lấy cảm hứng từ nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, qua câu nói của người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát gì cổ đến chết đã kêu lên: “Tôi không thể thở” (I Can’t Breathe). Ca sĩ gợi cảm Dua Lipa trình diễn tại lễ trao giải đã chiến thắng hạng mục Album pop xuất sắc với Future Nostalgia. Cô cảm ơn gia đình, bạn bè, êkíp và khán giả đã luôn ở bên động viên cô. Năm 2020, Dua Lipa phải hủy tour vì dịch Covid-19 nhưng thành công với các show diễn trực tuyến và album.
Giải Nghệ sĩ mới xuất sắc được trao cho Megan Thee Stallion – rapper nổi tiếng đến từ Houston, Texas. Ca khúc remix Savage kết hợp với Beyoncé giúp cô đạt vị trí số một bảng xếp hạng Top 100 Songs của Rolling Stone. Với 4 giải Grammy dù không phải các hạng mục quan trọng nhưng Beyoncé đạt tổng cộng 28 giải, vượt qua Alison Krauss, trở thành nghệ sĩ thắng nhiều giải Grammy nhất.
Ở lĩnh vực nhạc pop, Harry Styles giành thắng lợi ở hạng mục Trình diễn solo nhạc pop hay nhất với bài Watermelon Sugar. Fan BTS thất vọng khi nhóm nhạc Hàn thần tượng dù trình diễn tại lễ trao giải Grammy nhưng “trắng tay” ở hạng mục Màn biểu diễn nhạc pop của nhóm/bộ đôi xuất sắc với ca khúc Dynamite. Chiến thắng ở hạng mục này là bộ đôi Lady Gaga và Ariana Grande qua bài Rain on Me. Giải Album pop truyền thống được trao cho James Taylor với American Standard.
Trong khí đó Miranda Lambert thắng giải Grammy năm nay ở Album nhạc country hay nhất với album Wildcard. Album rock xuất sắc là The New Abnormal của The Strokes.
Bình luận (0)