Ẩm thực
Nức tiếng bít tết Nam Sơn ở Sài Gòn
Người Sài thành có muôn vàn lựa chọn khi muốn thưởng thức món bò bít tết ăn trên chảo gang nóng hổi. Một quán ngon và lâu đời ở Sài Gòn có thể kể đến là bít tết Nam Sơn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 03). Có mặt ở Sài Gòn từ năm 1992, quán bò bít tết Nam Sơn lúc đầu chỉ là một quán nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai với số vốn khởi nghiệp ít ỏi, sau 8 năm đã hoạt động ổn định trên hai con đường lớn ở Sài Gòn là Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông xã của chủ quán vốn đứng bếp chính cho tiệm bít tết trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, sau khi người chủ ra nước ngoài đã thuê lại quán và tiếp tục duy trì món ăn hấp dẫn này. Chủ quán chia sẻ: về cơ bản các món bít tết của quán từ năm 1992 đến giờ không thay đổi: bò bít tết tẩm ướp đậm đà theo bí quyết riêng, ăn chung với ốp la, xíu mại và pátê.
Ẩm thực
Bánh mì ở đâu ngon nhất Việt Nam?
Đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain, nổi tiếng với loạt ký sự truyền hình về ẩm thực "Anthony Bourdain: No Reservations", đã phải xuýt xoa khi ăn ổ bánh mì ở đây. Ông gọi cho mình một ổ bánh mì rất "deluxe" (chất lượng), bao gồm tất cả các món trên quầy kèm thêm một trứng ốp la nóng hổi. Ngẩn ngơ trước bàn tay khéo léo cắt dọc ổ bánh mì, tuần tự cho vào từng dòng nước sốt, bơ, pâté, rau thơm, cà chua, rồi đến chả, thịt... đến nỗi Anthony đã phải thốt lên "Đây quả thật là một bản giao hưởng của bánh mì!" (That's a symphony in a sandwich!). Nằm trên con đường Phan Châu Trinh, tiệm bánh mì nhỏ nhắn chỉ với 1 chiếc tủ kính lớn chứa các loại nhân đặt ở ngay cửa. Phía bên trong bày vài bộ bàn ghế nhỏ cho khách muốn thưởng thức tại chỗ. Chỉ đơn giản như vậy, nhưng tiệm bánh mì này đã tồn tại từ trước thời kỳ mở cửa của Việt Nam cho tới tận ngày nay.
Ẩm thực
Bánh mì ngon và đông nhất Sài Gòn
Phải chờ khá lâu để có được một ổ bánh mì với giá 30.000đ, điều đó chắc chỉ có thể xảy ra ở xe bánh mì Huỳnh Hoa trên con đường nhỏ Lê Thị Riêng ở quận 01. Nghịch lý, nhưng cũng phần nào phản ảnh sức hấp dẫn của ổ bánh mì nức tiếng mà nhiều người quen gọi là "bánh mì ô môi" này. Cứ chiều đến, từ 3h trở đi, có một đoạn đường Lê Thị Riêng lúc nào cũng đông nghịt người, không kém giờ cao điểm tan học của một trường tiểu học gần đó là bao. Không chỉ người dân địa phương, mà ngay cả du khách các nước ở khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện gần đó cũng ghé mua thử do có rất nhiều trang mạng quốc tế giới thiệu về xe bánh mì này.
Ẩm thực
Bò né ngon và mắc nhất Sài Gòn
Đầu tuần vừa rồi tôi có làm một khảo sát nho nhỏ trên trang Facebook Fanpage của Sài Gòn Ẩm Thực (https://www.facebook.com/saigonamthuc.vn) về các quán bò né và bít tết ngon ở Sài Gòn. Chỉ sau 1 ngày, bài viết đã đạt gần 700 lượt like cùng rất nhiều góp ý đặc sắc của độc giả. Tổng hợp lại, có thể thấy rõ ở Sài Gòn có 2 "trường phái" thưởng thức món bò hấp dẫn này: kiểu miếng lớn nguyên thủy như Tín Hưng, và kiểu ăn trên chảo gang nóng như ở quán Lệ Hồng. Cho dù nằm sâu trong một con hẻm tận bên Phú Nhuận, vậy mà từ trưa chiều cho đến tối hiếm khi quán bò né - bít tết này lại thưa khách. Quả thật, hương vị chăm chút và tinh tế khiến cho nhiều thực khách không ngại đường xa đến thưởng thức để rồi phải gật gù khen ngon.
Ẩm thực
Xếp hàng mua bánh mì ở Sài Gòn
Đã hơn 30 năm có mặt ở số nhà 110 Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), tiệm bánh mì này luôn nườm nượp người xếp hàng mua ổ bánh mì thuộc hàng ngon nhất Sài Gòn. 5h sáng đã diễn ra cảnh xếp hàng mua bánh mì tại 110 Hoàng Văn Thụ. Những giờ khác cũng có rất đông người qua lại cũng tấp vào để mua cho được ổ bánh mì ngon lành mà sạch sẽ. Trước đây, tiệm bánh mì này có tên Hồng Hoa 110, nhưng ngày một nhiều cửa hàng nhái tên này nên tiệm lấy luôn số nhà đặt tên cho tiện. Hồng Hoa là tên của chủ quán. Nhà không phải thuê nên người chủ cũng không lo mất thương hiệu. Cũng bởi không phải lo chi phí mặt bằng nên ổ bánh mì tại đây có phần nhân khá chất lượng mà chỉ bán với giá 15.000 đồng/ổ. Nhân gồm có xúc xích, chà bông, thịt luộc, paté, chả lụa, đồ chua, sốt trứng đặc trưng của Sài Gòn, đồ chua, dưa leo và rau ngò. Sự đặc sắc và tinh tế là do nhà tự làm chứ không phải lấy mối.
Ẩm thực
Bánh mì thịt 80 năm tuyệt ngon trên đường Huỳnh Khương Ninh
Bánh mì Bảy Hổ đã có mặt từ những năm 30 của thế kỷ trước trên con đường nhỏ Huỳnh Khương Ninh (quận 01). Đến nay, cho dù nằm ngay trung tâm của khu Đa Kao đắt đỏ thì ổ bánh mì giòn tan thơm ngon vẫn chỉ được bán có 10.000đ/ổ. Hơn 80 năm trước, ông Trần Văn Hậu, quê gốc ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã bán món bánh mì kẹp thịt, pâté và chả lụa ở con đường nhỏ Huỳnh Khương Ninh này. Nét đặc biệt khác hẳn bánh mì nơi khác là ổ bánh mì rất nhỏ xinh, cầm vừa tay và ăn vừa miệng. Người nối nghiệp bây giờ là con gái và cháu ngoại của ông Hậu cho biết, có lẽ bán cho “dân quận Nhất” nên ổ bánh mì ông đặt nhỏ như vậy, không phải để ăn no mà để ăn chơi.
Ẩm thực
Xôi ngon hơn nửa thế kỷ
Gần sáu chục năm qua, xe xôi Tám Cẩu vẫn đều đặn phục vụ ở góc ngã tư Cao Thắng và Điện Biên Phủ (quận 10). Buổi sáng đi ngang qua đường Điện Biên Phủ có thể thấy ngay xe xôi này ở góc ngã tư. Còn buổi chiều thì chỉ khách quen mới biết vì xe đứng lùi vào con hẻm sát tiệm phở 5 sao gần đó. Chị Hà Thị Lượng, chủ nhân của xe xôi lâu đời này cho biết “chị cũng không rõ vì sao có tên Tám Cẩu, rất có thể lấy tên má chị, vì má chị là con thứ tám trong gia đình. Cha chị họ Hà, người gốc Hoa, còn má quê ở Bình Chánh. Có lẽ món thịt heo luộc làm nên danh tiếng của Tám Cẩu ảnh hưởng khá nhiều từ cách nêm nếm của người Hoa”. Những khách quen đã trót thích vị thịt luộc của xôi Tám Cẩu thì không còn tìm ăn ở những nơi khác nữa. Chị Lượng bật mí, làm món thịt luộc theo cách của ba chị rất cầu kỳ. Đo là phải chọn thịt ba rọi cuốn với thịt nách, lựa loại ít mỡ, bó thật chặt rồi luộc đúng một tiếng rưỡi, luộc ít hơn thì thịt cứng, luộc quá giờ thì thịt bị bở, khi cắt sẽ rất dễ nát.
Ẩm thực
70 năm bánh mì thịt nguội Sài Gòn
Nhà hàng Nguyên Sinh bán món bánh mì với thịt nguội (người Hà Nội xưa hay gọi là “cơm Tây”) cho tầng lớp trung lưu hay công chức làm việc cho Pháp từ năm 1942, cũng là một trong những nhà hàng đầu tiên do người Việt mở ở Hà Nội, với cái tên “Nguyên Sinh restaurant”. Chủ tiệm bánh mì Nguyên Sinh là ông Nguyễn Văn Miêu năm nay 96 tuổi, hiện sống ở Sài Gòn cùng người con trai cả và con trai út, cũng hai người đang nối nghiệp ông. "Nguyên Sinh" chính là tên người con trai cả của ông. Tiệm bánh mì Nguyên Sinh ở Sài Gòn mở năm 1982 dù ông Miêu vào Sài Gòn từ 1979. Còn chi nhánh bánh mì Nguyên Sinh ở Hà Nội là của người con trai thứ. Cách thưởng thức bánh mì thịt ở tiệm Nguyên Sinh Sài Gòn thật khác lạ, một dĩa thịt nguội được đưa ra gồm 7 loại khác nhau: paté gan, xúc xích, giò thủ, giò heo rút xương, thịt hun khói… ăn kèm đồ chua gồm củ cải, dưa leo và cà rốt ngâm chua và bơ ngoại nhập. Có lẽ đây cũng là hình ảnh về lối thưởng ngoạn phong lưu của người Hà Nội dưới thời Pháp thuộc. Ấn tượng nhất phải kể đến món pâté gan heo hay gan gà với một hương vị đặc trưng không thể diễn tả bằng lời, hòa quyện với hương bánh mì để lại một dư vị thật khó tả. Chủ quán tiết lộ, món pâté được cho bột quế (chứ không phải húng lìu như thường thấy) ở một mức rất ít, vừa đủ để món này không quá nồng mà dậy lên mùi thơm quyến rũ. Các món thịt xông khói hay xúc xích cũng vậy, với hương vị đặc thù mà không tiệm nào khác có được (dù cho hình thức có thể rất giống nhau).
Ẩm thực