Cuối cùng, Lionel Messi cũng đã nâng cao chiếc cúp vô địch FIFA World Cup, như một sự xác nhận tư cách huyền thoại. Thật ra, Messi đã xứng đáng “ngồi chung mâm” với Diego Maradona và Pele, trong hàng ngũ ba tượng đài vĩ đại nhất suốt lịch sử bóng đá rồi. Danh hiệu vô địch World Cup 2022 chẳng qua chỉ là một sự “bổ sung hồ sơ”, như một câu trả lời thuyết phục đối với phe “phản biện” thôi. Và dù Messi đã chính thức lên ngôi vô địch World Cup, trong tư cách ngôi sao trụ cột hẳn hoi, thì sự tranh cãi cũng chẳng dừng lại. Đành rằng bóng đá là vậy, nhưng cũng cần nói thêm: so sánh tượng đài bóng đá trong các thế hệ khác nhau là việc không bao giờ dẫn đến kết quả “hai 5 rõ 10”.
Ba tượng đài vĩ đại nhất lịch sử (ở đây chúng tôi liệt kê theo thời điểm xuất hiện chứ không phải theo thứ hạng nào) Pele, Maradona, Messi khác nhau ở những điểm nào - đấy luôn là chỗ mấu chốt trong mọi cuộc tranh cãi. Vẫn biết, bóng đá đỉnh cao qua từng thời kỳ là khác hẳn nhau, nên không thể dựa vào yếu tố chuyên môn để so sánh đẳng cấp của các ngôi sao.
Pele, Maradona và Messi mỗi người đều có tầm ảnh hưởng riêng trong thời đại của mình |
afp |
Những gì hay ho nhất về mặt kỹ năng, mà Maradona từng làm để giới hâm mộ nhìn vào đấy và phán xét ông giỏi hơn Pele, thì bây giờ lại phải nói rằng Messi giỏi hơn Maradona. Đấy là khả năng chơi bóng như làm xiếc, cơ man danh hiệu “số 1” đã tích lũy, các ngôi vô địch danh giá nhất trong làng bóng đỉnh cao, và sự ổn định suốt hơn chục năm của tất cả những giá trị vừa nêu, để hình thành cái mà người ta gọi là “đẳng cấp vĩnh viễn”.
Thật ra, Messi ở tuổi 13 bị chính làng bóng Argentina quay lưng. Ngay cả các lớp đào tạo năng khiếu ban đầu cũng đã đóng sầm cánh cửa đối với cậu bé bị bệnh còi xương, học lớp 5 mà còn thấp bé hơn học sinh lớp 1. Các CLB lớn nhất Argentina, như River Plate, cũng không kham nổi chi phí chữa bệnh cho Messi, trước khi dạy cho cậu bé chơi bóng đúng cách. Sau này, người ta nói nhiều về “bản hợp đồng đầu đời”, được viết nguệch ngoạc trên một mẩu giấy, để rốt cuộc thì Messi gia nhập CLB Barcelona của Tây Ban Nha trong tư cách học viên của lò đào tạo La Masia. Kỳ thực, Barcelona chẳng qua là lựa chọn tốt nhất để Messi… chữa bệnh miễn phí. Gia đình Messi được bao ăn ở, vì tất nhiên không ai cho phép Barcelona chỉ nhận một cậu bé 13 tuổi từ Argentina sang Tây Ban Nha học chơi bóng mà không có người lớn bên cạnh. Thế rồi, thuốc chữa bệnh còi xương cho Messi dù có chất… doping trong thành phần đi nữa, cũng không ai được thắc mắc trước khi anh tròn 18 tuổi, vì trị bệnh là ưu tiên 1, là vấn đề nhân đạo…
Ngày xưa, không có điều kiện như vậy. Messi mà sinh cùng thời với Maradona thì còn không được đá bóng, chứ khoan nói chuyện thành công. Hoặc nếu Maradona, Pele mà sinh ra trong thời đại này, họ sẽ còn hay hơn Messi - trên cơ sở họ đã hơn hẳn Messi ở xuất phát điểm? Tít mù nó lại vòng quanh: mọi sự tranh cãi cứ lẩn quẩn xoay quanh những chữ “nếu” như vậy.
Bây giờ, Messi dù có thành công đến đâu đi nữa, thì anh cũng không bao giờ có tầm ảnh hưởng lớn như Maradona - ngôi sao có thể kích hoạt cả một cuộc chiến tranh. Và đấy là khác biệt quan trọng trong những cuộc so sánh tương tự. Ngày xưa, Maradona nói câu gì thì cả xã hội lắng nghe câu đó. Từ một câu nói (có ý thức) của Maradona, cả nước Argentina trở nên sôi sục và Tổng thống Argentina Leopoldo Galtieri (vốn là một viên tướng) lập tức tiến quân về quần đảo Falklands/Malvinas đang tranh chấp với Anh, chiến tranh chính thức bùng nổ.
Những chuyện như vậy, Pele còn hơn Maradona rất nhiều, cho nên Maradona dù có thể hay hơn Pele trong khía cạnh bóng đá thuần túy (như Messi hay hơn Maradona), thì biệt danh “vua bóng đá” của Pele vẫn không suy suyển. Người ta phải thay trọng tài “vì tội” đuổi Pele khỏi sân (mà xét theo luật bóng đá thì đấy là quyết định đúng), rồi vào tận phòng thay đồ mời Pele trở lại chơi bóng. Giới ngoại giao và các chuyên gia nghi lễ tranh cãi xem phải giới thiệu Pele với công tước xứ Edinburgh, hay ngược lại. Pele được dẫn đường và hộ tống theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia khi sang Pháp. Quốc hội Brazil “ra luật” quốc hữu hóa Pele, không cho phép chuyển nhượng ngôi sao bóng đá này ra nước ngoài… Tranh cãi Pele, Maradona hay Messi là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá làm gì nữa, khi đã có những chuyện cho thấy Pele còn… lớn hơn bóng đá!
Bóng đá thật sự phủ kín thế giới một phần nhờ công của Pele, để rồi mới có hệ quả là trong cái thế giới bóng đá bây giờ, Messi trở thành ngôi sao vĩ đại nhất. Không có Pele thì Messi sẽ là tượng đài lớn nhất lịch sử bóng đá - nhưng đấy lại chỉ là loại hình bóng đá chỉ đơn thuần là một môn thể thao như bao môn khác mà cầu thủ lĩnh lương vài trăm ngàn USD mỗi năm, giá chuyển nhượng ngôi sao là… hai mươi bộ đồ cầu thủ (như ngôi sao Ireland Tony Cascarino từng chuyển nhượng hồi đầu thập niên 1980).
Bình luận (0)