Trưa 25.8, PGS Nguyễn Hoành Khung, chuyên gia kỳ cựu, hàng đầu về văn học Việt Nam, đã qua đời tại nhà riêng, thọ 86 tuổi.
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong giới cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (thường được gọi là Khoa Văn), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Thầy Khung là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ tinh hoa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cái nôi đào tạo sư phạm của cả nước. Thầy mất đi, nhiều cựu sinh viên văn sư phạm cảm thấy như mất đi một phần đẹp đẽ nhất trong ký ức tuổi thanh xuân ở giảng đường ĐH của mình.
Bậc đại sư của Khoa Ngữ văn thời hoàng kim
Theo PGS Nguyễn Thị Bình, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, trước khi về nghỉ hưu thì ở Khoa Ngữ văn, thầy Khung là nhà giáo có lượng fan hâm mộ đông đảo nhất. Các thế hệ sinh viên của thầy, không ai không bị mê hoặc bởi các giờ giảng của thầy. Thầy chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhẹ làm sống lại trước các thế hệ sinh viên bao thăng trầm thời cuộc, bao vẻ đẹp của thơ mới, của văn xuôi Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân...
Thầy sống rất thanh bạch, chẳng màng danh vọng, xa lạ với mọi sự đố kỵ, bon chen. Thầy là một trong số những bậc đại sư đã làm nên thời hoàng kim của Khoa Ngữ văn - nơi đã cho bao thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn, dù sau này họ có là ai (những tài năng hay giáo viên bình thường) niềm hãnh diện được là học trò của thầy.
Theo ngôn ngữ của thời bây giờ, thầy là "người truyền cảm hứng" vĩ đại. Bản năng tinh tế hiếm có, lại thông kim bác cổ, thầy trò chuyện mặn mà được với mọi đối tượng, chuyện không dứt ra nổi.
Có người viết hay hơn nói, có người nói hay hơn viết. Thầy Khung nói hay viết đều hấp dẫn như nhau.
PGS Bình chia sẻ: "Những trang sách của thầy thật mới mẻ, nhiều phát hiện sắc sảo, nhiều tính phản biện, lối diễn đạt tinh tế, tài hoa, không lẫn với ai. Tôi đã chứng kiến bạn bè tôi ở ký túc xá, vừa đọc sách của thầy, vừa chốc chốc rền rĩ xuýt xoa, tay vớ lấy cuốn sổ, miệt mài chép lại những đoạn văn tâm đắc".
"Chúng tôi thường nói với nhau, thầy Khung đúng là sinh ra để dành cho văn chương. Nói không ngoa, thầy làm đẹp, làm sang rất nhiều cho văn chương. Với tôi, thầy cũng là hiện thân của sự thanh tao, lịch lãm của Hà Nội thời vang bóng...", PGS Bình nói.
Cũng theo PGS Bình, đám hậu sinh có lẽ ai cũng nhận được từ thầy những tri thức quý giá, cũng cố học thầy lối tư duy khúc chiết và sự nghiêm cẩn, mực thước trong câu chữ. Những buổi sinh hoạt học thuật hay bảo vệ luận văn, luận án mà có thầy là cầm chắc không tẻ nhạt. Thầy khen hay chê đều xác đáng, cặn kẽ, ráo riết, thấu lý đạt tình. Hơn thế, cách nói của thầy bao giờ cũng hóm hỉnh, thú vị.
Bất cứ khi nào sinh viên hay các đồng nghiệp thế hệ sau cần tới thầy, thầy đều tận tình chỉ bảo. "Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh tuy không làm luận văn, luận án với thầy cũng khoe đã đến thầy "ăn mày" được một bị nặng chữ nghĩa. Nhưng sự nhạy cảm với văn chương, tâm hồn tinh tế, tài hoa, khiếu hài hước của thầy thì có lẽ khó ai học được. Có những phẩm chất trời chỉ cho riêng một ít người", PGS Bình nhận xét.
Người thầy tài hoa và chỉn chu
PGS Đinh Trí Dũng (Trường ĐH Vinh) tự thấy mình là người may mắn khi được thầy Khung hướng dẫn làm tiến sĩ.
Trong quá trình làm nghiên cứu sinh của mình (1993 - 1998), có nhiều lúc ông cảm thấy nản lòng. Khi đó, với ông, căn phòng nhỏ của gia đình thầy Khung như một ốc đảo yên bình giữa một xã hội cũng đang nhiều "giông tố" (tên một tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng, khi đó PGS Dũng nghiên cứu vấn đề này - PV). Thỉnh thoảng, thầy lại động viên học trò với nụ cười bình thản, hóm hỉnh: "Gió lào xứ Nghệ (quê PGS Dũng - PV) mà còn chịu nổi, khó khăn đất Hà Thành này ăn thua gì".
PGS Dũng kể: "Gần thầy mấy năm, tôi học được ở thầy nhiều điều. Trước hết là sự cẩn trọng, chỉn chu, thái độ khách quan trong nghiên cứu khoa học. Thầy đã lên tiếng khá sớm để "minh oan" cho Vũ Trọng Phụng, bảo vệ và đề cao thơ lãng mạn, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn… Chuyên đề thầy lên lớp mà sinh viên, học viên rất mê là Nhìn lại vụ án Vũ Trọng Phụng và một số bài học đặt ra trong nghiên cứu khoa học.
Nhưng mặt khác, thầy cũng không đồng tình với thái độ cực đoan, nói lấy được của một số cây bút đang say sưa "phản tỉnh" lúc bấy giờ. Khi tôi làm luận án, thầy luôn căn dặn: "Đừng cực đoan, cực đoan quá thì không gặp chân lý. Vũ Trọng Phụng rất tài năng, có nhiều tác phẩm là đỉnh cao của văn học hiện thực phê phán, nhưng Vũ Trọng Phụng cũng có nhiều điểm hạn chế, không thể nói khác được.
Tôi cũng rất thích những bài viết, những trang giáo trình của thầy, một lối văn mực thước, khoa học, sâu sắc, chỉn chu trong từng câu chữ. Khi tôi hoàn thành bản thảo luận án đưa đến thầy, thầy đọc rất cẩn thận, dùng bút ghi chi tiết các lỗi bên cạnh, kể cả lỗi diễn đạt. Tôi vẫn còn nhớ nét bút và những lời phê của thầy: "Đoạn này ý gì?"; "Sao 2 đoạn văn này cọc cạch thế?"; "Kết luận thế này không ổn". Sau này, mỗi khi dễ dãi viết nhanh một bài báo để kịp đăng, tôi lại giật mình nghĩ đến cuốn luận án và những lời phê của thầy".
PGS Dũng còn cho biết, thầy Khung là một người không quan tâm nhiều đến chức tước, các loại huân chương, giải thưởng. Thầy là một người mà tâm thế, bản lĩnh sống an nhiên, tự tại, giàu chất trí thức, hiểu người, hiểu mình. Khi thầy được phong Nhà giáo ưu tú, rồi Nhà giáo nhân dân, ông Dũng gọi điện chúc mừng thầy, thầy bảo cũng chẳng có gì mà phải khoe, mà liên hoan này nọ, ưu tú hay nhân dân quan trọng nhất là học trò thừa nhận.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hoành Khung nguyên là giảng viên cao cấp, nguyên Phó trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội).
Khi còn công tác tại Khoa Ngữ văn, PGS Nguyễn Hoành Khung được Bộ GD-ĐT mời viết sách giáo khoa, thẩm định chương trình (giai đoạn 1987 - 2001), ra đề thi tuyển sinh ĐH (trước khi có kỳ thi "3 chung"). Năm 2006, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong các trường THPT, PGS Nguyễn Hoành Khung đã lên tiếng cảnh báo về việc ngành GD-ĐT đặt quá nhiều kỳ vọng vào đổi mới chương trình phổ thông (cho rằng đây sẽ là yếu tố quan trọng làm thay đổi chất lượng dạy học môn văn).
Hồi đó, khi trả lời phỏng vấn tác giả (nhà báo Quý Hiên), PGS Nguyễn Hoành Khung nói: "Theo tôi, yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng dạy và học văn trong nhà trường là người thầy. Người thầy đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên tình yêu đối với môn học trong học trò. Thầy giỏi và có tâm hồn gặp trò có tư chất, môn văn sẽ được thăng hoa".
Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là một nhận định có tầm nhìn xa. Thực tiễn các lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong 20 năm qua cho thấy, đổi mới chương trình không giải quyết được vấn đề chất lượng, khi mà yếu tố quan trọng nhất (người thầy) không được đặt lên hàng đầu.
Bình luận (0)