‘Thầy là người sớm ‘khai tâm’ cho tôi về văn học miền Nam trước năm 1975’

Quý Hiên
Quý Hiên
30/11/2022 22:10 GMT+7

Là một học trò, sau này là đồng nghiệp của PGS Trần Hữu Tá , ký ức về thầy trong PGS Nguyễn Thị Bình, ngoài tấm chân tình của một người Hà Nội tinh tế lịch lãm, còn là nhà nghiên cứu có tầm nhìn xa trông rộng.

PGS Nguyễn Thị Bình, nguyên giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thời mới tốt nghiệp ĐH, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường, bà làm việc cùng bộ môn với PGS Trần Hữu Tá (khi đó là phó chủ nhiệm bộ môn).

PGS Trần Hữu Tá

Trường ĐH Sư phạm TP.hCM

Trước đó, bà Bình đã từng được học thầy Tá một học kỳ của năm học thứ 4, phần “Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8”. Sau này học cao học, bà Bình được thầy Tá hướng dẫn làm luận văn. Nhờ vậy mà ký ức về thầy và gia đình thầy trong bà thực sự sâu đậm.

Người “khai tâm” cho nhiều thế hệ học trò về văn học miền Nam

Khi hướng dẫn học viên làm luận văn, thầy Tá cho học trò tự đề xuất đề tài, rồi yêu cầu lập danh mục tài liệu tham khảo và các thi phẩm. Thầy thực sự đóng vai trò của người thầy, vì đã chỉ dẫn cho học trò những thao tác căn bản cần có của người nghiên cứu, nhưng cũng rất tôn trọng những suy nghĩ độc lập, thậm chí có những lúc phải “chịu đựng” trong trường hợp học trò quá “bướng bỉnh”.

PGS Trần Hữu Tá trong một lần tư vấn trực tuyến tại Báo Thanh Niên

Đào Ngọc thạch

“Ngày tôi bảo vệ luận văn, thầy đi công tác vắng. Hội đồng đưa ra đến 9 câu hỏi. Run lắm, nhưng nghĩ đến ánh mắt khuyến khích của thầy, tôi trấn tĩnh lại và trả lời không đến nỗi nào. Gặp, thầy chỉ bảo: "Chúc mừng em! Bắt tay vào soạn giáo án tác giả Tô Hoài, Chế Lan Viên đi nhé!". Tôi nhẹ cả người, cảm thấy được thầy tin tưởng", bà Bình hồi tưởng.

Một điều mà bà Bình thấy học được nhiều ở người thầy của mình là khả năng tích luỹ và làm chủ tư liệu.

PGS Trần Hữu Tá tại Đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016 - 2020)

Nguyễn Văn Cải

Và người sớm nhất "khai tâm" cho bà về mảng văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 cũng chính là thầy. Khi dạy chuyên đề cao học (năm 1979) cho nhóm học viên sau ĐH khóa 3 chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, thầy đã giúp các học viên mở rộng thêm phông tri thức ngoài khu vực văn học chính thống bằng việc cho đọc và thảo luận về mấy tác phẩm mang tinh thần phản chiến hoặc tinh thần hiện sinh chủ nghĩa của các nhà văn đô thị miền Nam.

Hồi đó, những bài nghiên cứu thầy Trần Hữu Tá viết về mảng văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 vẫn còn rất dè dặt trong cách đánh giá và phân loại. Nhưng rõ ràng, bằng việc kiểm soát tư liệu, thầy đã nhận ra việc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bộ phận văn học miền Nam trước 1975 là một đòi hỏi chính đáng, giới nghiên cứu không thể lảng tránh.

Đến tận bây giờ, sau khoảng 4 thập kỷ rồi, khi mà công việc khó khăn đó xem như vẫn mới đang được khởi động thì bà Bình càng thấy thán phục những người làm tư liệu với tầm nhìn xa trông rộng như thầy Tá.

Bà Bình nhớ lại: “Trở về từ những chuyến đi thỉnh giảng miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, thầy mang theo khá nhiều sách của các tác giả mà những cán bộ trẻ nghiên cứu văn học chưa bao giờ nghe tên. Thầy bảo, "mua ở vỉa hè Huế, Sài Gòn, những nơi bán đồ cũ... Phải cố chi chút ngân sách eo hẹp để mua kẻo không sẽ bị thất tán hết, lấy gì mà nghiên cứu, tiếc lắm.

Chúng tôi tuổi trẻ vô tư, vô tâm, túi chẳng bao giờ có tiền, tình yêu sách phó thác cho thư viện, nghe thầy thống thiết nói thế, chỉ toét miệng cười, liên tưởng ngay đến những giai thoại về bệnh "keo kiệt sách" của mấy ông thầy khả kính”.

Người có biệt tài “kích hoạt” những cuộc vui

Bà Bình cho rằng mình thật may mắn vì được "đầu quân" vào bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bởi đó là nơi có những người thầy uy tín chuyên môn cao, nhân cách đẹp nhưng quan trọng nhất là ở cộng đồng khoa học ấy có không khí dân chủ, cởi mở, mọi cá tính đều được dung nạp, mọi ý kiến khác biệt trong học thuật đều được lắng nghe. Các "đấng bậc" đều giàu chất nghệ sĩ.

PGS Trần Hữu Tá ký tặng sách cho học trò cũ

Nguyễn Văn Cải

Đó là nói có những tên tuổi được cả trường kính trọng như Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá...

“Thiên hạ đồn rằng ở đây mỗi người là một cá tính gai góc lắm mà cũng tài hoa lắm. Sau vài buổi sinh hoạt bộ môn tôi thấy họ nói không ngoa. Nhưng điều tôi thích nhất là được làm việc cùng những con người thẳng thắn, ưa đùa giỡn, giỏi hài hước và rất tôn trọng nhau. Các cuộc họp tổ đều vui không thể tả. Đến nỗi tôi chỉ mong có họp bộ môn để được nghe các thầy “đấu hót”!”, bà Bình cho biết.

Trong số các “đấng bậc” tài hoa đó thì thầy Tá luôn là người rất tài năng trong việc “kích hoạt" những cuộc vui. Kể cả khi vào Sài Gòn rồi, mỗi lần ra Hà Nội họp hành đôi ba bữa, thầy Tá vẫn dành thời gian hàn huyên với bộ môn. Thầy vẫn là kho chuyện vui bất tận, đến đâu đem lại tiếng cười đến đấy. Dù lúc gặt hái nhiều thành tựu trong nghiên cứu, giảng dạy, hay khi đời riêng gặp những mất mát, sức khoẻ sa sút, không bao giờ nói về mình, về những vinh quang cũng như nỗi muộn phiền thầy nếm trải.

"Năm 2017, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức lễ mừng thọ 80 cho thầy rất long trọng. Nhìn hình, tôi thấy thầy rất yếu nhưng cười tươi. Nghe nói nhân dịp này, các hội đoàn, học trò, đồng nghiệp... biếu thầy khoảng 100 triệu, giúp thầy cô chữa bệnh. Thầy và gia đình đã tặng lại toàn bộ cho khoa để làm một quỹ khuyến học.

Tôi biết cái nghiệt ngã của thời gian, cái bất lực của tuổi già. Nên tôi càng kính trọng thầy hơn”, bà Bình tâm sự.

Một người Hà Nội tinh tế lịch lãm, giàu tấm chân tình

Lại nhớ hồi đầu mới được thầy hướng dẫn luận văn cao học, mỗi khi đến nhà thầy là bà Bình hơi ngài ngại trước phong thái lịch lãm, tinh tế rất “Hà Nội” của vợ chồng thầy Tá. Nhưng với thời gian, tấm chân tình của thầy cô khiến cô nữ sinh “nhà quê” Nguyễn Thanh Bình hồi đó cảm động.

Khi thầy Tá mới chuyển vào Sài Gòn, biết bà Bình cũng muốn chuyển vào do chồng sắp cưới làm việc trong đó, thầy Tá đã liên hệ xin việc trong Sài Gòn cho bà Bình. Nhưng rồi chồng của bà Bình được ra Hà Nội, nên bà Bình đổi ý. Thầy Tá đã không giận cô học trò của mình, mà chỉ đôi khi giễu cợt cái bệnh “luỵ tình” nông nổi của cô.

Bà Bình tâm sự: “Tôi quý thầy ở thái độ làm nghề nghiêm túc, ở cung cách giao tiếp thân mật và đặc biệt cảm kích sự quan tâm kiểu cha chú mà thầy dành cho tôi. Bao giờ đến nhà gặp thầy để trao đổi công việc, thầy cũng hỏi tôi: đi lại bằng gì, nóng thế này đã mua được quạt máy chưa, bố mẹ ở quê thế nào, con cái thế nào, chú ấy có làm thêm được gì không…”.

Sự quan tâm chân tình đó còn được nêm nếm bằng “gia vị” hài hước khiến cho mỗi lần giao tiếp với thầy Tá là bà Bình lại thấy thú vị. Chẳng hạn, khi thầy cô sống ở TP.HCM, mỗi lần điện thoại, thầy đều không quên kèm thêm một câu cuối, “cho thầy gửi lời thăm kẻ nô lệ vĩ đại của em nhé".

Có lần thầy hóm hỉnh hỏi bà Bình: "Này cái tay H. nhà cậu (chồng bà Bình - PV) ít nói đến mức tớ cứ hình dung hỏi hắn câu gì đó rồi nằm ngủ một giấc, lúc dậy mới nghe được câu trả lời. Thế thì các cậu cãi nhau thế nào? Vợ chồng mà không cãi nhau thì nhạt lắm!”.

Năm 2014, bà Bình về hưu sớm. Nhưng bà biết, thầy Tá vẫn quan tâm theo dõi từ xa và không ngừng khích lệ bà, không ngừng tìm cách bảo vệ người học trò cũ trước những sóng gió của cuộc đời.

Dịp kỷ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bà Bình không khỏi xót xa khi thấy thầy yếu đi nhiều quá. Thế mà thầy vẫn ân cần và hóm hỉnh, vẫn thăm hỏi tất cả mọi người, không quên động viên bà hãy sống bình tâm, hãy giữ lấy những nghĩa tình tốt đẹp.

PGS - Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nguyên trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, qua đời tối 27.11, thọ 86 tuổi.

Linh cữu của PGS - Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá được quàn tại Vãng sanh đường chùa Xá Lợi (số 89 Bà Huyện Thanh Quan, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Lễ động quan vào lúc 7 giờ 30 ngày 30.11, sau đó linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.