Một “chân trời mới”
Hơn 30 năm trước, ngày 23.4.1991, Trung tâm sáng tạo Khoa học kỹ thuật (TSK) thuộc Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) được thành lập với 2 thành viên: Thầy Phan Dũng và tôi.
PGS-TSKH Phan Dũng (thứ 3 từ phải qua) tại Trung tâm sáng tạo Khoa học kỹ thuật |
t.T.t |
Ngày ấy, trước khi đầu quân cho TSK, tôi làm việc tại bộ môn vật lý chất rắn thuộc khoa vật lý Trường ĐH Tổng hợp. Sau 6 năm làm việc theo đúng chuyên môn được đào tạo, tôi bắt đầu tìm kiếm “một chân trời mới”.
Nhớ lại ngày ấy, sau khi trò chuyện về những ấp ủ của mình, thầy Dũng rủ tôi tham gia thành lập TSK, thầy bảo: “Mình cho cậu 2 tuần để suy nghĩ”. Hai tuần thật dài cùng với những đêm trăn trở, tôi “nhắm mắt” theo thầy.
Nói “nhắm mắt” vì ở Việt Nam chưa có nơi nào dạy về sáng tạo, điều này đồng nghĩa với việc chưa có sự thừa nhận một ngành học như thế nên việc lấy bằng tiến sĩ theo hướng này là không thể.
Nói “nhắm mắt” vì những người mà thầy Dũng mời họ tham gia thành lập TSK đã khéo léo từ chối đi chung con đường “đầy chông gai” với thầy...
Và tôi bay vào bầu trời bao la với khát vọng của một kẻ lần đầu dấn thân, của một kẻ kiêu hãnh với chút hiểu biết "nhặt" được từ thầy.
Trưởng thành từ thất bại
Tôi dần dần “mở mắt” và lớn khôn. Tôi lớn khôn sau những thất bại do sự hiểu biết nông cạn của mình.
Việc vận dụng những điều đã học để giải quyết vấn đề thực tế đã khó. Việc truyền đạt lại những gì mình đã biết lại còn khó hơn. Lần đầu đứng lớp để giảng về sáng tạo cho tôi cảm nhận như thế.
Ngày ấy, thầy Phan Dũng có việc đột xuất mà lớp học không thể nghỉ. Thầy nói: “Nếu cậu thấy không tự tin đứng lớp thì thông báo cho mọi người học vào buổi sau”. Nhưng thầy cũng lại nói: ‘Đây là một thử thách”.
Đã có 5 năm đứng trên bục giảng của trường đại học và theo thầy đã vài năm, tôi tự tin bước vào lớp. Sau phần giới thiệu và nói lý do dạy thay, tôi say sưa nói với người học - những người đã lăn trải cuộc đời – những điều tôi đọc được trong sách, những điều tôi nghe người ta nói với nhau. Đến giờ giải lao, một anh, có lẽ là người đại diện cho lớp, gặp tôi và lịch sự nói: “Nếu thầy Dũng bận thì bọn em chờ khi thầy quay lại dạy cũng được”.
Khi nghe tôi kể lại, thầy chỉ nói: “Cậu phải nói những gì mình có, đừng nói những gì mình đã đọc”, “Cậu phải khơi dậy cảm xúc nơi họ”…
Một buổi họp mặt truyền thống các thế hệ học viên theo học phương pháp luận sáng tạo. Thầy Phan Dũng mặc áo xám đứng giữa |
t.t.t |
25 năm theo thầy Dũng, tôi lớn khôn hơn. Tôi lớn khôn vì thầy trò chúng tôi phải làm tất cả mọi việc, giống như bao người khởi nghiệp với hai bàn tay trắng trong một môi trường mà các quy định không theo kịp. Tôi lớn khôn vì học được ở thầy cách sử dụng kiến thức phương pháp luận sáng tạo và đổi mới để vượt qua những trở ngại trên con đường phát triển của TSK.
Gần 20.000 người thuộc mọi tầng lớp xã hội theo học là một minh chứng cho thấy thầy đã đi theo đúng quy luật phát triển tất yếu của tự nhiên, của xã hội.
Thầy đã cho tôi một niềm tin
Vào năm 2002, cách đây đúng 20 năm, một cậu sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành thiết kế của một trường ĐH tại TP.HCM tình cờ biết đến một bộ môn có cái tên rất “khoa học”, đó là: “Phương pháp luận sáng tạo, giải quyết vấn đề và ra quyết định” của TS Phan Dũng cùng các cộng sự phụ trách.
Tôi lúc ấy là một sinh viên hướng nội, học lực trung bình, không giỏi giao tiếp tương tác, không biết chơi thể thao, không biết đàn, không biết hát… tóm lại là cái gì cũng không biết. Một điều duy nhất tôi biết làm, đó là thu mình trong thế giới riêng của bản thân, đắm chìm vào những suy nghĩ miên man bất tận hàng giờ, ngày này qua ngày khác...
Và rồi cho đến khi lần đầu tiên tôi bước vào lớp học ấy của thầy, một lớp học vô cùng đặc biệt với những phương tiện vật chất thô sơ, nghèo nàn nhất. Nhưng đó là một lớp học hiếm hoi thực sự vinh danh năng lực tư duy và suy nghĩ; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư duy và suy nghĩ đúng cách và có phương pháp như một môn khoa học; chứng minh rằng sự tiến bộ của con người phụ thuộc rất nhiều vào số ít những khối óc có năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo, là những giá trị mang lại những thay đổi, những bước tiến đột phá, luôn thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước.
Lớp học ấy đã cho tôi niềm tin vào việc có được phương pháp suy nghĩ đúng đắn sẽ có thể thay đổi số phận cho bản thân, mang lại một cuộc sống hạnh phúc cho mình và cho những người khác.
Niềm tin ấy đã đưa cậu sinh viên trung bình ngày đó đi đến những phương trời xa, rất xa chỉ để có thể được học hỏi từ những khối óc ưu tú nhất, xuất sắc nhất, chỉ để được thấy sức mạnh chuyển hoá của tư duy đổi mới và sáng tạo đã mang lại những giá trị to lớn như thế nào cho các quốc gia, cho các dân tộc tiến bộ trên thế giới.
Sau 20 năm, niềm tin ấy vẫn không hề thay đổi, và càng ngày càng được củng cố một cách mạnh mẽ hơn trong tôi, càng được minh chứng trong những cuộc đời mà tôi có cơ hội mang giá trị đến cho họ.
Thầy Phan Dũng ra đi mãi mãi, nhưng những giá trị tinh thần mà thầy để lại sẽ luôn được tiếp nối trong tôi, trong những người xung quanh tôi mà tôi có cơ hội chạm đến.
"Tôi đến với TRIZ một cách tất yếu"
PGS- TSKH Phan Dũng, sinh năm 1950, quê quán làng Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học kĩ thuật (TSK) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học Xã hội & nhân văn TP.HCM.
Năm 1971, ông trở thành một trong những học trò đầu tiên của thầy Genrikh Saulovich Altshuller, tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ), một lý thuyết rất mạnh trong phương pháp luận sáng tạo và đổi mới.
PGS Phan Dũng từng tâm sự với phóng viên Thanh Niên: “Cho đến bây giờ và cả sau này, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đến với TRIZ một cách tất yếu. Nghĩa là nếu điều này không xảy ra vào năm 1971 thì nhất định có lần tôi bắt gặp TRIZ và đi theo TRIZ đến suốt cuộc đời còn lại của mình”.
Bình luận (0)