PGS Văn Như Cương: 'Tôi vẫn băn khoăn có nên nhập 2 kỳ thi trong một không?'

28/10/2015 17:25 GMT+7

(TNO) Phó giáo sư Văn Như Cương đề xuất nên trở về 2 kỳ thi như trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức với hình thức thi nhẹ nhàng.

(TNO) Phó giáo sư Văn Như Cương đề xuất nên trở về 2 kỳ thi như trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức với hình thức thi nhẹ nhàng.

kien-nghi-thi-tot-nghiep-thptThí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tại hội thảo ngày hôm nay 28.10, do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức, một số chuyên gia đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với kỳ thi “hai trong một” mà Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2015, dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương đặt vấn đề: “Mặc dù mới đây GS Hoàng Tụy cho rằng nếu trở lại hai kỳ thi là có tội với học sinh, nhưng tôi vẫn băn khoăn với câu hỏi: Có nên nhập 2 kỳ thi trong một không?”.
PGS Văn Như Cương phân tích: “Bộ GD-ĐT đánh giá năng lực thí sinh thế nào khi mà cấu trúc đề thi gồm có 6 câu (tương ứng với 6 điểm) để kiểm tra kiến thức cơ bản, 4 câu (tương ứng với 4 điểm) để kiểm tra kiến thức nâng cao. Giả sử giờ có 2 bài thi cùng đạt 6 điểm, trong đó bài thứ nhất là 6 + 0 (điểm của phần cơ bản + điểm của phần nâng cao), thí sinh thứ hai là 4 + 2. Rõ ràng năng lực của hai thí sinh này rất khác nhau, nhưng Bộ đã đánh giá hai thí sinh này ngang nhau. Để đánh giá được sự khác nhau về năng lực giữa các thí sinh là điều cực kỳ khó với một kỳ thi có 2 mục tiêu khác nhau. Thực tế là chúng ta đã không làm được, vì không có cách nào để thực hiện được điều đó”.
Trên cơ sở những giải thích này, PGS Văn Như Cương đề xuất nên trở về 2 kỳ thi như trước, trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức với hình thức thi nhẹ nhàng, thậm chí giống như cách vẫn làm với bài kiểm tra học kỳ. Có thể như chỉ có một bài thi tổng hợp trong đó bao gồm câu hỏi dành cho tất cả các môn học theo cách của kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐHQG Hà Nội đã làm.
GS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông cũng bày tỏ quan điểm: “Hãy tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT ở các địa phương do các trường THPT (hoặc cụm các trường THPT tại liên xã, cùng lắm là của một huyện tại vùng vắng trường hoặc ít học sinh) dưới sự phụ trách điều hành trực tiếp của các Sở GD-ĐT. Thậm chí, có thể ủy nhiệm cho các Phòng GD-ĐT huyện lớn tổ chức. Xã hội nên tin và yên tâm là các địa phương, các trường THPT có khả năng và sẽ làm tốt, vì không có lý do gì trong khi giao cho họ việc lớn hơn nhiều là đào tạo từ mẫu giáo, 12 năm phổ thông mà lại không tin họ làm tốt được một kỳ thi cuối khóa”.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), gọi kỳ thi “hai trong một” là một cách nói không phản ánh đúng bản chất với kỳ thi THPT quốc gia 2015. “Bản chất của kỳ thi là hết 12 năm học mình phải có một cái đánh giá xem các em đứng ở đâu. Kết quả của đánh giá này được sử dụng vào hai mục đích: Các Sở GD-ĐT sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, kết hợp với đánh giá của cả quá trình; các trường ĐH, CĐ làm căn cứ để sử dụng trong việc tuyển sinh. Nó không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, không phải là kỳ thi tuyển sinh ĐH, và càng không phải là kỳ thi hai trong một.
Trên tinh thần như vậy, các trường ĐH, CĐ hoàn toàn được tự chủ tuyển sinh. Bộ GD-ĐT không hề ép buộc các trường ĐH, CĐ phải lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh”, ông Trinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.