'Phá băng' thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm

Thu Hằng
Thu Hằng
16/11/2021 04:26 GMT+7

Nhiều thị trường lao động nước ngoài đã mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế.

Trong đó, 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thông báo bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc từ tháng 11.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), sau nhiều tháng “đóng băng” vì dịch Covid-19, đến ngày 15.11, đã có các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả Rập Xê Út, Singapore mở cửa trở lại… Một trong những thị trường được người lao động (NLĐ) đón chờ nhất là Nhật Bản.

Những lao động VN đầu tiên xuất cảnh sang Nhật Bản sau nhiều tháng đóng băng vì Covid-19

VâN HÀ

Nhật Bản tăng số lượng lao động nhập cảnh

Anh Nguyễn Văn Hai (quê ở H.Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết đã có lịch bay sang Nhật từ tháng 4.2020, nhưng do dịch bệnh nên đến nay vẫn chưa thể xuất cảnh. Trong hơn 1 năm qua, anh Hai chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để có thể thực hiện ước mơ sang học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc. Anh Hai chia sẻ: “Một số bạn bè đi học cùng đợt với tôi không chờ được cũng đã bỏ ngang, mình thì tiếc công ăn học, tiền vay ngân hàng đi nước ngoài nữa nên cứ phải cố. Để có tiền trang trải, tôi làm đủ nghề kiếm sống, từ bảo vệ, nhân viên quán trà sữa, chạy xe Grab… Khi biết thông tin Nhật tiếp nhận lại lao động Việt Nam, tôi như trút được gánh nặng. Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng mình cũng sắp được bay”.

Ông Phạm Quốc Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay từ ngày 8.11, Nhật Bản đã nới lỏng nhập cảnh cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên trong chính sách phục hồi kinh tế của chính phủ, trong đó có thực tập sinh (TTS) và lao động Việt Nam.

Bộ Tư pháp Nhật Bản đưa ra hướng dẫn sơ bộ về đối tượng TTS nhập cảnh theo lộ trình. Trước mắt, trong tháng 11, Nhật chỉ tiếp nhận hồ sơ xin nhập cảnh đối với TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1.1 - 30.6.2020. Tháng 12, tiếp nhận hồ sơ TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1.1 - 31.12.2020. Tháng 1.2022, nhận hồ sơ TTS được cấp tư cách lưu trú từ 1.1.2020 - 31.12.2021. Từ tháng 2.2022, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh sẽ cho nhận hồ sơ toàn bộ.

“Hiện chính phủ Nhật Bản tạm thời cho phép 3.500 người nhập cảnh/ngày. Dự kiến, cuối tháng 11 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phía bạn vẫn sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn mới cho TTS nhập cảnh trong thời gian tới”, ông Hương thông tin.

Về điều kiện phòng dịch, đối với lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bằng một trong 3 loại đã được phê duyệt ở Nhật Bản (Pfizer, Mordena, AstraZeneca) và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh, thời gian cách ly tại nhà được rút ngắn xuống còn 3 ngày. Đối với những người chưa tiêm phòng đầy đủ hoặc tiêm bằng các loại vắc xin khác, ngoài kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính thì vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày sau khi nhập cảnh, có thể xét nghiệm sau 10 ngày âm tính thì được kết thúc thời gian cách ly.

Sau thời gian cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ được di chuyển tới nơi làm việc dưới sự giám sát của đơn vị sử dụng lao động và nghiệp đoàn quản lý về hành vi sử dụng phương tiện công cộng, ra ngoài, ăn uống bên ngoài và làm việc theo kế hoạch đã được đăng ký với cơ quan chức năng của Nhật Bản.

Những lao động Việt Nam đầu tiên xuất cảnh sang Nhật Bản sau nhiều tháng “đóng băng” vì Covid-19

VÂN HÀ

Hàn Quốc, Đài Loan ưu tiên người đã tiêm vắc xin

Không chỉ Nhật Bản gia tăng số lượng tiếp nhận lao động trở lại, trong tuần qua, Hàn Quốc cũng đã thông báo sẽ áp dụng các chính sách nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào tháng 11. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế về số lượng lao động nhập cảnh hằng ngày, hằng tuần. Trước đó, số lượng lao động được phép nhập cảnh bị hạn chế ở mức 100 người/ngày, 600 người/tuần.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cho phép NLĐ từ tất cả các quốc gia phái cử được nhập cảnh nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong nước như: đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước khi xuất cảnh, có xét nghiệm RT-PCR âm tính… Thời gian cách ly cũng giảm từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Trước mắt, mỗi tuần sẽ có một đợt xuất cảnh, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng cũng là tín hiệu vui sau dịch Covid-19. Dự kiến trong năm tới, có thể lên đến 5.000 - 6.000 lao động/năm”.

Theo kế hoạch đã được thống nhất giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc, kỳ thi tiếng Hàn năm 2021 cho NLĐ mới có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) trong ngành sản xuất chế tạo và ngư nghiệp, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 12.2021 và đầu tháng 1.2022.

Trong tháng 11, Trung tâm lao động ngoài nước đã thông báo đến NLĐ có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc đăng ký thi tiếng Hàn tại các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH các địa phương từ ngày 8 - 15.11. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại một số địa phương còn phức tạp, công tác tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2021 tại 6 tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Đắk Nông, Đắk Lắk và Sóc Trăng sẽ được tổ chức vào đợt 2 từ ngày 16.11 - 31.12.2021.

Phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo NLĐ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khi tổ chức xuất cảnh cho NLĐ, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho NLĐ chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan đã có thông báo về việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong tháng 11.2021 và dự kiến sẽ tạm thời tiếp nhận cho đến tháng 12.2021 phụ thuộc vào việc các nước cung ứng lao động đáp ứng các điều kiện phòng dịch mà Đài Loan đề nghị.

Về số lượng nhập cảnh, Đài Loan dự kiến sẽ áp dụng hệ thống thang điểm đánh giá mức độ ưu tiên lao động nước ngoài nhập cảnh dựa trên tình trạng tiêm vắc xin của NLĐ, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia cung ứng lao động và điều kiện phòng dịch của người sử dụng lao động Đài Loan sau khi NLĐ nhập cảnh. Để chuẩn bị tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, cơ quan chức năng Đài Loan đã dự thảo mẫu kế hoạch phòng dịch để tham vấn các quốc gia cung ứng lao động.

Ngoài các thị trường trọng điểm, cơ quan chức năng Ả Rập Xê Út, Singapore cũng đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với lao động nước ngoài.

đồ họa: văn năm

Thận trọng mở lại thị trường

Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho biết việc hàng loạt các thị trường XKLĐ trọng điểm “phá băng” sau một thời gian dài bị ảnh hưởng là tin vui cho cả NLĐ và doanh nghiệp, và là tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Việt Nam cần chủ động xây dựng chính sách, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình sẽ tận dụng được lợi thế, gia tăng lao động xuất cảnh làm việc trong giai đoạn tới.

“Để chuẩn bị cho lao động xuất cảnh, trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp vui mừng tập hợp hồ sơ, xin cấp visa tư cách lưu trú cho lao động, đồng thời triển khai ngay đào tạo lại cho các lao động. Về phía hiệp hội, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và kiến nghị tạo điều kiện tiêm vắc xin cho NLĐ đi xuất cảnh. Hy vọng cuối năm nay, khi độ bao phủ tiêm vắc xin mở rộng, các thị trường sẽ khởi sắc từ năm 2022”, ông Diệp thông tin.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 15.11, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chia sẻ: “Các thị trường dù đã mở cửa trở lại, mọi việc mới chỉ bắt đầu nên chưa thể ồ ạt đưa lao động đi ngay. Dịch bệnh Covid-19 rất khó lường, chúng ta phải tiến hành mở cửa từ từ, từng bước thận trọng, Cục sẽ tiếp tục cập nhật các chính sách mới từ các thị trường để hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai. Hy vọng đến tháng 12 chúng tôi sẽ đánh giá sơ bộ và đưa ra nhận định thị trường trong năm tới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.