Giờ ra chơi lần đó, chúng tôi chơi nhảy ngựa, có bạn rách toạc đường chỉ quần dọc ống chân.
Bạn trai kia lấy trong cặp ra một hộp nhỏ, trong đó có kim chỉ và khâu giúp. Lúc đó, chúng tôi cũng biết mẹ bạn mất, bố hay công tác xa. Bạn biết nấu cơm, biết khâu vá đơn giản, tự chăm sóc mình và em rất ổn.
Nhưng từ sau đó ai cũng ngài ngại khi nói về bạn, hình dung về bạn cũng kém nam tính đi hẳn. Con trai, ai lại kim chỉ... Chúng tôi còn bàn tán, sau này nếu bạn lấy vợ thì sẽ ra sao, đời sống chắc sẽ phải bất thường lắm. Bất chấp tất cả những điều đó, vợ bạn sau này chia sẻ với chúng tôi, cô rất hạnh phúc. Bạn không chỉ tận tâm chia sẻ việc nhà, mà còn có kỹ năng làm những việc đó rất tốt. Các bạn nam cùng lớp khi làm ăn trồi sụt cũng tìm bạn để tâm sự và thấy được cảm thông.
Con trai không cần biết nấu ăn. Con trai không cần học khâu vá. Con trai không khóc. Con trai không yếu đuối. Con trai phải biết kiếm tiền, phải thành đạt, phải làm trụ cột. Đó là hình dung đàn ông trong đối lập với phụ nữ. Nó cũng là những khuôn mẫu về giới tính ngột ngạt. Nó không chỉ trói buộc người nữ trong bếp, cạnh máy khâu mà còn khiến người nam không được quyền có những giây phút sợ hãi, run rẩy, thất bại như một con người.
Khuôn mẫu giới truyền thống làm cho người phụ nữ oằn mình trong công việc nhà. Nhưng nó cũng khiến người nam chịu thêm áp lực nơi công sở, đòi hỏi họ thành công hơn về tài chính. Sau cùng, những khuôn mẫu đó lại cùng đè lên gia đình khi “chẳng may” người phụ nữ lại kiếm tiền tốt hơn chồng, hay người chồng sẵn sàng vào bếp giúp vợ việc nhà. Những trường hợp như vậy thường bị cho là không bình thường về giới, thậm chí bị kỳ thị.
Sự ngột ngạt của khuôn mẫu giới này cũng tương tự như sự ngột ngạt của khuôn mẫu gia đình. Khi còn tồn tại quan điểm gia đình kiểu mẫu là đủ nếp đủ tẻ, thì việc sinh con một bề hoặc không có con trai là sự hổ thẹn cho cả bố lẫn mẹ, cả ông lẫn bà trong gia đình.
Theo PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến thủ phạm của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới, chứ không phải chỉ do giới này hay giới kia gây nên. Chính vì thế, nếu các giải pháp chỉ tập trung vào phụ nữ sẽ dẫn đến việc ngầm định nam giới là thủ phạm bất bình đẳng. Điều này khiến chính nam giới có thể bị bỏ rơi trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới, trong khi chính người nam cũng chịu sức ép của khuôn mẫu giới. Hơn nữa, khi mọi giới tham gia vào việc phá bỏ khuôn mẫu giới ngột ngạt thì việc bình đẳng giới sẽ khả thi hơn.
Rõ ràng, nếu có một khuôn mẫu mang lại hạnh phúc, thì nó phải là sự sẻ chia và yêu thương. Những khuôn mẫu cứng nhắc đã đến lúc cần bị bỏ lại đằng sau.
Bình luận (0)