Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, thời gian qua, tình hình trượt lở đất đá liên tục xảy ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng)… gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản. Về nguyên nhân, các cơ quan báo chí, truyền hình đã thông tin rất nhiều, dẫn ý kiến từ các chuyên gia phân tích, nâng cao nhận thức của người dân.
Ông Thành cho biết, ở những vị trí sườn đồi, núi thường có hiện tượng phong hóa, đất đá vẫn bị trượt lở từ từ. Thêm vào đó, các tác động của con người lên bề mặt như đào hố trồng cây, chặt phá rừng, san gạt… làm thay đổi cấu trúc bề mặt tạo nên nguy cơ sạt lở, trượt lở. Nhất là khi trời mưa kéo dài, mặt đất ngậm nước nhiều thì nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi càng lớn hơn.
Cũng theo ông Thành, người dân cũng như các lực lượng chức năng tại địa phương cần theo dõi, cảnh báo càng sớm càng tốt về các hiện tượng sạt lở sườn đồi, núi. Các dấu hiệu thường xuất hiện trước như: vết nứt trên mặt đất, cây cối nghiêng theo một hướng, nghe thấy tiếng nổ lụp bụp thể hiện đứt gãy địa chất trong lòng đất phát triển… Khi phát hiện, cần sớm có phương án đánh giá, di dời người dân.
Bộ TN-MT đã có bản đồ, tài liệu cảnh báo nguy cơ về sạt lở khá chi tiết với các thiết bị quan trắc tự động. Lực lượng thanh niên xung kích về phòng, chống thiên tai thời gian qua cũng đã được đào tạo bài bản về cảnh báo, ứng phó với sạt lở.
Theo ông Thành, hiện mới bắt đầu mùa mưa. Tại vùng miền núi phía bắc thuộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… đã bắt đầu có hiện tượng sạt lở sườn đồi núi.
Mới đây, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo yêu cầu các ngành, các cấp ở địa phương phải sát sao, quyết liệt hơn trong theo dõi, giám sát, cảnh báo sạt lở. Cơ quan truyền thông cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền hơn để nâng cao nhận thức, cảnh giác với sạt lở đất đá của người dân.
Bình luận (0)