Báo cáo thông tin không có trong hồ sơ sinh viên ?!
Đầu năm nay, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo ĐH, viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ, trường CĐ và TC có đào tạo giáo viên về việc triển khai báo cáo thống kê năm học 2018 - 2019. Theo văn bản này, Bộ đưa vào sử dụng chính thức công cụ lập báo cáo thống kê giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên trình độ CĐ, TC tích hợp trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Bộ đề nghị các trường tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhập đầy đủ dữ liệu và gửi báo cáo về bộ theo thời gian quy định.
Để hoàn tất việc báo cáo, trường phải thu thập và nhập đầy đủ dữ liệu chi tiết về thông tin trường, giảng viên, sinh viên (SV), phòng học, chi ngân sách nhà nước. Nếu dữ liệu báo cáo trường gửi lên chưa đáp ứng, Bộ sẽ trả lại và yêu cầu trường thực hiện lại cho đến khi báo cáo đáp ứng được yêu cầu.
Đáng chú ý trong đó là dữ liệu người học, trường phải nhập đầy đủ danh sách SV các bậc và hệ đào tạo, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Theo mẫu báo cáo này, ngoài các thông tin cá nhân thông thường, trường phải nhập thông tin chi tiết đến số sổ bảo hiểm, số CMND hoặc số căn cước, địa chỉ theo đúng thẻ căn cước hoặc CMND… Thậm chí là những thông tin chi tiết liên quan đến cha mẹ của người học như: nghề nghiệp, ngày, tháng, năm sinh.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết trường đã rất “đau đầu” với việc nhập dữ liệu vào hệ thống này. Có những thông tin bắt buộc nhưng không có trong dữ liệu quản lý người học của trường. Ngay cả những thông tin cơ bản nhưng với SV hệ đào tạo liên thông, văn bằng 2 cũng không có như: điểm thi THPT quốc gia, thông tin cha mẹ…
Lãnh đạo một trường ĐH tại Đà Nẵng cũng nói: “Những thông tin người học ngay khi vào trường đã không có nhưng Bộ vẫn yêu cầu báo cáo là rất khó cho trường”.
“Lách” bằng cách nhập… đại
|
“Vấn đề còn ở chỗ, những dữ liệu bắt buộc nếu không nhập, hệ thống không chấp nhận hoàn tất nhập liệu. Trong khi dữ liệu gốc lưu trữ trong hồ sơ SV không có nên trường đành phải nhập… đại với những quy ước có sẵn theo cách hiểu nội bộ của trường”, người này cho biết. Chẳng hạn, năm sinh của cha, mẹ của các SV chưa có dữ liệu được nhập giống nhau đồng loạt, số CMND hoặc căn cước còn thiếu cũng được quy định một dãy số giống nhau, địa chỉ nhà được thay bằng địa chỉ trường...
Dù theo quy định, cuối tháng 1, các trường phải gửi báo cáo về Bộ nhưng đến thời điểm này có trường cho biết chỉ mới nhập được một phần. Trong đó nhiều thông tin phải bỏ trống vì trong dữ liệu tuyển sinh, ngay cả số điện thoại, địa chỉ nhà cũng không có do nhiều trường hợp thí sinh sử dụng thông tin của trường phổ thông khi đăng ký dự thi.
Có cần thông tin quá chi tiết ?
Câu hỏi đặt ra ở đây là mục tiêu của việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống và báo cáo này. Giám đốc tuyển sinh một trường ĐH ý kiến: “Nếu chỉ với mục đích hỗ trợ quản lý người học thì việc cập nhật dữ liệu chi tiết đến mức này là không cần thiết. Đặc biệt, với cách quản lý đào tạo hiện nay các trường đã có hệ thống thông tin SV được tích hợp trên nhiều hệ thống mạng tự động khác nhau”.
Cũng theo giám đốc này, tạo hệ thống thông tin về người học phục vụ việc chăm sóc, khảo sát SV sau khi tốt nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên quá chi tiết sẽ khó cho các trường, chưa tính đến việc vi phạm thông tin cá nhân của SV sẽ ảnh hưởng đến bản thân người học và nhà trường.
“Tôi cho rằng, về việc này nên rõ ràng mục đích cập nhật thông tin để SV hiểu rõ và có trách nhiệm trong hợp tác cung cấp thông tin”, giám đốc này đề xuất.
Đồng quan điểm này, Phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH chia sẻ, trường này từng có ý tưởng làm kỷ yếu cho SV tốt nghiệp với mục tiêu tạo kênh liên lạc cho các cựu SV sau khi ra trường. Trong kỷ yếu này, ngoài thông tin họ tên, hình ảnh thì chỉ có địa chỉ thư điện tử và số điện thoại. Nhưng cuối cùng trường buộc phải dừng lại do nhiều SV phản ứng vì cho rằng cách làm này vi phạm thông tin cá nhân người học. Cũng theo người này, hệ thống quản lý SV hiện tại của trường cũng chỉ cho phép mỗi SV nhìn thấy thông tin cá nhân thông qua truy cập tài khoản riêng của mình.
“Việc cập nhật thông tin một cách chi tiết quá mức của người học trong hệ thống phần mềm này nhằm mục đích gì và có chắc chắn đảm bảo thông tin được bảo mật để không ảnh hưởng đến đời tư người học không? Lo lắng này sẽ không quá mức nếu nhìn vào bối cảnh xã hội hiện tại, chính nhà trường còn phải rất coi trọng việc giữ gìn các thông tin của người học”, người này nói.
Kê khai trên 30 thông tin về người học
Theo bảng mẫu thống kê về SV, các trường phải cập nhật 33 cột thông tin. Cụ thể gồm: họ tên, ngày sinh, giới tính, CMND/thẻ căn cước, địa chỉ thư điện tử, điện thoại, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, tỉnh/thành phố, quận/ huyện, xã/ phường, thôn/ xóm, số sổ bảo hiểm, loại khuyết tật, nhóm hình thức đào tạo, trạng thái học, ngày chuyển trạng thái, trình độ đào tạo, ngành học, thời gian nhập học, mã SV, phân loại tốt nghiệp, họ tên cha, nghề nghiệp cha, năm sinh cha, họ tên mẹ, nghề nghiệp mẹ, năm sinh mẹ, họ tên người giám hộ, nghề nghiệp người giám hộ, năm sinh người giám hộ.
Theo Văn bản số 78 về triển khai báo cáo thống kê năm học 2018 - 2019 gửi các cơ sở đào tạo thì chế độ báo cáo thống kê này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý ngành.
|
Bình luận (0)