|
Mỗi lần đọc những thông tin về những đứa bé bị rớt khỏi xe máy khi đang đi cùng cha mẹ rồi bị xe lớn cán lên, tôi không khỏi xót xa. Đi trên đường, không ít lần tôi nhìn thấy những đứa bé trên dưới 3 tuổi loi choi nửa đứng nửa ngồi trên cái xe máy giữa bố và mẹ mà không có một sợi dây ràng nào với cha hoặc mẹ. Có những bà mẹ liều lĩnh hơn, ngồi đàng sau xe máy mà chỉ dùng một tay vòng ngang bụng con, còn một tay nghe điện thoại. Còn những bé lớn hơn khoảng trên dưới 10 tuổi nhiều khi ngồi chênh vênh phía sau lưng cha hoặc mẹ mà trên đầu không có nón bảo hiểm, chân không mang giày hay dép…
Những đứa trẻ bị bỏ lại một mình trên xe máy dựng ngoài đường để chờ cha mẹ vào mua thứ gì đó cũng là hình ảnh phổ biến ở nhiều khu phố Việt Nam. Trong lúc người lớn vội vã, chiếc xe máy thường để chống nghiêng với một đứa bé ngồi đàng trước…, thật quá dễ dàng khiến bé bị ngã nếu có một cú va chạm bất thình lình từ phía sau. Tôi không bao giờ quên câu chuyện của một người cha hơn 30 tuổi đã dằn vặt mình khôn nguôi sau cái chết bất thình lình của đứa con trai đầu 5 tuổi vì bị cha cho ngồi một mình trên xe máy dựng ngoài đường. Con hẻm hẹp và một cái xe tải nhỏ đi ngang quẹt vào đuôi xe đã kéo chiếc xe ngã xuống, hất thằng bé xuống ngay dưới bánh xe…
Cha mẹ vô tư bỏ con nhỏ ở nhà cũng là chuyện không hiếm ở Việt Nam. Trong khi ở Mỹ, cha mẹ có thể đi tù vì tội bỏ con nhỏ ở nhà một mình. Gần đây nhất là câu chuyện một người cha ở quận 2 (TP.HCM) sau khi đón đứa con nhỏ 5 tuổi đi học về đã để con ở nhà một mình và vội vã đi đón tiếp đứa lớn. Khi trở về nhà không thấy đứa con nhỏ đâu, anh ta hốt hoảng nhìn xuống lan can tầng lầu thứ 15 của khu chung cư mới thấy… con nằm trên mặt đất. Không hiểu người cha đó sẽ sống thế nào với sự ám ảnh về cái chết của con?
Ngoài tai nạn, sự vô tâm của các bậc cha mẹ Việt còn có thể gây hậu quả lâu dài lên đời sống tinh thần của đứa trẻ khi họ dễ dãi giao con cho người khác dẫn đi chơi.
Vào giữa tháng 9.2014, chuyện cậu bé câm điếc 14 tuổi N.V.T (quê thành phố Vinh) bị người hàng xóm tên Nguyễn Thanh Sơn (42 tuổi) đem đi chơi và đánh đập dã man (và có dấu hiệu bị Sơn xâm hại thân thể)… là một ví dụ điển hình. Vì sao cha mẹ bé N.V.T lại dễ dãi trao con trai (bị tật nguyền) vào tay kẻ từ đâu đến ở trọ gần nhà và chưa bao giờ bước chân đến nhà họ? Điều gì khiến họ tin Sơn đến mức cho người này quyền dẫn con đi chơi cả tháng không thấy con về mà cha mẹ vẫn không đi tìm hay trình báo công an?
|
Từ hơn hai chục năm trước, khi xã hội chưa tràn lan những câu chuyện xấu xa bạo lực như hiện nay, tôi đã ý thức cao độ trong việc bảo vệ con. Ngay khi con chưa được một tuổi, tôi rất cân nhắc khi giao con cho người khác bế bồng. Thói quen thấy trẻ nhỏ là vuốt má, nựng nịu, ẵm bồng… quá tự nhiên của nhiều người Việt khiến tôi không thích và bất giác đề phòng, kể cả với hàng xóm. Khi buộc phải đi đâu mà không giao con cho người thân trông hộ được thì tôi mang luôn con theo cùng, với phương châm: mẹ đâu con đó, ngay trong tầm mắt mình.
Mỗi lần đưa con đến các trung tâm thương mại để vui chơi, mua sắm hay vào các nhà hàng hoặc khách sạn để ăn uống, tôi không bao giờ để con vào nhà vệ sinh một mình, dù con đã trên 10 tuổi. Dù con là con trai, tôi thuyết phục con cùng vào nhà vệ sinh nữ với mẹ vì tôi không tiện khi bước vào nhà vệ sinh nam cùng con. Tôi luôn lo lắng những góc khuất và tĩnh lặng của nhà vệ sinh sẽ ẩn giấu những hiểm hoạ cho con và tôi muốn tự mình chủ động kiểm soát.
Hơn mười mấy năm trước, khi Sài Gòn chưa bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì tôi đã tự sắm mũ bảo hiểm cho mình và cho con mỗi khi hai mẹ con muốn đi đâu chơi xa hơn 5 km. Khi đi xe máy, ngoài nón bảo hiểm, tôi luôn tập cho con thói quen mang áo khoác có mũ trùm đầu và giày thể thao, để con không bị nắng hoặc không bị lạnh, đồng thời đôi chân cũng được bảo vệ tốt hơn khi lơ lửng hai bên xe máy.
Có con là điều không dễ dàng, nuôi dạy con nên người tử tế cũng là chuyện khó khăn không kém. Trong quá trình ấy, khi con chưa trưởng thành, người mẹ người cha phải là điểm tựa của con. Nếu con không được cha mẹ bảo vệ thì sẽ là ai đây?
Cát Văn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một phụ nữ nội trợ sinh sống ở TP.HCM
>> Dạy con làm bếp không khó
>> Dạy con cách xin lỗi
>> Gian nan dạy con học
Bình luận (0)