Phải biết quý tính mạng của mình

28/10/2015 05:14 GMT+7

Nhiều bạn đọc tỏ ý bức xúc sau khi đọc bài Liều mạng qua đường đăng trên Thanh Niên ngày 27.10.

Nhiều bạn đọc tỏ ý bức xúc sau khi đọc bài Liều mạng qua đường đăng trên Thanh Niên ngày 27.10.

Quá liều
Tôi không hiểu sao có nhiều người lại xem thường tính mạng của mình như vậy. QL1 với hàng chục ngàn lượt xe chạy ầm ầm, chỉ cần sơ suất một chút là tai nạn xảy ra ngay. Việc băng qua đường bất chấp xe cộ, bất chấp biển báo là quá liều, vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng. Đề nghị chính quyền các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, lực lượng chức năng phải luôn tuần tra giám sát để không còn xảy ra tình trạng như vậy nữa.
Ngọc Dũng
(ngocdung57@yahoo.com)
Phải xây dựng thêm cầu vượt
Những đoạn QL1 đi qua, mà nhiều đoạn quá dài đến 2 - 3 km, không có cầu vượt giữa chừng như đoạn từ cầu vượt Quang Trung đến cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) mà quý báo phản ảnh hiện rất nhiều. Muốn cư dân những khu vực ấy không băng ngang đường thì phải xây thêm cầu vượt. Nhưng xây cầu vượt cũng phải khảo sát xem nhu cầu, lưu lượng qua lại có đông không. Khi đã có cầu, ai băng qua đường thì phải phạt nặng.
Nguyễn Lâm Quang
(lamquang1954@gmail.com)
Do thiết kế
Ai cũng muốn bảo vệ tính mạng của mình, họ không đi qua cầu vượt là bởi thiết kế quá cao, lại dốc. Người già, bệnh nhân mà bắt leo cầu như ở đoạn BV Ung bướu TP.HCM thì làm sao leo nổi. Phải có phương án thiết kế mẫu cầu vượt đúng chuẩn, thích hợp với người dân và đa dạng. Ví dụ ở quốc lộ thì mẫu cầu vượt phải cao vì xe tải, xe container lưu thông nhiều. Ở nội thành, các khu trung tâm thì cầu vượt thấp hơn và có độ dốc vừa phải... Nếu làm được vậy thì ai dại gì băng ngang qua đường cho nguy hiểm!
Lê Văn Long
(vanlong1978@yahoo.com)
Con số báo động
Chỉ vì không có cầu vượt hoặc không có chỗ rẽ mà nhiều người chết oan uổng như vậy quả là con số báo động. Những khu vực đông dân cư suốt theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hoặc kể cả nội thành cần buộc các chủ đầu tư xây dựng hoặc duy tu, bảo dưỡng đường phối hợp với chính quyền địa phương xây cầu vượt. Nếu không, dân cư ngày càng đông, số vụ tai nạn và số người chết sẽ ngày càng nhiều.
Hoài An
(lehoaian1990@yahoo.com)
       
Nhiều khi đang chạy xe máy bỗng giật bắn người khi phía trước có một người đang băng qua đường dù chẳng có vạch dành cho người đi bộ. Những vụ tai nạn xảy ra trong hoàn cảnh này không phải là hiếm. Người đi bộ hãy biết quý tính mạng mình, đừng băng qua đường một cách cẩu thả để rồi chẳng những gây hại cho mình mà còn cho người đi đường.
Nguyễn Nguyên Tuấn
(Q.4, TP.HCM)
       
Sự liều mạng qua đường là do tâm lý, thói quen tham gia giao thông của người dân, miễn sao đi cho nhanh lẹ là được. Người đi sau bắt chước người đi trước, thế là thành thói quen của số đông. Bên cạnh đó, cầu vượt ở những khu vực đông dân cư lại ít nên buộc người dân phải đạp rào, leo trèo để qua đường. Cầu vượt hiện nay giống như nơi để trú mưa, hóng mát hay chụp ảnh hơn là giúp ích cho người đi bộ.
Trịnh Hải Đăng
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.