Như Thanh Niên thông tin, chị H.T có con trai đang học lớp 10 tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội) vừa nhận được văn bản ký ngày 2.10 của ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng nhà trường, thông báo về việc thụ lý giải quyết khiếu nại (lần 1) của chị. Đơn này cũng được đồng thời gửi tới Sở GD-ĐT Hà Nội và Bộ GD-ĐT.
Chị H.T là phụ huynh đang gây xôn xao dư luận khi bị tập thể phụ huynh trong lớp cô lập, xúc phạm bằng những lời lẽ miệt thị vì phản đối các khoản thu sai quy định và bị cho ra khỏi nhóm phụ huynh của lớp. Không chỉ vậy, con chị cũng bị một số bạn trong lớp mỉa mai châm biếm về việc mẹ cháu đóng quỹ hội ít...
Trường cần công khai khoản thu
Sau khi thông tin vụ việc, Thanh Niên nhận được hàng trăm phản hồi của bạn đọc (BĐ), hầu hết ủng hộ hành động dũng cảm của chị H.T. Nhiều ý kiến cho rằng những khoản thu sai mà phụ huynh này chỉ ra đang tồn tại ở rất nhiều nơi, chứ không hề là hiện tượng cá biệt. Theo BĐ Minh Tuấn: “Các khoản thu này trường nào cũng đóng, chẳng qua không ai lên tiếng thôi vì lên tiếng nếu không được ủng hộ sẽ như phụ huynh trên. Tôi tin rằng hầu hết trường công luôn, chỉ cần khảo sát điều tra sẽ biết liền. Quan trọng là ngành giáo dục có muốn làm hay không thôi”.
“Các khoản thu đầu năm, nhà trường nên dán trên bảng tin công khai. Đừng để hội phụ huynh học sinh bầu lên là cánh tay nối dài của nhà trường về việc lạm thu. Hiện nay có 3 khoản thu: khoản thu bắt buộc, khoản thu thỏa thuận, khoản thu hộ, trong đó “khoản thu bắt buộc” đã được Bộ GD-ĐT, các sở thông báo rộng rãi, chỉ “còn lại hai khoản thu” tùy vào mỗi trường. Đây là kẽ hở của lạm thu”, BĐ Thanh Thiên ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Xuân Diễn thẳng thắn: “Ngành giáo dục nên nghiêm cấm chứ đừng thòng một câu trên cơ sở tự nguyện hoặc phải được đa số phụ huynh nhất trí thông qua hội phụ huynh nữa. Vì đây là kẽ hở cho lạm thu đưa phụ huynh vào thế kẹt phải bóp hầu bao mà đóng cho yên thân con em mình”.
Có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc nhà trường công khai các khoản thu để phụ huynh biết, cần có “địa chỉ” trách nhiệm cụ thể trong việc để xảy ra lạm thu. “Cần kiểm tra làm rõ, kỷ luật nghiêm các hiệu trưởng “bật đèn xanh” cho thu tiền không đúng quy định”, BĐ Trần Trung đề nghị. Đồng quan điểm, BĐ Trang Vân viết: “Không ai khác, trách nhiệm này thuộc Giám đốc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng trường. Quy trách nhiệm rõ ràng và thẳng thắn thế mới hy vọng chấn chỉnh được tình trạng lạm thu đầu năm học”.
Không nên để hội phụ huynh học sinh mà nên để nhà trường ra danh sách đóng góp bao nhiêu, gồm các khoản nào thì mới gọi là minh bạch.
Thông tin bằng văn bản thì không ai nói gì vì có bằng chứng xác thực. Bản thân tôi năm nào đi họp lớp cho con cũng thấy mục đích chính là đóng tiền do hội phụ huynh học sinh khởi xướng, nó không còn là môi trường giáo dục nữa mà là nơi tìm kiếm vật chất hay mưu cầu nhiều thứ.
Tuyen Giang
Đến hẹn lại lên. Mang tiếng tự nguyện nhưng từ rất lâu, khoản này luật bất thành văn mang tính bắt buộc. Vai trò của Bộ ở đâu trong việc này?
Xuan
|
Trong khi đó, BĐ Hung Ngo đề nghị Bộ GD-ĐT chấn chỉnh lại tình trạng này. “Không phải cá biệt một trường đâu. Khoản nào cũng ép đóng và nhân danh quỹ hội phụ huynh. Nói ra là tự nguyện, nhưng không đóng thì bị cô lập. Sợ luôn!”. Tương tự, BĐ Huy Nguyễn ý kiến: “Bộ GD-ĐT phải cương quyết chấn chỉnh dẹp bỏ tình trạng lạm thu, biến tướng dưới nhiều hình thức. Vấn đề này tồn tại đã nhiều năm và gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Nếu trường nào để xảy ra vụ việc thì phải cách chức hiệu trưởng, kỷ luật ban giám hiệu...”.
Bình luận (0)