Phải chăng bóng đá nữ fair-play hơn bóng đá nam?

28/07/2023 14:09 GMT+7

Hai đội đồng chủ nhà của World Cup nữ 2023 Úc và New Zealand đồng loạt đứng trước nguy cơ bị loại. Điều đáng nói họ không mượn sức ép của trọng tài để thoát khỏi nguy cơ đó.

Úc thua Nigeria 2-3 hôm qua (27.7), còn New Zealand thua Philippines 0-1 hôm 25.7. Những trận thua nói trên khiến 2 đội đồng chủ nhà của World Cup bóng đá nữ năm nay đứng trước nguy cơ bị loại từ rất sớm.

Điểm chung ở chỗ 2 trận thua đấy đều là những thất bại hết sức bất ngờ. Việc Philippines đánh bại New Zealand được gọi là cú sốc lớn nhất tại World Cup 2023.

Phải chăng bóng đá nữ fair-play hơn bóng đá nam? - Ảnh 1.

Đội nữ Úc (trái) có thể sớm phải rời cuộc chơi

AFP

Trong khi đó, việc Úc thua Nigeria là chuyện ít người tưởng tượng được trước giờ bóng lăn. Khác với bóng đá nam, bóng đá nữ Nigeria nói riêng, bóng đá nữ châu Phi nói chung vốn rất yếu. Với riêng Nigeria, thành tích tốt nhất của đội này tại một kỳ World Cup là vào tứ kết, nhưng đó đã là kỳ giải năm 1999, cách nay gần 1/4 thế kỷ (24 năm). Ngược lại, Úc là chủ nhà của giải đấu, được đánh giá sẽ vào sâu tại World Cup 2023.

Điểm chung khác trong các thất bại của Úc và New Zealand, đó là họ không dùng áp lực của trọng tài để đi tìm kết quả có lợi cho họ.

5 ứng cử viên vô địch World Cup nữ 2023

Lần gần nhất một kỳ World Cup bóng đá nam được tổ chức với các quốc gia đồng chủ nhà là tại Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2002. Đấy cũng là kỳ giải mà công tác trọng tài bị phê phán khá nhiều, đặc biệt liên quan đến hành trình vào bán kết của đồng chủ nhà Hàn Quốc.

Bóng đá nữ không như vậy, World Cup bóng đá nữ không như thế, sự can thiệp của trọng tài vào kết quả các trận đấu không lớn, chí ít là không để lại nhiều tai tiếng như một vài trận đấu, một vài giải đấu của bóng đá nam.

Cứ cho rằng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã giúp bóng đá nói chung phần nào thay đổi, các trọng tài giờ ít dám "ăn gian" hơn trước. Nhưng công nghệ nói cho cùng chỉ mang tính chất hỗ trợ, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các trọng tài, thuộc về con người.

Phải chăng bóng đá nữ fair-play hơn bóng đá nam? - Ảnh 2.

New Zealand (trái) gặp khó khăn sau khi thua Philippines

AFP

Vả lại, VAR chỉ can thiệp trong một vài pha bóng cụ thể: Bàn thắng hay không bàn thắng, việt vị hay không việt vị (nếu tình huống việt vị có liên quan đến bàn thắng), thẻ đỏ hay không thẻ đỏ. Ngoài những tình huống ấy, VAR không can thiệp, trọng tài có rất nhiều cách để gây ức chế cho các đội bóng, nếu họ thật sự thiếu fair-play.

Với các đội vừa dưới cơ, vừa phải thi đấu trên sân đối phương như Philippines đối đầu với New Zealand, hoặc Nigeria đối đầu với Úc, nếu bị trọng tài gây ức chế sẽ cực kỳ khó đá.

Điều này cho đến giờ vẫn chưa xảy ra. Úc và New Zealand thi đấu bằng thực lực, họ thua đội bóng Đông Nam Á và đội bóng châu Phi ở những thời điểm mà phong độ của họ không tốt bằng phong độ của đối phương.

Hai đội đồng chủ nhà của kỳ World Cup năm nay chấp nhận điều đó, chấp nhận đối diện với nguy cơ bị loại, trên tinh thần thể thao chân chính. Bản thân các trọng tài cũng vậy, họ không can thiệp thô bạo vào trận đấu theo hướng gây ức chế cho đối thủ của các đội chủ nhà.

Đấy là yếu tố giúp cho bóng đá nữ, World Cup bóng đá nữ vẫn giữ được nét hấp dẫn riêng, cho dù nếu chỉ so về tốc độ, năng lực kỹ thuật và tính cạnh tranh trong các trận đấu, bóng đá nữ chắc chắn kém bóng đá nam.

Bóng đá nữ vẫn thu hút người xem bởi vẫn còn giữ được tính chất của một môn chơi đúng nghĩa, thay vì bị công nghiệp hóa và thương mại hóa đến mức tối đa như bóng đá nam!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.